Những “hạt giống đỏ” ở Cao Bằng kết nối với Chi bộ hải ngoại
 |
Khu nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong, xóm Bản Lằng, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. |
Trên hành trình tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1940, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tìm thấy chân lý cách mạng và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc ta và tìm cách truyền bá về nước. Thời kỳ này, Cao Bằng có nhiều tổ chức yêu nước thu hút đông đảo thanh niên các dân tộc tham gia, tiêu biểu có Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn đã sang Trung Quốc tiếp thu ánh sáng con đường cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để trở về gây dựng phong trào cách mạng trong nước kết nối với Đảng cộng sản Việt Nam ở hải ngoại.
Những ngày hè tháng 6, chúng tôi đến Khu nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong rợp cây xanh bóng mát tại xóm Bản Lằng, phường Đề Thám, TP Cao Bằng (Cao Bằng). Ngồi trong khuôn viên dưới bức tượng Hoàng Đình Giong uy nghiêm, chúng tôi được các bậc cao niên tự hào kể lại quá trình thanh niên ưu tú yêu nước Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn sớm có tinh thần yêu nước, tích cực hoạt động cách mạng trở thành chiến sĩ cộng sản, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng do Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao phó trước ngày Người về Cao Bằng.
 |
Các tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong được lưu giữ cho thanh thiếu niên đến tìm hiểu.
|
Những năm 1918-1925, con đường cứu nước đang được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhen nhón thắp lên. Người tham gia Quốc tế Cộng sản, tới Matxcơva (Liên Xô) nơi diễn ra cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin tìm thấy chân lý cách mạng, con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc. Đầu năm 1925, Người về Trung Quốc hoạt động trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức yêu nước, lấy tên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) tại Quảng Châu (Trung Quốc), bao gồm những thanh niên yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin xây dựng hạt nhân về nước hoạt động đưa phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam phát triển lên bước tiến mới.
Thời kỳ này, Cao Bằng xuất hiện các tổ chức yêu nước Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế… trong đó tiêu biểu có Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Văn Tư, Võ Văn Đức… sau này được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang, tiền bối cách mạng tiêu biểu của Đảng), dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay phường Đề Thám, TP Cao Bằng) đã tích cực tham gia hoạt động năm 1925-1926, từ khi còn theo học tại trường Bách Nghệ, Hà Nội. Sau đó, đồng chí về Cao Bằng tích cực tuyên truyền vận động thành lập “Hội Thanh niên phản đế”… phong trào lan rộng. Năm 1927, tại Cao Bằng đã xuất hiện nhiều cơ sở Hội đánh Tây phát triển từ châu Hòa An lên Hà Quảng rồi lan sang Quảng Uyên và nhiều châu khác có đầu mối giao thông quan trọng trong và ngoài nước.
 |
Du khách đến thăm quan Di tích Nặm Lìn nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Cao Bằng tại xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung (Hòa An, Cao Bằng).
|
Nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng tinh thần yêu nước của Hoàng Đình Giong, bọn đế quốc tay sai đã khủng bố, truy lùng gắt gao. Hoàng Đình Giong bí mật vượt biên giới sang Long Châu (Trung Quốc) gặp gỡ đồng chí Hoàng Văn Thụ và bắt liên lạc với các đồng chí trong Ban lãnh đạo của VNTNCMĐCH ở nước ngoài. Năm 1928, Hoàng Đình Giong và Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức VNTNCMĐCH tại cơ sở Long Châu, Trung Quốc. Từ đó hai đồng chí tập trung xây dựng cơ sở cách mạng, tập hợp và mở lớp truyền bá tư tưởng của tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện, đào tạo cho cán bộ Cao Bằng và Lạng Sơn.
Phong trào thu hút nhiều thanh niên yêu nước đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã tìm đường đến Long Châu (Trung Quốc). Dưới tầm ảnh hưởng của Hoàng Đình Giong, năm 1926, Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như, Tư Hưu, Văn Tân…), Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) và nhiều thanh niên yêu nước các dân tộc Cao Bằng đã tìm đường đến cơ sở cách mạng tại Long Châu (Trung Quốc) và gặp đồng chí Hoàng Đình Giong. Trải qua rèn luyện trong hoạt động cách mạng, đến giữa năm 1928, đồng chí Hoàn Văn Nọn được kết nạp vào tổ chức VNTNCMĐCH. Tháng 12-1929, đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) và thành lập Chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư chi bộ.
