Khu vực K9-Đá Chông, thuộc địa bàn ba xã: Ba Trại, Minh Quang, Thuần Mỹ của huyện Ba Vì, TP Hà Nội và xã Đồng Luận của huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Ngày 2-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg thành lập Khu bảo vệ cảnh quan đặc biệt di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh-gọi tắt là K9. Ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, dưới góc nhìn của các nhà khoa học, khu vực này còn có giá trị độc đáo về địa chất, địa hình, địa mạo và đa dạng sinh học.
K9-Đá Chông là khu vực rất đa dạng về sinh học, với nhiều loại thực vật quý hiếm.Ảnh: Dương Tử.
Khu vực K9-Đá Chông có diện tích 234ha. Gọi là Đá Chông vì nơi đây có những hòn đá sắc nhọn như những mũi chông đâm thẳng lên trời. Khu vực này có phong cảnh đẹp, nên thơ, kết hợp được cả cảnh hùng vĩ của núi non yên lặng, nét trữ tình của sông nước, ao hồ và xen vào đó là cảnh trung du đồng bằng với các làng quê đặc trưng của Đồng bằng sông Hồng cùng những thôn, bản của đồng bào Dao, Mường độc đáo mang bản sắc dân tộc.
Nằm trong khối núi Ba Vì, được giới hạn một bên là sông Đà, một bên là Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn với đỉnh cao nhất là đỉnh Vua (1.270m), đỉnh Tản Viên (1.227m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.131m), khu vực K9-Đá Chông còn có các đỉnh thấp hơn như hang Hùm (776m), Gia Đế (714m) và những dải đồi lượn sóng xen kẽ ruộng bậc thang, ruộng nước. Địa thế này tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các hồ nhân tạo.
Có thể nói, đây là địa điểm rất thích hợp để bảo quản thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian xây dựng Lăng tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) mà không sợ tác động do điều kiện nóng, ẩm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc nước ta. Đặc biệt, vấn đề bảo mật cũng được đặt lên hàng đầu và K9-Đá Chông hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí rất khắt khe của công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Công tác tìm kiếm địa điểm để thực hiện "nhiệm vụ đặc biệt" đòi hỏi những yêu cầu cao về địa hình, địa chất, địa mạo, thời tiết, môi trường sinh thái... Trong bài viết này, chỉ đề cập đến một vài khía cạnh.
Trước hết, xin đề cập tới cấu trúc địa chất ở khu vực K9-Đá Chông, nhưng cũng chỉ giới hạn ở thành phần đá gốc và nền móng địa chất, là hai yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng các công trình ngầm. Mặc dù chỉ là một khu vực có diện tích không lớn (234ha), nhưng thành phần đá gốc ở đây cũng khá đa dạng, bao gồm đá biến chất, đá trầm tích, đá trầm tích phun trào, đá vôi v.v..
Đá biến chất tuổi Proterozoi (PR) phân bố thành một dải từ Đá Chông đến Ngòi Lạt và chiếm hầu hết sườn phía đông của nhánh núi. Ngoài ra, còn phân bố thành một cụm nhỏ ở Đồng Vọng, Xóm Sàng. Thành phần của nhóm đá này gồm: Diệp thạch kết tinh, đá Gơnai, diệp thạch xerixit lẫn các lớp quăczit.
Đá vôi có tuổi Các bon hạ-Pécmi thượng (C2-P1), phân bố ở khu vực núi Che, xóm Mít, suối Ma và xóm Quýt, có cấu trúc dạng khối phân lớp dày, đôi chỗ đã có hiện tượng phong hóa.
Đá trầm tích-phun trào có tuổi Triat hạ (T1-Vn) phân bố rộng ở hầu khắp khu di tích, thành phần đá xen kẽ giữa các bột kết, diệp thạch sét, cuội kết và các lớp phun trào riolit, riolitpoocfia.
Đá trầm tích có tuổi Triat trung thượng (T2-3) phân bố tương đối hạn chế ở khu vực Ba Trại từ Suối Đò, Cầu Gỗ đến Mỹ Khê, thành phần gồm cát kết, bột kết lẫn phiến sét có chứa những lớp cuội kết mỏng.
Đá bở rời có tuổi Kainzôi từ Neogen đến đệ tứ, phân bố ở phía Tây Xuân Khanh, Mỹ Khê và dọc một số suối lớn có thành phần cuội sa khoáng, cuội thạch anh lẫn cát sạn sét và kết von laterit. Ngoài các tập hợp đá chính như đã nêu ở trên, trong phạm vi khu di tích còn có một số đá xâm nhập dạng mạch nhỏ phân bố rải rác có thành phần bazơ và siêu bazơ.
Có thể nói K9-Đá Chông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo quản thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà một phần không nhỏ chính là nhờ nơi đây có những đặc điểm ưu việt về cấu trúc địa chất, giúp cho việc xây dựng các công trình cần thiết phục vụ mục tiêu bảo quản thi hài Bác tốt nhất.
Ngoài ra, K9-Đá Chông còn được đánh giá là một trong những địa danh có đa dạng sinh học cao của TP Hà Nội. Đáng chú ý, tại đây đang còn giữ được kiểu thảm thực vật rừng kín, tuy diện tích không lớn nhưng rất quý, bởi vì ở đây độ cao dưới 700m, kiểu thảm thực vật này trên phạm vi cả nước cũng không còn nhiều.
Tại khu vực K9-Đá Chông có ba dân tộc: Kinh, Mường, Dao. Người Dao là sắc tộc di cư đến Việt Nam muộn nhất (khoảng 600 năm trước), nhưng lại có lịch sử gắn bó, gần gũi với những vùng rừng núi, xa xôi hẻo lánh nhất. Người Dao biết nhiều cây thuốc. Nhờ có nghề thuốc gia truyền, một mặt, họ có thể tự chữa bệnh cho mình, mặt khác, thu hái cây thuốc đem bán cũng giúp người Dao có thêm thu nhập. Theo điều tra sơ bộ, ở Ba Trại có tới 20% số hộ đang lưu giữ các bài thuốc gia truyền.
Trong tương lai, nếu biết khai thác các thế mạnh, K9-Đá Chông là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến K9-Đá Chông, du khách không chỉ được biết về một địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, mà còn có thể thu thập được những thông tin về tri thức bản địa trong lĩnh vực đa dạng sinh học, nhất là những cây thuốc và các bài thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
TS LÊ TRẦN CHẤN