Tổng kết của các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển và kinh nghiệm thực tế của Bộ Giao thông vận tải và nhiều địa phương cho thấy, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. 

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế-chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. 

leftcenterrightdel

Quang cảnh hội nghị về chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án cao tốc. Ảnh: VŨ THÀNH 

Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm một số nội dung như: Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa từ hai vụ trở lên; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đường bộ cao tốc với quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, phải hoàn thành nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thời gian yêu cầu gấp.

Công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư... với khối lượng lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn. Công tác khảo sát, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) để cung cấp cho các dự án khi triển khai đồng loạt nhiều dự án, đặc biệt là các dự án được áp dụng cơ chế chỉ định thầu xây lắp… Trong khi đó, cách hiểu về các thủ tục khi giao mỏ vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công các dự án cao tốc còn chưa thống nhất.   

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VŨ THÀNH

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, thời gian qua có nhiều giải pháp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện dự án đường bộ cao tốc, trong đó, ngoài Bộ Giao thông vận tải cũng phân cấp, phân quyền cho các địa phương về quản lý, đầu tư xây dựng dự án.

Đối với cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, tổng số có 11 dự án thành phần, đã đưa vào khai thác 6 dự án; 3 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023; 2 dự án hoàn thành trong năm 2024. Bên cạnh đó, trong năm 2023, một loạt dự án cao tốc được phân cấp cho địa phương sẽ khởi công như Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, Biên Hoà - Vũng Tàu, Nha Trang - Buôn Ma Thuột…

Bên cạnh đó, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, tổ chức thi công, quản lý dự án. Trong đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng, quá trình lập dự án cần ưu tiên bước khảo sát thiết kế, định hướng tuyến ngay từ ban đầu, xác định bình đồ không thay đổi, lấy đó làm cơ sở cắm mốc giải phóng mặt bằng, triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng.

MẠNH HƯNG