QĐND - Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nhau chính là cách thể hiện sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Điều này ngày càng trở nên quan trọng khi mà nguyên tắc xuất xứ đang được đặt ra ráo riết trong các đàm phán thương mại. Nếu doanh nghiệp nội địa phải nhập khẩu nguyên liệu thì có thể việc tham gia các hiệp định thương mại sẽ thành vô nghĩa.
"Gà cùng một mẹ" chớ chèn ép nhau
Trong “Hội nghị khách hàng và giới thiệu sản phẩm xơ sợi Đình Vũ” vừa được tổ chức tại Hải Phòng, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã làm cả hội nghị đặc biệt chú ý bởi lời đề nghị thống thiết: “Sản phẩm xơ sợi Đình Vũ đã tốt rồi. Mong các anh đừng ép chúng tôi bán dưới giá thành nữa! Chúng ta đều là doanh nghiệp Việt Nam, nên giúp nhau vượt qua khó khăn”. Câu nói đầy cảm thán của vị lãnh đạo một tập đoàn kinh tế hàng đầu của quốc gia cho thấy thực tế rằng, tính liên kết, sự cảm thông, chia sẻ khó khăn giữa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa được như mong muốn. Vẫn còn cảm nhận được sự chèn ép trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau.
 |
Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ rất hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu nhưng lại gặp khó khăn khi tiêu thụ ở trong nước.
|
Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ là nhà máy rất hiện đại, được ra đời từ sự hợp tác giữa PVN và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với tổng vốn đầu tư là 325 triệu USD, công suất thiết kế là 175.000 tấn xơ sợi/năm. Nhà máy này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu chủ động nguyên liệu xơ sợi polyester của ngành dệt may Việt Nam. Thế nhưng, từ mấy tháng nay, khi nhà máy bắt đầu cho ra sản phẩm thì việc tiêu thụ trong nước lại hết sức khó khăn. Nhà máy buộc phải xuất khẩu đến già nửa số sản phẩm làm ra sang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù hiệu quả xuất khẩu không tốt bằng bán trong nước. Thời gian đầu, sản phẩm của nhà máy chưa ổn định nên bạn hàng còn e ngại là điều dễ hiểu. Nhưng đến nay, mặc dù sản phẩm loại A đã đạt đến 95%, sản phẩm thải loại chỉ còn 1,3% (dưới 2% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế), thế mà nhà máy vẫn khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Lý giải về việc này, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) cho rằng, bên cạnh một số doanh nghiệp đã sẵn sàng giúp đỡ, tiêu thụ sản phẩm xơ sợi Đình Vũ từ những ngày đầu thì còn nhiều doanh nghiệp e ngại. Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp kéo sợi, dệt đều đang có nguồn nhập khẩu nguyên liệu ổn định nên họ ngại thay đổi, sợ chất lượng nguyên liệu mới không phù hợp, làm ảnh hưởng tới sản phẩm của họ.
Đề cao chất lượng sản phẩm là một ưu tiên đúng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam có tinh thần tương trợ cao, thì sẽ tìm ra những giải pháp để “giúp” bạn, chứ không phải là lợi dụng lúc bạn còn đang khó khăn để chèn ép bạn, kiếm lợi cho mình. Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, điểm yếu về bắt màu nhuộm xơ sợi Đình Vũ có thể được hạn chế bằng cách các doanh nghiệp dệt may sử dụng xơ Đình Vũ vào các sản phẩm sợi pha polyester với tỷ trọng thấp.
Sắp tới, vấn đề xuất xứ nguyên liệu của các sản phẩm là vô cùng quan trọng khi Việt Nam đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu như mặt hàng xuất khẩu nào đó của Việt Nam có nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ một nước không tham gia TPP thì mặt hàng ấy của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi của TPP. Mà hiện nay, một tỷ lệ lớn nguyên liệu Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc - nước chưa tham gia đàm phán TPP.
Tạo ra liên kết sản xuất
Cách đây 2 năm, khi Bộ Công Thương đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trực thuộc tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhiều người đã nhìn nhận rằng đây là chủ trương đúng. Trong khi cả nước đang thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì các doanh nghiệp, chính là đối tượng nên thực hiện tích cực nhất. Bởi vì trong chuỗi sản xuất thì sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này lại là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác.
Sau 2 năm triển khai chủ trương trên, các doanh nghiệp nội địa đã ký kết nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhau với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (đó là chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu).
 |
Công nhân Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ kiểm tra độ mịn, trơn của xơ.
|
Theo Bộ Công Thương, việc triển khai thỏa thuận sử dụng sản phẩm của nhau đã có tính lan tỏa, không chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương mà còn mở rộng với các công ty, doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung. Nhờ đó mà tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng cao. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2012 có tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước đạt 42%, với giá trị 35.391,7 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 48,7%, với giá trị là 32.192 tỷ đồng. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam năm 2012 tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, đạt 60,8%, với giá trị là 6.694,46 tỷ đồng và thực hiện 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 64,8%, với giá trị là 3.400 tỷ đồng... Qua đó, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách của nhiều tập đoàn, tổng công ty ngày một tăng cao.
Cần một chiến lược tổng thể
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ sản phẩm của nhau còn gặp những rào cản như mẫu mã, chủng loại, chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm nên chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập; doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được hàng hóa đặc chủng, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Cùng với đó, theo các doanh nghiệp, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Công Thương về vấn đề này còn mang tính chất nêu chủ trương, kêu gọi chung mà không có tiêu chí cụ thể về mức độ ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, nên việc triển khai chưa cao.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước. Theo ông Sơn, có trường hợp PVN đặt hàng doanh nghiệp trong nước sản xuất một số phụ kiện nhưng không bảo đảm an toàn chất lượng cho các hoạt động dầu khí, nên tập đoàn lại phải đặt mua từ nước ngoài.
Theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là biểu thị lòng yêu nước, nhưng từ doanh nghiệp đến người dân đều phải có quyền lựa chọn sản phẩm theo chất lượng, sở thích và khả năng chi trả. “Chúng tôi đã tiêu thụ nhiều sản phẩm của các tập đoàn trong nước nhưng so với mong muốn thì chất lượng còn hạn chế. Sản phẩm mua về phải sử dụng được chứ không phải mua về để rồi tồn kho nhằm đối phó với chủ trương của Bộ Công Thương. Chính vì thế, các tập đoàn, tổng công ty cũng như các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, phân loại sản phẩm có thể sử dụng được và cùng nhau tìm ra giải pháp trên tinh thần hợp tác”, ông Nghị nói.
Ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến tới lập thành chuỗi cung ứng, bên cạnh việc sử dụng hàng hóa, sản phẩm của nhau thì cũng nên sử dụng dịch vụ của nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước cần thay đổi thói quen “mua CIF/bán FOB” (mua tại cảng đến/bán tại cảng đi) để thay vì sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp vận tải nước ngoài thì sử dụng dịch vụ vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Rõ ràng, việc doanh nghiệp trong nước hình thành được các chuỗi cung ứng, sử dụng được sản phẩm của nhau sẽ giúp kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm được ngoại tệ, tăng tính chủ động và tăng nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Chủ trương này không nên dừng ở thỏa thuận diện hẹp, lời kêu gọi chung chung mà nên được lập thành chiến lược tổng thể với những ưu đãi thiết thực để khuyến khích sự hợp tác, liên kết của doanh nghiệp Việt Nam.
Bài và ảnh: HỒ QUANG PHƯƠNG