Tiềm năng và lợi thế 

Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Theo đó, tốc độ gió đạt từ 6,4-9,6m/giây (trung bình đạt 7,5m/s), lớn hơn so với cả nước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, là điều kiện thuận lợi bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện. Còn lượng bức xạ mặt trời từ 1.780 đến 2.015kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt từ 2.500 đến 3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện mặt trời.

Với chính sách khuyến khích các loại hình điện năng lượng tái tạo và nhất là Nghị quyết số 115/NQ/CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời), tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành kinh tế này.

leftcenterrightdel

Công nhân Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam bảo trì hệ thống. Ảnh: VĂN NỶ 

Theo đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 4-2023, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư 46 dự án với tổng công suất khoảng 3.079MW (35 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 2.412MW và 11 dự án điện gió, tổng công suất khoảng 667MW). Sự phát triển điện gió, điện mặt trời đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lần lượt so với các năm trước, năm 2020: 39,4%; năm 2021: 24,6%; năm 2022: 9,3%. Hằng năm, Ninh Thuận đóng góp sản lượng điện vào hệ thống lưới điện quốc gia đều tăng, năm 2020 khoảng 6 tỷ kWh; năm 2021 đạt 6,822 tỷ kWh, năm 2022 gần 7 tỷ kWh.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án. Mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.

Tỉnh Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Trong đó, ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9-10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thụ đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

leftcenterrightdel

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời Trung Nam ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.  

Ngoài ra, đến năm 2030, điện gió trên đất liền phát triển khoảng 1.429MW; điện gió ven biển khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi khoảng 2.000MW và đến năm 2045 phát triển khoảng 21.000MW; điện mặt trời khoảng 8.448MW. Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận cũng lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, thành phố đến năm 2030, trong đó có phân bổ quỹ đất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng diện tích 8.146ha... Tuy vậy, quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận vẫn còn có những điểm nghẽn, cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Cần xử lý những điểm nghẽn

Dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), chúng tôi thấy hàng chục tuabin gió không hoạt động. Nhiều người tưởng rằng những tuabin gió này vẫn chưa hoàn thành nên không vận hành được, song thực tế lại khác. Lý giải về điều này, đồng chí Trương Văn Tiến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram với quy mô công suất 117MW hiện đã hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên chỉ có 24MW/117MW được hưởng giá ưu đãi, 93MW còn lại đang chờ cơ chế giá điện mới, mới có cơ sở hòa lưới và tính toán giá bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)”.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết không chỉ vướng ở dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram, trong 46 dự án với 3.079MW đã đầu tư xây dựng hoàn thành, mới có 2.831MW được công nhận vận hành thương mại phát điện lên lưới điện quốc gia; còn lại 247MW (gồm 154MW điện mặt trời và 93MW điện gió) chưa được công nhận vận hành thương mại. Không những thế, các dự án đưa vào vận hành thương mại phát lên lưới điện còn tình trạng bị cắt giảm công suất. Việc cắt giảm này làm thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới trên địa bàn tỉnh, khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, cũng như quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Nhiều tuabin gió không hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh:  DUY HIỂN 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, địa phương đã đề nghị EVN sớm hướng dẫn những nhà đầu tư đàm phán khung giá phát điện các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp; điều phối, huy động tối đa công suất phát điện tránh gây lãng phí, hỗ trợ về nguồn lực trong điều kiện nhiều nơi còn xảy ra thiếu điện. Đồng thời, đề nghị các cấp sớm ban hành chính sách giá điện mới tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, phân cấp cho các địa phương về thẩm quyền chuyển đổi đất rừng sang đất khác để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án hạ tầng truyền tải điện.

Xung quanh vấn đề này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17-5-2023, kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong nhưng chưa được vận hành. Tiếp đó, ngày 18-5, Bộ Công Thương có ý kiến: EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng, sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp (trong đó có Nhà máy Điện gió Hanbaram) theo phương án giá điện tạm thời và thỏa thuận, thống nhất giá chính thức theo quy định của pháp luật... Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, trong đó có Ninh Thuận phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

VŨ DUY HIỂN