Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, cụ thể: Một số giải pháp trong Quyết định số 843 thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ xử lý nợ xấu đã bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.
Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả. Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. Cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam); thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển làm cho việc xử lý nợ xấu kéo dài hơn, gia tăng chi phí do nợ xấu gây ra cho TCTD, khách hàng vay và nền kinh tế.
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, VAMC còn thiếu nguồn lực, cơ chế, chính sách, quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến ngày 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn, tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Ảnh: Cổng TTĐT.
Theo đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định), nợ xấu là một tham số quan trọng phản ánh “sức khỏe” của một nền kinh tế. Đến nay kết quả giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa đạt được như mong muốn. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2016, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa giải quyết được, chưa xử lý được chiếm 51,8% nợ cho vay. Nếu tính cả nợ xấu mà chưa bán cho VAMC còn giữ lại TCTD thì nợ xấu lên đến 10,08% tổng dư nợ cho vay. Như vậy, nợ xấu đã và đang là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết để đảm bảo sự ổn định, phát triển.
“Tôi nhất trí cao với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, đáp ứng giải quyết cơ bản nợ xấu trong tình hình hiện nay”, đại biểu Trương Anh Tuấn kiến nghị.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng: “Tình hình nợ xấu của các TCTD là “cục máu đông” của nền kinh tế, gây ách tắc cho nền kinh tế, nếu chậm được xử lý sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn, doanh nghiệp khó vay, chỉ tiêu tăng trưởng và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Hiện nay, vốn của các doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng là chính. Vì vậy, việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn xong không thể kéo dài”.
Nợ xấu phải xử lý từ gốc
Đó là kiến nghị của đại biểu Mai Sỹ Diên (Thanh Hóa). Theo đại biểu này, việc ban hành Nghị quyết mà mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu phát sinh, Nghị quyết chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải từ gốc. Vì vậy, Nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu thì mới xử lý tận gốc vấn đề này. Đây là vấn đề dư luận quan tâm. Nhà nước mất nhiều thời gian, công sức để xử lý nợ xấu thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý nợ xấu, tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phát biểu ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Ảnh: Cổng TTĐT .
Theo đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), vấn đề nợ xấu hiện nay không chỉ của ngành ngân hàng, mà là vấn đề của cả nền kinh tế. Để giải quyết, cần có sự tham gia của khách hàng và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết phải có những quy định cụ thể, cơ sở pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo. Xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn sẽ làm lành mạnh sự phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Nguyễn Sơn kiến nghị, nên tập trung xử lý nợ nhóm 4 và nhóm 5 để tránh việc các TCTD lợi dụng. Đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu sao cho công khai minh bạch. Việc mua bán nợ xấu cũng phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Nghị quyết có thời hạn 5 năm, tuy nhiên nợ xấu thì luôn đồng hành với quá trình của sự phát triển kinh tế và luôn phát sinh. Như vậy, cần có công cụ pháp lý ổn định để ngăn chặn và xử lý nợ xấu trong tương lai. Đi đôi với xử lý nợ xấu cũng cần có biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh.
Về xử lý tài sản bảo đảm, Nghị quyết nêu rõ, thực tế xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua cho thấy, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài thời gian xử lý nợ, giảm giá trị thu hồi nợ từ xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý như đã cam kết trong hợp đồng bảo đảm.
“Liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, cần cân nhắc thêm lợi ích giữa các bên. Dự thảo quy định thời hạn thu giữ tài sản chỉ 10 ngày để thông báo nhưng trong một số trường hợp có thể có những phát sinh vướng mắc, đặc biệt liên quan đến người già và trẻ em. Hiến pháp đã quy định rõ quyền của công dân, nên cần cân nhắc kỹ vấn đề này”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.
Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng là do vướng mắc trong các quy định hiện hành. Nếu Nghị quyết có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn.
“Việc chỉ xử lý nợ xấu với một phạm vi thời điểm nhất định sẽ tạo cơ chế không đồng bộ vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định Nghị quyết nhưng cũng có những khoản nợ xấu lại thuộc các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các TCTD thực hiện trên thực tế”.
KHÁNH HUYỀN