Các đại biểu đều đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, doanh nghiệp đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm vùng miền và thương hiệu Việt. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam tuy có chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn yếu vì chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh bao bì chưa bắt mắt... Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ....

Còn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thì cho rằng, 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa… Điều này làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhấn mạnh: Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước. Trong bối cảnh này, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị "hòa tan" trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với nước ta.

Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, hiệp hội nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá cho doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế”.

Bà Lê Việt Nga cho hay, tính đến nay, có trên 11.000 điểm bán hàng bình ổn toàn quốc tại trên 50 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phân phối các sản phẩm thiết yếu, như thịt gia súc, gia cầm, đường, gạo, rau quả, đồ dùng học tập, thuốc chữa bệnh...với sự liên kết chuỗi cung ứng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hàng hóa trong nước.

Song song với đó, thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hội nghị để trao đổi, tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản và hàng công nghiệp nông thôn. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm mang tính thời vụ cao, sản lượng lớn của các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Nam, Phú Yên, Sóc Trăng nhằm hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải thiều, hành tím, ổi, na, thanh long... với sự vào cuộc của nhiều nhà phân phối lớn trong nước như Sài Gòn Co.op, Hapro, Lotte, Vinmart, BigC... và các chợ đầu mối lớn trên cả nước. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án “Tự hào hàng Việt Nam” tại 52 địa phương trên cả nước. Hoạt động này đã góp phần nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị lên đến trên 70%, đặc biệt  một số siêu thị như Coopmart, BigC có tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh chóng ở nước ta: Coopmart mở được khoảng 100 siêu thị, Vingroup mở được trên 1.000 siêu thị trên toàn quốc...

Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cho rằng, một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa còn gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hộ nông dân chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng.... Do đó, bà Lê Việt Nga đề xuất thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động mở rộng các kênh bán phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; các doanh nghiệp phân phối có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và ngoài nước, ông Nguyễn Mạnh  Hùng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ kiến nghị cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách vĩ mô trong quy hoạch vùng, quy hoạch sản xuất theo hướng khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có đặc thù; những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào để giảm dần việc nhập khẩu nguyên liệu thô... ; hướng dẫn người sản xuất nhận thức về quy trình chuỗi sản phẩm, quản lý sản phẩm, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, Nhà nước cần nâng mức kinh phí hỗ trợ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ tăng điểm bán hàng Việt tại các địa phương, nhằm giúp cho thương hiệu Việt tăng sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên “sân nhà”.

Tin, ảnh: NGUYỄN THẢO