Để khơi thông những điểm nghẽn này, thúc đẩy đường thủy nội địa phát triển, cần có định hướng tổng thể, huy động tối đa các nguồn lực cho cả đầu tư hạ tầng và dịch vụ vận tải.

 Tận dụng lợi thế chuyên chở khối lượng lớn

Là một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực vận tải đường thủy, đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực phía Nam, hiện nay, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn bắt đầu triển khai các cơ sở của mình ở khu vực phía Bắc. Trong đó, điểm vận tải ở Tân Cảng Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã được tổng công ty xây dựng, kết nối, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang.

Theo đánh giá của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, khu vực này có giá trị xuất, nhập khẩu rất lớn nên còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng vận tải thủy. Ông Đinh Xuân Khánh, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, mỗi sà lan đường thủy có sức chở 36 TEU (mỗi TEU tương đương 1 container 20 fit) sẽ thay thế cho 18 xe container chạy trên đường bộ, sà lan có sức chứa 72 TEU hay 198 TEU thì khả năng chuyên chở càng nâng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, phương tiện thủy tiết kiệm nhiên liệu 3-4 lần so với đường bộ, nhờ vậy, giảm chi phí 15-20%. Từ 4 phương tiện ban đầu, đến nay, Tân Cảng Sài Gòn đã phát triển lên 120 sà lan với tổng sức chở 11.600 TEU, tương đương 208.000 tấn và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có mật độ sông, kênh vào loại cao nhất thế giới, gồm 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 41.900km. Đường thủy nội địa đóng vai trò vận chuyển hầu hết vật liệu xây dựng, than, nguyên liệu cho ngành điện, xi măng và hàng siêu trường, siêu trọng với chi phí thấp, ít gây ô nhiễm môi trường.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tỷ lệ đảm nhiệm luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa trong toàn ngành giao thông ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.

Phương tiện vận tải thủy hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, đường thủy nội địa mới chủ yếu vận chuyển các mặt hàng giá trị thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi vận tải container. Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện vẫn chủ yếu khai thác dựa trên điều kiện tự nhiên, số lượng cảng bến nhiều nhưng hầu hết quy mô nhỏ, thiết bị xếp dỡ lạc hậu. Đầu tư cho luồng tuyến còn chậm so với quy hoạch, chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ nên vẫn còn những nút thắt, điểm nghẽn vận tải trên các tuyến chính.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Chia sẻ về những định hướng trong phát triển vận tải thủy nội địa thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vận tải thủy được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, ngoài trung chuyển hàng hóa còn tạo điều kiện phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế-xã hội, với tiềm năng, thế mạnh hiện có, dư địa cho lĩnh vực này còn rất lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống các cảng thủy, cảng cạn (ICD) còn lệch pha, không có sự gắn kết về vị trí và chưa kết nối thuận tiện với đường bộ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, để phát triển cảng thủy nội địa chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội hóa, tuy nhiên, cần có chính sách để thu phí qua hoạt động của cảng, từ đó tạo sức hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo các hành lang vận tải và các tuyến vận tải trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kết hợp với đầu tư cải tạo nâng cấp có lộ trình hợp lý, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tại các vùng có tiềm năng, lợi thế như vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch xác định 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội, Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình, Hà Nội-Nam Định-Ninh Bình và Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, TP Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu-Tây Ninh-TP Hồ Chí Minh và hành lang kết nối với Campuchia). Ngoài ra còn có 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km; 54 cụm cảng hàng hóa, 39 cụm cảng hành khách...

Phát triển đường thủy nội địa thời gian tới cũng đặt mục tiêu giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên những tuyến vận tải chính để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đồng bộ. Thông qua việc xác định rõ nhu cầu vốn đầu tư và cụ thể hóa các dự án ưu tiên, việc thu hút nguồn lực hứa hẹn sẽ được cải thiện cùng với tăng cường cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG