Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cùng chủ trì buổi làm việc.
Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Triển khai xây dựng đề án quan trọng này, Ban chỉ đạo xây dựng đề án đã đặt các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng hơn 60 báo cáo và chuyên đề, 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, các tổ chức quốc tế cũng đã tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng đề án. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành 1 báo cáo và 3 chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng đề án.
 |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH TRUNG |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Bộ Công Thương là cơ quan đầu tiên Ban chỉ đạo làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo của đề án. Đồng chí lưu ý đến một số vấn đề như: Đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng; làm rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới; các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên nêu rõ về một số nội dung đã được thống nhất tại buổi làm việc, trước hết, quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
 |
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THÀNH TRUNG
|
Trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Rà soát, thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về phát triển công nghiệp.
 |
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: THÀNH TRUNG |
Đồng thời, xây dựng và thiết lập thể chế quản lý vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp. Rà soát, hoàn thiện danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp. Ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ...
Các ý kiến tại buổi làm việc đều thống nhất đề nghị sớm ban hành một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
MẠNH HƯNG