Nhiều bất cập khi UBND cấp xã quản lý đất rừng

Giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một trong những giải pháp quan trọng để giữ độ che phủ của rừng. Rừng được giao cho các chủ quản lý cụ thể sẽ gắn được trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, đồng thời phát huy được tiềm năng, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020, trong tổng số hơn 14,67 triệu héc-ta đất có rừng đã có khoảng 35% được giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ; 21% được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong nước; 12% thuộc các tổ chức kinh tế; 8% giao cho cộng đồng dân cư... Tuy nhiên, vẫn còn gần 20% diện tích đất có rừng, tương đương với hơn 2,9 triệu héc-ta chưa có chủ thực sự, được tạm giao cho UBND các xã quản lý. Tại Hội thảo trực tuyến “Vì sao gần 3 triệu héc-ta rừng vẫn chưa có chủ?” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 512.000ha đất lâm nghiệp đã có chủ, còn hơn 211.235ha (chiếm hơn 29,2%) hiện do UBND cấp xã quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Diện tích đất rừng được giao cho cộng đồng tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: PanNature 

Về những bất cập khi UBND cấp xã quản lý đất rừng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là rừng, đất rừng phải có chủ. Nếu không có chủ sẽ không có công cụ về mặt pháp lý để quản lý. UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không phải là một chủ rừng thực sự, vì vậy, việc để UBND cấp xã quản lý một diện tích lớn rừng, đất rừng trong một thời gian dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập như tạo tâm lý rừng vô chủ trong cộng đồng; UBND cấp xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý nên dễ dẫn đến tình trạng phá rừng, xâm hại rừng. Bên cạnh đó là tình trạng không có hồ sơ rừng hoặc có nhưng rất sơ sài, không rõ ranh giới trên thực địa; không rõ mô hình khoán hay cách thức quản lý, bảo vệ rừng; công tác kiểm tra, giám sát cũng hạn chế... Mặt khác, nếu rừng không có chủ thực sự thì Nhà nước không có đối tượng để đầu tư, vì muốn đầu tư, triển khai các chương trình dự án thì phải biết rừng đó là của ai, từ đó dẫn đến tình trạng hạn chế trong phát triển kinh tế rừng, không phát huy được tiềm năng rừng.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Khoản 3, Điều 102, Luật Lâm nghiệp quy định UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hoặc hướng dẫn chi tiết về việc UBND cấp xã tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng này. Ví dụ như UBND cấp xã có được thành lập tổ để bảo vệ rừng hay không, nếu thành lập thì nguồn kinh phí từ đâu? Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc UBND cấp xã sử dụng rừng như thế nào trong thời gian chưa giao rừng. Hơn nữa, trong Luật Đất đai hiện hành không có khái niệm “đất rừng chưa giao” mà chỉ có khái niệm “đất chưa sử dụng”, “đất công”. Trong khi đó đất rừng chưa giao không phải là đất công, cũng không phải đất chưa sử dụng nên chưa được pháp luật về đất đai điều chỉnh. Đây là những khoảng trống pháp lý cần sớm được lấp đầy.

Đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng

Chủ trương giao đất, giao rừng là đúng đắn, đã được triển khai thực hiện từ hàng chục năm nay, tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ giao đất, giao rừng đang “giậm chân tại chỗ”, thậm chí diện tích chưa được giao còn tăng lên. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, so với thời điểm năm 2010, hiện nay, diện tích đất rừng do UBND cấp xã quản lý đã tăng thêm khoảng 835.000ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Thơm, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình rà soát, đổi mới đã giải thể 28 công ty nông, lâm nghiệp, diện tích rừng trong quá trình sắp xếp đã tạm giao cho UBND cấp xã quản lý. Mặt khác, diện tích chưa giao có chất lượng rừng thấp, chủ yếu là rừng nghèo, nghèo kiệt, manh mún, ở xa khu dân cư, khả năng phát triển rừng thấp, nguồn thu từ rừng rất hạn chế, cùng với đó là chính sách đối với người dân, tổ chức nhận rừng, bảo vệ rừng chưa tương xứng nên chưa thu hút được các đối tượng nhận rừng. Hơn nữa, hồ sơ rừng ở nhiều nơi không rõ ràng, không có ranh giới trên thực địa nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giao đất, giao rừng... Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới cần xây dựng đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nhà nước cần có chính sách đầu tư hợp lý trong bảo vệ và phát triển rừng để thu hút người dân, tổ chức tham gia nhận đất, nhận rừng; bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai thực hiện...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Ngãi kiến nghị cần bổ sung quy định về đất rừng chưa giao vào Luật Đất đai; có chính sách đầu tư phát triển giao thông để kích thích thị trường; tạo quỹ đất rừng “sạch” có tiềm năng sử dụng để giao cho cộng đồng hoặc hộ gia đình. Cùng với đó, nên ban hành quy chế quản lý rừng chưa giao, nêu rõ trong lúc rừng được tạm quản lý bởi UBND cấp xã thì hồ sơ quản lý thế nào, được khoán, được cho thuê hay không? Việc bảo vệ thế nào? Mặc dù không phải là chủ rừng thực sự nhưng cũng nên có chính sách tài chính phù hợp để UBND cấp xã thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian chờ giao đất, giao rừng.

PHƯƠNG HIỀN