Cuối năm nay, theo lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong khi đó, Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ chín, kỳ họp rất quan trọng của mỗi khóa Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp...
QĐND - Cuối năm nay, theo lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong khi đó, Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ chín, kỳ họp rất quan trọng của mỗi khóa Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp.
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng đòi hỏi phải có sự hội nhập trong chừng mực nhất định của hệ thống pháp luật về kinh tế. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa được các "nhà lập pháp" quan tâm nhiều.
Ví dụ, khi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) là một trong số rất ít đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề này. Đại biểu nói, chuẩn mực kế toán của Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt với chuẩn mực kế toán quốc tế và bởi thế, nhiều người Việt Nam tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng trên thế giới nhưng không thể làm được kế toán ở Việt Nam. Dự thảo luật quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, nhưng đại biểu băn khoăn về việc chưa thấy dự thảo luật dự liệu gì về việc cấp chứng chỉ hành nghề kế toán cho người nước ngoài như thế nào?
Băn khoăn của đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến là đúng, bởi khi hội nhập vào thị trường chung ASEAN thì chuẩn mực kế toán của Việt Nam và các nước trong khu vực cần có sự tương đồng nhất định theo chuẩn mực chung của quốc tế để tạo sự nhịp nhàng trong quan hệ thông thương nói riêng và kinh tế nói chung. Điều đặc biệt, khi hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN, một trong năm yếu tố sẽ được lưu chuyển tự do là lao động. Vậy, lao động là kế toán nước ngoài được lưu chuyển tự do vào Việt Nam thì Việt Nam sẽ cấp chứng chỉ hành nghề kế toán cho họ như thế nào?
Cũng giống như kích thước chuẩn đường ray đường sắt của hai nước khác nhau, muốn có tuyến tàu chạy thẳng từ nước này sang nước khác sẽ phải qua một ga chuyển tiếp để chuyển toàn bộ hành khách, hàng hóa từ tàu nước này sang tàu nước kia, việc chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế trong kinh tế sẽ khiến Việt Nam khó hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế khu vực hiệu quả. Pháp luật lại là gốc của các vấn đề, nên việc thiết kế, xây dựng các dự án luật mới trong lĩnh vực kinh tế cần đặt ra mục tiêu đáp ứng tốt nhất khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Có như vậy, Việt Nam mới không bị động khi hội nhập và pháp luật không phải "chạy theo" thực tiễn để xảy ra tình trạng luật chưa kịp có hiệu lực đã bị đề nghị sửa đổi.
CHIẾN THẮNG