QĐND - Có một nhà máy suốt mấy chục năm qua, các thế hệ lính thợ đã lặng lẽ đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; đồng thời tham gia tích cực sản xuất các mặt hàng kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao tặng tháng 8 năm 2000 cho nhà máy đã phần nào đánh dấu công tích và ghi nhận những nỗ lực ấy. Đó chính là Nhà máy Z129, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP).

Ở nơi đậm đặc chất Quân giới

 

Trước khi đến với những người lính thợ Nhà máy Z129, Đại tá Nguyễn Kim Dung, Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, đã gợi mở với chúng tôi: “Đây là một trong những nhà máy CNQP còn giữ được những nét đậm đặc nhất của Quân giới thuở nào”.

Quả thế thật. Với tôi, hơn 10 năm trước đã có dịp “thực mục sở thị” nhà máy ven sông Lô này, và so sánh với lần trở lại mới đây, nét “đậm đặc Quân giới” ấy vẫn hiển hiện qua từng chi tiết sống, cảnh quan... Vẫn tòa nhà điều hành thấp tầng, lớp sơn phai màu sau nhiều năm có chỗ đã rêu phong. Vẫn những nếp nhà trong “làng Quân giới” nhấp nhô ven triền đồi, phớt phơ dải khói lam chiều. Vẫn những dáng xà cừ, keo lá tràm bầu bạn thủy chung cùng lũy tre xanh. Vẫn những hàng đồ, lán chợ bày bán nhiều sản vật “cây nhà lá vườn” của gia đình công nhân và người dân trong vùng... Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Chính ủy Nhà máy Z129, là người cởi mở, dễ gần, đúng như thời anh làm Bí thư Đoàn cơ sở. “Việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của người lính thợ Quân giới vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy hôm nay đối với các thế hệ đi trước. Vì thế, về cơ bản, không gian nơi “làng Quân giới” là không gian trong lành, không xảy ra tệ nạn xã hội; mối quan hệ giữa cán bộ với công nhân luôn đoàn kết, gắn bó như anh em; tình cảm giữa người lao động trong khu, xóm tập thể thực sự mật thiết, gần gũi như người một nhà”, Đại tá Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.  

Thiết bị công nghệ cao vừa được đầu tư phục vụ sản xuất của Nhà máy Z129. Ảnh: LÊ NAM

Nhà máy Z129 nằm ở xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), giáp ranh với tỉnh Phú Thọ. Nơi đây đang quy tụ 720 hộ dân, với hơn 2.700 nhân khẩu. Sự đoàn kết, gắn bó “sớm lửa tối đèn” có nhau; lối sống chân thật chan hòa, coi việc hàng xóm như việc nhà mình là nét đặc trưng, riêng có được duy trì qua mấy thập kỷ tại 14 khu, xóm của nhà máy. Giữa sự sôi động, ồn ào của thời công nghiệp hóa, nơi đây vẫn giữ được những nét thanh sạch, yên bình. Nhà cửa không phải cửa đóng then cài do lo mất trộm. Không có cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong nhà máy bị nhiễm tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc. Dù chỉ là một đêm biểu diễn văn nghệ “tự biên” hay buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, hội trường nhà máy vẫn chật kín người xem. Môi trường “đậm đặc chất Quân giới” ấy đã hình thành, ươm giữ, đào luyện nên những nhân cách biết sống, lao động, cống hiến vì tập thể; luôn tin yêu gắn bó với nhà máy; góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong đó, năm 2015 vừa qua, giá trị doanh thu (cả hàng quốc phòng và hàng kinh tế), lợi nhuận, nộp ngân sách đều đạt và vượt 100% kế hoạch năm; thu nhập bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Hình thành một nhà máy hiện đại

 

Đúng lúc giữa ca, không gian Phân xưởng A2 (còn gọi là Phân xưởng Dụng cụ) của Nhà máy Z129 rền vang bởi tiếng máy doa, máy tiện, máy mài. Đây là phân xưởng chủ chốt của nhà máy, tất cả các chi tiết sản phẩm kinh tế hoặc quốc phòng đều phải “qua tay” những người thợ dày dạn kinh nghiệm nơi đây. Đại úy QNCN Nguyễn Đức Hiệp, thợ phay bậc 7/7, là một trong số những người thợ như thế. Hiệp kể, gần 20 năm là người lính thợ, anh không nhớ nổi mình đã hoàn thiện bao nhiêu chi tiết sản phẩm cơ khí chính xác phức tạp, chưa từng xảy ra sai sót. Nguyễn Đức Hiệp đã giành được nhiều thành tích trong lao động, từng đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” và danh hiệu thợ giỏi Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân năm 2010. Anh cũng là người công nhân duy nhất của Tổng cục CNQP vinh dự có mặt tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc cuối năm 2015 vừa qua. “Truyền thống vẻ vang của nhà máy, sự quan tâm tin tưởng của lãnh đạo, chỉ huy nhà máy giúp tôi có thêm động lực phấn đấu, tìm ra những cách làm mới nhằm đẩy nhanh năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm”-người lính thợ đoạt giải “Bàn tay vàng” bày tỏ.

Đúng như Nguyễn Đức Hiệp nói, truyền thống chính là động lực, là hành trang cần thiết để mỗi người lính thợ Z129 hôm nay kế thừa xứng đáng lớp cha anh thuở trước. Z129 ra đời cách nay tròn 45 năm, đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang ở thời kỳ cam go quyết liệt. Lúc đầu, nhà máy được xây dựng trong một thung lũng có tên là Voi Đầm (thuộc xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Tuy nhiên, thi công chưa lâu, vào tháng 8-1971, trên địa bàn xảy ra trận lụt lịch sử, nhấn chìm tất cả công trường. Vì vậy, cấp trên quyết định di chuyển địa điểm xây dựng nhà máy đến thôn Phú Bình, xã Đội Bình hiện nay. Sau khi khánh thành, suốt mấy chục năm qua, Nhà máy Z129 chủ yếu sản xuất các loại ngòi đạn pháo, đạn cối, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội; đồng thời, nhà máy cũng chủ động sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ nền kinh tế quốc dân, là bạn hàng tin cậy của các doanh nghiệp như: Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Thăng Long (Talimex), Công ty Xuân Hòa, Công ty Lâm sản Nam Định...

Tới Z129 vào những ngày này, cả nhà máy đang lao động với không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và 45 năm thành lập nhà máy. Vừa duy trì hoạt động sản xuất, nhà máy vừa triển khai thực hiện dự án đầu tư chiều sâu phát triển CNQP. Trung tá, Tiến sĩ Dương Văn Yên, Giám đốc Nhà máy Z129, cho hay: Dự kiến từ nay đến năm 2020, tại đây sẽ hình thành một nhà máy cơ khí chính xác hiện đại, với công nghệ tiên tiến của nước ngoài, chuyên sản xuất các loại ngòi đạn pháo thế hệ mới. Ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, dây chuyền công nghệ, hàng loạt công trình quan trọng khác như: Nhà điều hành, nhà ăn, trường mầm non, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống điện… cũng sẽ được xây dựng một cách đồng bộ. Lúc ấy, cảnh quan, diện mạo và đời sống người thợ chắc chắn sẽ đổi thay theo chiều hướng tích cực, tiến bộ hơn.

Chỉ có điều, khi nhà máy đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì liệu nét “đậm đặc Quân giới” bao đời có bị mai một, phôi pha! Câu trả lời dành cho thế hệ lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z129 hôm nay.

Bài, ảnh: LÊ THIẾT HÙNG