Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, để tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Thủ tướng đánh giá các ý kiến đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, lấy kỷ nguyên số, chuyển đổi số, xã hội số làm động lực mới cho sự phát triển.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0. |
Thủ tướng chia sẻ, đặt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khó lường, Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân, nên bước đầu đã mang lại hiệu quả. "Khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn hướng tới ổn định vững chắc, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè quốc tế vẫn được giữ vững, tăng cường và củng cố; ổn định chính trị và an ninh-quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao hơn trong bối cảnh khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ ra những thách thức của nền kinh tế, Thủ tướng đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu, kiệt quệ tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh… Cho rằng đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, tác động toàn dân, Thủ tướng yêu cầu cần phải có cách tiếp cận mới, gắn với thực tiễn, linh hoạt. Thủ tướng cho rằng, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo Thủ tướng, hai chương trình này gắn liền với nhau. Bởi dịch bệnh tác động ngay tới phát triển kinh tế xã hội và ngược lại, nếu không phát triển được kinh tế xã hội thì sẽ không có nguồn lực chống dịch.
Về chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đề cập tới một số giải pháp chính như: Hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực y tế, bao gồm cả con người, cơ sở vật chất tài chính; vắc xin; nâng cao ý thức người dân… Phấn đấu chậm nhất tháng 12 này sẽ bảo đảm được 2 mũi vắc xin cho các đối tượng hơn 18 tuổi, tiêm vắc xin mũi tăng cường, tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi và nghiên cứu tiêm cho trẻ em nhỏ hơn nữa.
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung một số nội dung quan trọng, gồm các vấn đề y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tập trung hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số…
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0. |
Liên quan tới chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số. Theo đó, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… “Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…”, Thủ tướng nêu rõ.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng đề cập tới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Nhất quán kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Vì mục tiêu hợp tác hòa bình phát triển, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
“Chúng ta phát huy tối đa yếu tố con người, lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể vừa là mục tiêu cho sự phát triển. Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”, Thủ tướng chia sẻ.
Tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Hồi phục hay phát triển kinh tế thì nội lực vẫn là yếu tố cơ bản, chiến lược lâu dài có tính chất quyết định, nhưng ngoại lực là yếu tố quan trọng cho đột phá. Nội lực là con người, thiên nhiên, văn hóa và truyền thống, lịch sử. Còn ngoại lực là hỗ trợ quốc tế, công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tin, ảnh: VŨ DUNG