Sức chống chọi bền bỉ

Nhìn bức tranh toàn cầu trong năm qua, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020. Ở Việt Nam, dịch bệnh đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp.

Đối phó với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm, Chính phủ phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. Tác động của dịch bệnh là rất nặng nề, lần đầu tiên tăng trưởng GDP quý III năm 2021 giảm sâu (-6,02%). Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay; ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 đạt 2,58%.

 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng. 

Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử khắc nghiệt cho "sức khỏe” của nền kinh tế. Nhìn lại kết quả trong năm 2021, dù tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch nhưng xét trong bối cảnh chung, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng khoảng 2,58%. Điều này cho thấy nền tảng vững chắc của nền kinh tế, cách thức ứng phó linh hoạt của những người “đứng mũi chịu sào” và sự sáng tạo, sức chống chịu bền bỉ của các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.

Bày tỏ về điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh hết sức khó khăn, kết quả này cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Trung ương, địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an; tinh thần đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ kịp thời của bạn bè quốc tế.

“Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" là quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế nhanh trong những tháng cuối năm 2021, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Niềm tin vào sự phục hồi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra dự báo, chủng virus Omicron đang lây lan với tốc độ “chưa từng thấy”. Đây rõ ràng là yếu tố bất định và là nguy cơ lớn cho không chỉ Việt Nam mà cả thế giới trong năm 2022. Nhưng kinh nghiệm của hai năm chống dịch Covid-19 cho thấy, không thể né tránh mà buộc phải thích ứng linh hoạt, phải “sống chung” với các yếu tố bất định đó.

Khó khăn, thách thức còn nhiều, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế phân tích, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục có nhiều triển vọng lạc quan. Đó là bởi, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, Việt Nam đang mở rộng phạm vi tiêm chủng và điều đó có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Điển hình, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tình hình kinh tế Việt Nam đang cải thiện, phục hồi mạnh mẽ và Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân cũng như giúp phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, Ngân hàng HSBC có trụ sở tại London (Anh) dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể lấy lại được nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, với động lực chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%... Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những mục tiêu này đều có cơ sở để thực thi, có tính đến khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế. Khi chúng ta mở cửa trở lại, các khu vực xuất khẩu, dịch vụ đầu tư sẽ có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng và lạm phát được kiểm soát.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực, song nhìn ở khía cạnh khác, khủng hoảng Covid-19 là chất xúc tác hình thành nên nhiều sự đổi mới để vượt qua gian khó. Điển hình như tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế trong nước đã được đẩy nhanh.

Bà Mary Hallward-Driemeier, Cố vấn kinh tế cao cấp của WB nhận định, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là công cụ hướng tới tăng khả năng cạnh tranh, phục hồi của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khởi sắc nhờ những chiến lược đúng hướng trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Theo đó, động lực cho tăng trưởng trong ngắn hạn là thúc đẩy đầu tư công, thu hút nguồn vốn đầu tư, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn trung, dài hạn vẫn là cải cách thể chế.

ĐỨC AN