QĐND - Dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Giá gia cầm sụt giảm mạnh, khiến người chăn nuôi vừa lo chống dịch, vừa đối mặt với nguy cơ thua lỗ do giá thịt gia cầm và trứng đều giảm mạnh, đặc biệt là với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, trang trại. Tiêu thụ gia cầm sạch thời cúm H5N1 đang trở thành vấn đề “nóng” của ngành chăn nuôi...

Người chăn nuôi “méo mặt” vì dịch

Cùng với nỗi lo về dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi hiện đang phải đối mặt với việc giá gia cầm giảm. Ông Vũ Trọng Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết, xã có 765 hộ gia đình với khoảng 2.800 khẩu, trong đó có hơn 250 hộ chăn nuôi gà. Vào thời điểm hiện tại, có 170 hộ nuôi gà với số lượng hơn 140 nghìn con. Số hộ nuôi giảm mạnh do giá gia cầm xuống thấp, cộng với tình hình thời tiết diễn biến bất thường nên một số hộ chưa tái đàn hoặc nuôi cầm chừng.

Còn ông Nguyễn Tiến Sơn, một trong những hộ chăn nuôi ở xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế đưa ra những thông tin cụ thể: Giá gà giảm mạnh nên dịp trước Tết Nguyên đán, gia đình ông bán 1000 con gà, chịu lỗ hơn 20 triệu đồng. Ngay lứa gà bán phục vụ rằm tháng Giêng vừa qua, gia đình ông cũng phải chịu lỗ do giá thấp, chỉ được từ 36.000 đến 38.000 đồng/kg, trong khi giá lúc cao điểm năm 2013 có thể lên đến 80.000-100.000 đồng/kg.

Trang trại nuôi gia cầm sạch ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Cũng trong tình cảnh ấy, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ trang trại nuôi gà lấy trứng ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, bộc bạch: "Với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng, trang trại của tôi có 2 vạn con gà nuôi lấy trứng, trung bình sản lượng trứng từ 17.000 đến 18.000 quả/ngày. Với giá trứng như hiện nay (khoảng 1.100-1.500 đồng/quả), mỗi ngày tôi lỗ hơn chục triệu đồng. Giá trứng thấp trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi, tiền công trả cho người lao động không hề giảm, nếu tình trạng này kéo dài có lẽ tôi phá sản".

Khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch cúm gia cầm đang hoành hành tại nhiều địa phương. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá các sản phẩm gia cầm đang tiếp tục giảm khoảng 20-25% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch cúm. Gà lông màu giá chỉ còn 35.000 đến 39.000 đồng/kg; gà công nghiệp còn từ 25.000 đến 26.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp giảm mạnh từ 11.000 đến 15.000 đồng/chục; đặc biệt, con giống gia cầm giảm tới 70% so với trước. Thông tin về cúm gia cầm đang có tác động tiêu cực đến giá cả và lượng tiêu thụ, khiến người chăn nuôi đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cảnh báo:  Hiện giá gia cầm sụt giảm mạnh, có thể không phải chỉ do nguyên nhân dịch cúm gia cầm, nhưng rõ ràng tình hình dịch đã tác động đến người tiêu dùng, đến giá gia cầm hiện nay. Điều đáng nói là những hộ chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, những trang trại chăn nuôi cung cấp những sản phẩm tốt cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch và giá sụt giảm.

Nếu việc chăn nuôi không được duy trì thì khoảng 2-3 tháng nữa, chúng ta sẽ mất cân đối cung cầu gây tình trạng thiếu thực phẩm gia cầm. Khi đó sẽ là nguyên nhân để các sản phẩm gia cầm từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam.

Người tiêu dùng không nên “quay lưng” với gia cầm sạch

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chúng ta đã có bài học từ năm 2008 về việc tiêu thụ gia súc, gia cầm trong thời điểm dịch. Thời điểm ấy, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đang có dịch lợn tai xanh, nhưng đối với những trang trại chăn nuôi có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn, vẫn được phép vận chuyển, tiêu thụ. Vì vậy, hiện nay nhiều tỉnh đã công bố dịch, nhưng đối với những trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn thì vẫn cho vận chuyển, tiêu thụ. Hiện TP Hồ Chí Minh đã làm rất tốt, chủ động liên hệ với các địa phương cung cấp nguyên liệu, giết mổ tập trung rồi đưa vào siêu thị. Với cách làm này, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho hay: Thực tế cho thấy, dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn ở các trang trại lớn thì chưa xảy ra dịch. Do đó, điều quan trọng là phải giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn, những sản phẩm có thương hiệu uy tín yên tâm sử dụng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, đủ về dịch cúm gia cầm nhưng không gây tâm lý hoang mang, lo lắng; tránh tình trạng dân “tẩy chay” gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch, nguồn gốc rõ ràng, đẩy người chăn nuôi vào tình huống khó khăn. Chúng ta phải giải bài toán làm sao để người tiêu dùng ăn gia cầm sạch, còn người chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bán được sản phẩm. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã giao Cục Thú y cùng Cục Chăn nuôi tăng cường phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng không chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh nhưng cũng không “quay lưng” đối với các sản phẩm gia cầm sạch. Đồng thời, nắm các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình, lớn để kết nối với các siêu thị nhằm giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Cục Thú y có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống thú y ở cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh chăn nuôi. Nếu những giải pháp trên của ngành nông nghiệp được thực hiện đồng bộ, cùng với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, sẽ là "liều thuốc" tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay. Thứ trưởng Vũ Văn Tám bày tỏ: "Tôi thích ăn thịt gà, hiện nay, hằng ngày tôi vẫn ăn thịt gà bình thường...".

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM