QĐND - Khu vực miền núi phía Bắc nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như chất lượng chăm sóc y tế. Theo thống kê, đến đầu năm 2014, toàn vùng Tây Bắc có gần 2.300 cơ sở y tế/982 đơn vị hành chính, trong đó có 88 bệnh viện, 193 phòng khám đa khoa khu vực, 979 trạm y tế xã, phường… Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn về y tế của vùng còn rất thấp, chỉ có 28,9% trong khi cả nước là 50%. Tỷ lệ xã, phường có bác sĩ mới chỉ đạt 44,3%, trong khi cả nước là gần 77%. Số liệu trên đã phần nào phản ánh thực trạng về y tế tại khu vực Tây Bắc nói chung còn nhiều hạn chế. Để nâng cao chất lượng y tế, nâng cao khả năng phục vụ, chăm sóc sức khỏe của người dân, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng các cơ sở y tế thì đầu tư nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ y tế là rất cần thiết.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh cho người già khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Thu Hương.

 

Nhân lực y tế là nguồn lực quan trọng nhất. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2014, toàn vùng Tây Bắc mới chỉ có 15.801 cán bộ ngành y tế, trong đó có gần 3.000 bác sĩ, phần còn lại là y sĩ, y tá và nữ hộ sinh. Không chỉ đội ngũ bác sĩ thiếu mà sự phân bố không đồng đều. Những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa cần nhu cầu chăm sóc sức khỏe hơn lại có ít cán bộ y tế hơn những vùng trung tâm. Chỉ tính riêng 3 thị xã, 5 thành phố của toàn vùng đã có hơn 1.500 bác sĩ, chiếm 51,1% tổng số bác sĩ của vùng.

Có thể thấy, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học là rất cấp thiết tại các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc. Toàn vùng hiện mới có 3 trường trung cấp y tế, 3 trường cao đẳng y tế, chưa có trường đại học đào tạo sinh viên thuộc khối ngành y-dược. Trong khi đó, có đến hơn 12.800 cán bộ y tế chưa đạt trình độ đại học cần được đào tạo.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc đề xuất: Cần thiết phải mở đào tạo các ngành y-dược tại một số trường đại học trong khu vực. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ và đào tạo cán bộ y tế ở những vùng khó khăn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bao cũng cho rằng, cần tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, liên kết trong công tác đào tạo như mô hình thành lập bệnh viện trong các trường y-dược… Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo và phát triển mô hình bác sĩ gia đình; đào tạo lại, đào tạo liên tục với đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở khu vực Tây Bắc để nâng cao chất lượng cán bộ y tế là điều rất cần thiết hiện nay.

TRẦN THỊ THANH THỦY (Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên)