Áp lực lạm phát sẽ nhẹ nhàng hơn?

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhắc đến một điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp (dưới 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra) trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và "bão giá", đồng thời tăng trưởng với tốc độ rất cao.

Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội cũng đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 4,5%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2023 sẽ không dễ dàng, xuất phát từ nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là, do nước ta là một nền kinh tế mở cao, có độ liên thông nhiều với nền kinh tế thế giới nên những biến động bên ngoài đều có ảnh hưởng và tác động khá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đến lạm phát.

"Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài đi kèm suy giảm giá trị đồng tiền tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực... Rủi ro nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam năm 2023 cũng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá nguyên liệu hàng hóa thế giới vẫn neo ở mức cao, các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều dự báo lạm phát vẫn ở mức cao đáng lo ngại", TS Ngô Trí Long phân tích.  

Trong khi đó, còn có nhiều khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, như: Lạm phát Việt Nam còn tăng do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; năm 2023 lương cơ bản tăng và cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý ( giá điện, y tế, giáo dục...).

Cùng với đó, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó; những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết..

"Từ đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh, tiếp tục ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp...", TS Ngô Trí Long đưa ra dự báo.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TS Ngô Trí Long cũng nhắc đến nhiều thuận lợi đối với việc kiểm soát lạm phát ở nước ta trong thời gian tới đây.

Đó là, lạm phát toàn cầu đang có xu hướng giảm, giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác đang giảm nhẹ, CPI toàn cầu dự báo tăng khoảng 6,5% năm 2023 (từ mức bình quân 8,5% năm 2022) và có thể về mức 4% năm 2024.

Với bối cảnh này, các nước sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối 2023. Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo. Mặt khác, trong nước, đà phục hồi kinh tế 2022 chính là nền tảng, nguồn lực để kinh tế "vượt khó" trong năm nay. Dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5%. 

leftcenterrightdel
 Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh, thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 là rất lớn trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, góp phần phục hồi tăng trưởng.

Theo đó, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro, bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng; thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.  

Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới cũng như rủi ro về tỷ giá. 

Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Huyền Trang, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng chung nhận định, năm 2023, rủi ro lạm phát Việt Nam đến từ cả yếu tố trong nước và ngoài nước, trong đó tiếp tục tập trung vào hai nhóm chính là lạm phát chi phí đẩy và nhập khẩu lạm phát.

Theo bà Vũ Thị Huyền Trang, nguy cơ nhập khẩu lạm phát trong nước tăng do lạm phát toàn cầu và lạm phát tại các nước mà Việt Nam nhập khẩu chính như Trung Quốc, Hàn Quốc... vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, sản xuất phụ thuộc vào phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá các loại hàng hóa đặc biệt là năng lượng như giá xăng dầu, giá gas và các căng thẳng tại Nga -Ukraina kéo dài sẽ tác động, làm tăng giá nhiều loại hàng hóa quan trọng, dẫn đến tăng chi phí hoạt động và tiêu dùng của toàn bộ nền kinh tế.

Mặt khác, rủi ro, khó lường do những thay đổi trong chính sách điều hành của các nước trên thế giới, đặc biệt là khi các nước tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giảm quy mô các gói hỗ trợ tài khóa phục hồi kinh tế do áp lực nợ công tăng, khi đó Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một số thách thức về xuất khẩu; mặt bằng lãi suất trong nước và giá tài sản gây áp lực tăng lạm phát...

Tuy vậy, bà Vũ Thị Huyền Trang cũng bày tỏ lạc quan khi nhắc đến nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước như chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô, thị trường ngoại hối ổn định với tỷ giá biến động theo sát thực tế, dư địa chính sách tài khóa tích cực... sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện để chính sách tiền tệ đối phó với các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022; nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu... 

Với những yếu tố tích cực và các rủi ro tác động đến lạm phát, các chuyên gia đưa ra dự báo, năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi. 

MINH AN