Giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian qua, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định. Qua đó, đánh giá Luật KTNN năm 2015 đúng thực trạng, nội dung kiến nghị đề xuất sửa đổi đạt chất lượng, đúng yêu cầu thực tiễn, đúng trọng tâm. Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 sẽ quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN để bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN năm 2015, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay khi tiến hành các hoạt động kiểm toán về thu nộp ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… xuất phát từ cơ sở pháp lý, thực tiễn. Với quan điểm ở đâu có tài chính công, tài sản công thì việc quản lý, sử dụng phải được kiểm toán. KTNN không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán mà đề nghị quy định cụ thể để bảo đảm phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN.

Cũng theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, trong năm 2018, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng, số kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn NSNN. Ngoài ra, cần quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cần bổ sung quy định giải trình của KTNN

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, ngoài trách nhiệm đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trong thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ của các cơ quan, tổ chức khác về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì KTNN cũng phải thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện định mức tiêu chuẩn, chế độ ngay trong hệ thống cơ quan KTNN. Luật KTNN mới chỉ quy định về trách nhiệm “giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”, do đó cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động bởi quyết định, hành vi đó; giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật; giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác. Đặc biệt, cần bổ sung nội dung quy định về nhiệm vụ của KTNN trong thực hiện trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cần bổ sung thẩm quyền xử lý các vi phạm của KTNN, Tổng KTNN và các chức danh thuộc KTNN. Hiện nay, có một số ý kiến liên quan đến đề xuất xây dựng ngay nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN trên cơ sở xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nội dung này. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật KTNN cần xúc tiến khẩn trương để sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vực này. 

HOÀNG GIANG