Biến bẹ chuối thành tiền

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom), người nông dân có thâm niên làm chuối hơn 10 năm cho biết, trên thế giới nhiều nước đã sử dụng bẹ chuối làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có ích. Tại Việt Nam, một số cá nhân cũng học cách tái chế bẹ chuối thành sản phẩm thô để xuất khẩu. Nhưng riêng Đồng Nai, “thủ phủ” chuối cấy mô chưa có ai làm. Ông trăn trở mãi rồi quyết định học cách làm bẹ biến bẹ chuối thành tiền.

leftcenterrightdel

Ông Hùng kiểm tra bẹ chuối sấy khô trước khi xuất bán.

Năm 2020, ông Hùng bắt tay làm những mẻ bẹ chuối đầu tiên. Lần đầu tiên ông làm 1 cây, 5 cây, sau đó 10 cây. Mọi công đoạn đều làm thủ công bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc. Khoảng chục mẻ bẹ chuối phơi khô đầu tiên thất bại do độ dẻo, giòn không đạt. Ông Hùng nghĩ, phơi bẹ chuối ngoài đồng nếu không gặp mưa làm ẩm mốc, xấu màu thì nắng to quá cũng khiến bẹ không được dẻo dai như mong muốn.

Ông quyết định đầu tư nhà kính lắp pin năng lượng mặt trời trên mái để sấy bẹ chuối. Cùng với đó, ông đầu tư thêm máy tách bẹ, cắt cây để giảm sức lao động. Sau nhiều lần thất bại, đầu năm 2021 ông Hùng cũng thuận lợi xuất khẩu lô bẹ chuối sấy khô đầu tiên. Đối tác ưng ý và tiếp tục đặt hàng.

Ông Hùng hướng dẫn xã viên và nông dân trồng chuối quanh khu vực cách phơi sấy bẹ chuối bán cho HTX giá 8 nghìn đồng/kg. Trường hợp không có điều kiện phơi sấy ông thu mua chuối tươi giá 4 nghìn đồng/cây. Theo tính toán của ông Hùng, mỗi thân chuối khi tách phơi khô sẽ đạt từ 1,3 đến 1,7 kg thành phẩm, trung bình 1 héc ta chuối người dân có thể thu nhập thêm được trên 20 triệu đồng từ thân chuối.

Ông Nguyễn Văn Lai, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) chia sẻ, trước đây cây chuối thu hoạch xong chúng tôi phải thuê người chặt cây. Giờ bẹ chuối cũng kiếm ra tiền nên ai nấy đều rất phấn khởi. Những lúc nhàn rỗi, nông dân phơi bẹ chuối kiếm thêm thu nhập lấy tiền mua mắm muối.

Mở làng nghề trên đất chuối

Theo chia sẻ của ông Hùng, thị trường sản phẩm bẹ chuối, sơ, sợi chuối rất có tiềm năng. Không chỉ các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng liên hệ thu mua bẹ chuối sấy khô để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường. Do đó, ông đã đặt hàng thêm thiết bị máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất bẹ chuối, sơ, sợi chuối. Lên kế hoạch mở thêm cơ sở làm bẹ chuối sấy khô ở miền Trung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự định là vậy, nhưng do dịch bệnh nên HTX phải tạm dừng thu mua thân cây chuối tươi, thu hẹp quy mô sản xuất. Ông Hùng mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để công nhân được trở lại làm việc; hoạt động thu mua, vận chuyển chuối xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm từ thân cây chuối được thuận lợi. Sau đó, tùy theo nhu cầu thị trường và năng lực của HTX, ông sẽ mở làng nghề sản xuất sơ, sợi chuối ngay tại địa phương để tận dụng hết những phụ phẩm từ thân cây chuối nhằm nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho lao động lớn tuổi địa phương và xây dựng làng nghề làm chuối.

Ngoài việc chế biến bẹ chuối, ông Hùng cũng là nông dân đầu tiên của Đồng Nai tự tìm kiếm đối tác xuất khẩu chuối tươi sang Nga, Nhật Bản, Ấn độ; chế biến chuối sấy khô bán trong nước và xuất khẩu. Điều ít người biết ở người nông dân này là ông Hùng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với đối tác nước ngoài, tự học hỏi cách làm của người nước ngoài thông qua internet. 

Bài và ảnh: KIM LỘC