Còn khó khăn về vốn, công nghệ…

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã phát triển và chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong lĩnh vực công nghiệp; các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng cơ bản đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Đến thời điểm này, năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã có nhiều bước tiến thể hiện ở việc các doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội sau đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng dịch chuyển trong đầu tư sản xuất toàn cầu và có thể tham gia được vào các chuỗi sản xuất của các tập đoàn thế giới…

leftcenterrightdel

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng về quy mô, số lượng và chất lượng. 

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn như việc tiếp cận, sở hữu các công nghệ mới, các dây chuyền sản xuất mới phải bảo đảm được các tiêu chí tham gia các chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như là chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tài chính và vấn đề đào tạo lao động, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng các linh phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng, ông Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn cho hay, hiện nay doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh.

“Dù Nhà nước đã ban hành chính sách nhưng cơ chế cho vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi chưa đến được với các doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Tổng Giám đốc Công ty Hikari P&T Vietnam Nguyễn Đức Cường bày tỏ, là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuyên về lĩnh vực cung ứng linh phụ kiện ngành nhựa và ngành cơ khí, nên doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy đáp ứng được các đơn hàng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác toàn cầu nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí thuê mặt bằng…

leftcenterrightdel
Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng mạng lưới toàn cầu 

Cần cơ chế “mở” giúp doanh nghiệp phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đòi hỏi phải có "trợ lực" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá, trước hết, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không vi phạm các quy định các hiệp định kinh tế quốc tế đã và sẽ ký với quốc tế. Các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng và xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự điều tiết của Nhà nước là điều vô cùng cấp thiết.

“Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải mất thời gian dài từ 3-5 năm để sản xuất, kinh doanh có lãi. Do đó, chúng tôi kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng quan tâm, xem xét hỗ trợ cho vay với mức lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài và đề nghị ngoài thủ tục cho vay thế chấp, nên "nới" thêm hình thức cho vay tín chấp”, ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo thành phố và Sở Công Thương tham quan các gian hàng Hội chợ công nghiệp hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ hạ tầng, phát triển thương hiệu, kết nối ứng dụng các khoa học kỹ thuật, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại khuyến công trong và ngoài nước…, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND về quy chế “Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội”.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu với UBND TP Hà Nội, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước.Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng; lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng - đây là nhóm doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện-điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may-da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.

leftcenterrightdel
 Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022.

Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, trong phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng; góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp và trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ để từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt là tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế, tham gia các hội chợ thường niên để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thường xuyên được kết nối, trao đổi thông tin. Từ đó, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại qua các kênh online, offline.

Có thể thấy, hiện cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Thành phố cũng đang nhanh chóng đón cơ hội kết nối kinh doanh, đổi mới công nghệ, tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tất cả hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đông đảo về số lượng, bảo đảm về chất lượng, thực sự là lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát công nghiệp và triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.

Bài, ảnh: HUY DƯƠNG