Cuối năm 1929, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận ở nước ngoài ĐDCSĐ các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được đồng chí Lê Hồng Sơn, đại diện của ĐDCSĐ kết nạp vào ĐDCSĐ (12-1929) và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Sau Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930), chi bộ Hải ngoại Long Châu chính thức trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với cương vị Bí thư Chi bộ Long Châu, sau khi tiếp thu con đường cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về nước, đồng chí Hoàng Đình Giong và các đồng chí đảng viên Chi bộ đảm nhận nhiệm vụ “gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước ra dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động giữa hai vùng biên giới” chuẩn bị và thành lập Chi bộ Đảng tỉnh Cao Bằng để kết nối tổ chức Đảng hải ngoại với trong nước, thúc đẩy phong trào cách mạng lên tầm cao mới.
Trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác- Lênin và phương thức hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Nọn được Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) phân công trở về Cao Bằng hoạt động truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, chuẩn bị cho thành lập Chi bộ đảng. Về Cao Bằng, đồng chí chủ động kiểm tra phong trào cách mạng, đào tạo, thử thách, rèn luyện quần chúng ưu tú.
Ngày 1-4-1930, tại khe suối Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung (Hòa An), đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu kết nạp 2 đồng chí tiêu biểu trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở tỉnh là Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) và Nông Văn Đô (tức Bích Giang) vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng ở Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chức năng nhiệm vụ của chi bộ như một Tỉnh uỷ lâm thời.
Ngay sau khi thành lập Chi bộ Đảng của Cao Bằng với cương vị đảm nhiệm Bí thư Chi bộ, đồng chí Hoàng Văn Nọn đã bám sát chỉ đạo của Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) và Đông Dương Cộng sản Đảng nhanh chóng xây dựng và phát triển Chi bộ thành Đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của cả nước thực hiện sứ mệnh lịch sử dân tộc mà Đảng giao phó.
Tháng 3-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong quan tâm chỉ đạo sát sao Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng thực hiện sứ mệnh lịch sử xây dựng Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng vững chắc để đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng trong nước.
Đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tổ quốc
Từ khi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập (1-4-1930), dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của đồng chí Hoàng Đình Giong, Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc); đồng chí Hoàng Văn Nọn, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã đưa phong trào cách mạng tại Cao Bằng phát triển theo định hướng chiến lược của Trung ương Đảng làm khâu nối tổ chức Đảng trong nước với hải ngoại. Cao Bằng vinh dự được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi về nước lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa.
Từ năm 1930 đến năm 1935, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã bồi dưỡng kết nạp hơn 70 đảng viên, thành lập Chi bộ xã Phúc Tăng (Hòa An) (6-1930), Chi bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc (10-1930), Chi bộ xã Xuân Phách (Hòa An), Sóc Hà (Hà Quảng), Chí Thảo (Quảng Uyên), Minh Tâm (Nguyên Bình)...
 |
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đoàn cán bộ cách mạng về Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), vào ngày 28-1-1941. Tranh: Trịnh Phòng
|
Thực hiện “Chương trình hành động của Đảng năm 1932-1935” nhằm khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã đến Long Châu (Trung Quốc) gặp đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ đạo và giúp Đảng bộ tỉnh Cao Bằng mở lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng Cao Bằng thành cầu nối liền giữa Ban lãnh đạo Trung ương Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Ban Tỉnh ủy Cao Bằng chọn cử nhiều thanh niên yêu nước tham dự các lớp huấn luyện của Đảng tại Long Châu (Trung Quốc) đào tạo đội ngũ cán bộ để về nước hoạt động là hạt nhân có phương pháp và uy tín lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng, sau đó nhiều đồng chí được cử đi miền xuôi chắp nối liên lạc với các cơ sở trong nước. Đảng bộ Cao Bằng củng cố các đường dây, cơ sở liên lạc với nước ngoài. Tháng 7-1933, Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) công nhận Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn- Hoàng Như làm Bí thư. Mọi hoạt động của Đảng đều dựa trên nguyên tắc bí mật. Do đó, các cơ sở đảng được giữ vững, củng cố và phát triển.
