Hàng hóa chưa dồi dào

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp hai tỉnh Kandal và Takéo (Vương quốc Campuchia), với 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính là Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Theo đánh giá của cơ quan chức năng về lợi thế trong XNK hàng hóa giữa Việt Nam-Campuchia thông qua các cặp cửa khẩu, An Giang có nhiều ưu thế cạnh tranh. Ðây còn là cửa ngõ để hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường các nước ASEAN.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới diễn ra thông thoáng và bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; thủ tục thông quan XNK hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang trong 9 tháng năm 2022 ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2021. “Xác định kinh tế biên mậu là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian qua, An Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển các loại hình thương mại ở khu vực biên giới như chợ biên giới, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Đến nay, trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh có 54 chợ; trong đó có 13 chợ biên giới, 3 siêu thị và 21 cửa hàng tiện lợi, 4 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận tuân thủ quy định hiện hành”, ông Huân thông tin.

Không thể phủ nhận việc phát triển thương mại biên giới giữa An Giang và các tỉnh của Campuchia trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, hiệu quả khai thác chưa thật sự xứng tầm. Khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), hoạt động XNK và xuất cảnh sau dịch Covid-19 đã cơ bản ổn định; hàng nông sản của các tỉnh phía Campuchia và An Giang được thông thương. Tuy vậy, các mặt hàng lưu thông giữa hai bên chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng có giá trị, mức thu thuế thấp và chưa nhiều; các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, có giá trị gia tăng không cao. Tần suất hàng thông quan cửa khẩu Vĩnh Xương luôn cao, lượng hàng hóa lớn chủ yếu là do tàu, thuyền có tải trọng lớn chọn đường sông Tiền qua cửa khẩu Vĩnh Xương để xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất. Giá trị hàng hóa mua bán, trao đổi thực tế ngay tại cửa khẩu dường như không đáng kể. Đây là lý do dù nhiều năm qua luôn chiếm hơn 70% giá trị XNK toàn tỉnh nhưng nghịch lý ở chỗ, giá trị thực đóng góp vào kinh tế địa phương lại không cao, khi hàng hóa thông quan chỉ trên con số làm thủ tục, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Vệ, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: “5 năm qua, hạ tầng thương mại như chợ cửa khẩu, chợ các xã biên giới, hệ thống kho bãi, vận chuyển chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo bước đột phá cho kinh tế biên giới, dẫn đến khó thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các dự án thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biên mậu chưa được khai thác hiệu quả, chưa đạt kỳ vọng đề ra; nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng từ ngân sách nhà nước hạn chế, chưa có nhà đầu tư chiến lược làm nhân tố tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế khác”.

leftcenterrightdel
Hàng hóa thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang. 

 

Cần nhanh chóng khắc phục các rào cản

Mặc dù An Giang có 5 cửa khẩu với 13 chợ biên giới và 4 điểm tập kết hàng hóa, thế nhưng ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương được đầu tư khá bài bản, còn lại, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa An Giang và hai tỉnh của nước bạn Campuchia còn hạn chế. Thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi được biết, để thúc đẩy kinh tế biên mậu phát triển, năm 2008, An Giang đã đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên có Khu thương mại Tịnh Biên, nằm gần ranh giới với Campuchia, được xây dựng hạ tầng hoành tráng. Khu thương mại này đi vào hoạt động với hàng loạt doanh nghiệp thuê đất xây siêu thị, bán nhiều chủng loại hàng hóa từ thấp đến cao giá, nhưng chủ yếu là hàng ngoại nhập và được hưởng ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của hàng hóa phi thuế quan tại đây nhanh chóng giảm sau hơn hai năm ăn nên làm ra. Ông Trần Hồng Phước, Giám đốc Công ty TNHH Á Đông cho biết: “Siêu thị bán hàng miễn thuế của Á Đông tại Khu thương mại Tịnh Biên trên diện tích 12.000m2 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp được miễn thu tiền thuê đất tới 11 năm, mà Khu thương mại Tịnh Biên hoạt động chỉ gần 7 năm thì đã “chết lâm sàng”. Đến năm 2018, khu phi thuế quan ở Khu thương mại Tịnh Biên đóng cửa do bãi bỏ cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu. Tài sản hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp phơi nắng nhiều năm nay chưa biết đến bao giờ chấm dứt”.

Đề cập điểm nghẽn trong phát triển kinh tế biên mậu ở An Giang, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và chưa có sự hỗ trợ đầu tư vượt trội so với các tỉnh khác trong vùng. Tỉnh An Giang hiện có 3 khu kinh tế cửa khẩu gồm: Khánh Bình (huyện An Phú), Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) với diện tích 26.500ha nhưng đến nay, 3 khu kinh tế cửa khẩu này cũng chỉ thu hút được 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 877,17 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Anh Thư cho biết: “Hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông (cầu, đường) kết nối các khu vực cửa khẩu của tỉnh An Giang rất yếu kém nhưng chưa được Trung ương ưu tiên đầu tư vốn để thực hiện nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhằm tạo điều kiện để phát triển tương xứng là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc tế. Các hoạt động logistics hỗ trợ cho phát triển thương mại biên giới trên địa bàn chưa hoàn thiện, dịch vụ hỗ trợ hoạt động XNK tại các cửa khẩu còn thiếu và yếu, chi phí cao. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp của An Giang với các doanh nghiệp trong cả nước để đẩy mạnh xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số chính sách đầu tư của khu kinh tế cửa khẩu, nhất là chính sách ưu đãi của khu phi thuế quan vừa qua thường xuyên thay đổi gây khó khăn nghiêm trọng cho nhà đầu tư”.

Thực tế tiềm năng hợp tác thương mại biên giới giữa An Giang với các tỉnh của Campuchia còn dư địa rất lớn để phát triển. Để lĩnh vực trên có bước phát triển mới tương xứng, kịp thời, đòi hỏi các cấp, ngành cần nhanh chóng khắc phục những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới. Tiếp tục đổi mới chính sách quản lý XNK, đơn giản hóa các thủ tục hải quan theo chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Ở tầm vĩ mô, cần triển khai xây dựng các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc thu hút hoạt động đầu tư, nhất là tại các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động thương mại tại khu kinh tế và thông thương tại cửa khẩu quốc tế. Có ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư vào những địa bàn vùng biên giới hai nước ở các lĩnh vực như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO - CÔNG MẠO