Cùng thời gian này (1931-1935), Đảng bộ tỉnh Cao Bằng xúc tiến thành lập các tổ chức cách mạng quần chúng như: Cộng sản Đoàn, Công hội đỏ, Nông Hội đỏ… vận động nhân dân châu Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Thị xã… nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc giữa các cơ sở đảng và giữa các cấp bộ đảng, đấu tranh chống bắt phu, đòi giảm thuế, đòi quyền tự do dân chủ… Phong trào đấu tranh cách mạng từng bước phát triển mạng chống bắt, đánh đập phu, đòi cấp tiền gạo cho phu làm đường ngày nổi lên mạnh mẽ ở Mỏ Thiếc, Hòa An, Hà Quảng… dưới sự chỉ đạo của các Châu ủy giành thắng lợi đã động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân. Còn ở Quảng Uyên, Thạch An, Phục Hòa tuy chưa có phong trào cách mạng mạnh mẽ nhưng bắt đầu gây dựng cơ sở quần chúng cách mạng bí mật giúp Đảng đưa đường cho cán bộ ra nước ngoài và đón cán bộ về nước chỉ đạo phong trào cách mạng. Do đó, các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xử ủy vượt biên giới trở về căn cứ, trở về xuôi an toàn, đảm bảo giao thông liên lạc giữa Ban Tỉnh ủy Cao Bằng với Ban lãnh đạo hải ngoại của ĐCSĐD.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng của Trung ương Đảng giao cho, cuối năm 1934, đồng chí Hoàng Văn Nọn, Bí thư Tỉnh ủy được Ban lãnh đạo của ĐCSĐD chỉ định làm đại biểu chính thức của ĐCSĐD và cùng đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai sang thủ đô Mát-xcơ-va, Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (1-7/20-8-1935). Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nọn đã đọc báo cáo tham luận về vận động các dân tộc ít người ở Đông Dương tham gia cách mạng. Hiệu quả phong trào hoạt động cách mạng của đồng chí báo cáo tại Đại hội đánh dấu bước ngoặt mới phong trào hoạt động cách mạng trong nước được các đại biểu quan tâm. Đồng chí Hoàng Văn Nọn được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử ở lại Liên Xô, Người trực tiếp dạy tiếng Nga, giới thiệu đến học lý luận Mác - Lê-nin ở Trường Đại học Phương Đông(1935-1937) và trở thành người học trò xuất sắc của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc (3-1935), được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương ĐCSĐD, khóa I, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Dưới ánh sáng Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Đại hội Đảng lần thứ I (1935) và chủ trương của Trung ương Đảng ta, từ năm 1936-1941, đồng chí Lê Mới (Nam Cao), Lê Tòng, Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Bí thư Tỉnh ủy đã lãnh chỉ đạo Đảng bộ vận dụng nhạy bén, sáng tạo đường lối chiến lược cách mạng của Đảng. Tập hợp quần chúng nhân dân các dân tộc dưới mặt trận dân chủ Đông Dương đấu tranh đòi quyền lợi tự do dân chủ, cải thiện đời sống với nhiều hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “đại hội Đông Dương” và dự thảo bản “dân nguyện” đòi thực hiện cải cách dân chủ, cải thiện đời sống... thu hút đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… từ vùng cao đến cùng thấp tham gia.
Tháng 6-1940, nước Pháp bị phát xút Đức chiếm đóng, Nhật nhảy vào Đông Dương. Trước diễn biến mới của thế giới và phong trào cách mạng trong nước, tháng 11-1940, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương 7, xác định kẻ thù chính của nhân dân là phát xít Nhật-Pháp và bè lũ tay sai của chúng; đề ra nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân Đông Dương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Trước chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Quế Lâm (Trung Quốc) chỉ thị cho tất cả cán bộ của Đảng ta đang hoạt động nước ngoài nhanh chóng trở về nước gấp rút chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giành chính quyền. Cao Bằng có 40 cán bộ, đảng viên đang hoạt động ở Tịnh Tây, Người cử cán bộ bắt liên lạc, tìm hiểu tỷ mỉ phong trào cách mạng ở Cao Bằng để lên kế hoạch về nước.
Đầu tháng 1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng cán bộ Trung ương và 40 cán bộ Cao Bằng bắt đầu rời Tịnh Tây về nước. Trên đường về nước, Người đã mở lớp huấn luyện cán bộ về cách thức tổ chức các Hội cứu quốc trong mặt trận Việt Minh để về nước triển khai thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày 28-1-1941, Người và đoàn cán bộ đã về đến Tổ quốc tại Pác Bó, Cao Bằng để trực tiếp lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Từ đường lối sáng suốt của Đảng, sự lãnh chỉ đạo tài tình của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã xây dựng căn Cao Bằng phát triển vững mạnh, chuẩn bị các điều kiện để vận động toàn thể nhân dân tiến lên tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945 giành thắng lợi, lật đổ chế độ đế quốc thực dân phong kiến tay sai, giành độc lập tự do cho nhân dân.
Chọn Cao Bằng là nơi trở về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại liền kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. |
TRƯỜNG HÀ