QĐND - Ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Phiên họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố và tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề bức xúc và quan tâm của cử tri về tài nguyên, môi trường, ngân hàng đã được giải đáp.
Còn chậm trễ và nhũng nhiễu trong cấp “sổ đỏ”
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân thường gọi là “sổ đỏ” thời gian qua ở Hà Nội rất chậm trễ, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhũng nhiễu như phản ánh của người dân và có cả trách nhiệm Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc, kiểm tra ở Hà Nội, đến nay tình hình đã được cải thiện hơn. “Thủ tục cấp “sổ đỏ” hiện nay đã được rút ngắn hơn nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan thế nào đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra”-Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng chí Danh Út nêu vấn đề: Hiện các nông, lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai nhưng nhiều diện tích để hoang phí, trong khi đó còn có nhiều hộ gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất. Mặt khác, tới nay, cả nước cấp “sổ đỏ” đạt hơn 80% nhưng tại các nông, lâm trường, tỷ lệ này lại rất thấp. “Phải chăng đất đai do các lâm trường quản lý chỉ còn nằm trên sổ sách, còn thực tế đã bị chiếm dụng, bị tranh chấp?”-Đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận đúng như cử tri phản ánh, việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả; kết quả sắp xếp các đơn vị này cũng còn hạn chế. “Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc đo vẽ đất nông, lâm trường”-Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định. Bộ trưởng cũng lý giải thêm: Nguyên nhân chậm trễ cấp giấy chứng nhận tại các nông, lâm trường, thực tế do các nông, lâm trường hoạt động rất khó khăn. Hầu hết các đơn vị đã chuyển sang mô hình ban quản lý, hằng năm không có kinh phí đo vẽ. Hướng xử lý khi thu hồi đất vi phạm tại các nông, lâm trường sẽ ưu tiên cho các hộ đang thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định đời sống.
Xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản còn quá nhẹ
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đỗ Văn Đương phản ánh những bức xúc của cử tri cho rằng, xử lý vi phạm khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản rất nhẹ. Đại biểu nhận định đây là hành vi "rút ruột quốc gia", hủy hoại nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Tuyết Liên cho biết: Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hậu thường xuyên xảy ra với thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng điều kiện giáp ranh giữa các địa phương, các đối tượng khai thác liên tục di chuyển địa điểm làm cho các cơ quan chức năng khó quản lý. Tình trạng này gây hậu quả nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, nguy hiểm đến tính mạng của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc xử lý vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Vấn đề khai thác cát trái phép trên sông, gây sạt lở và nhiều hậu quả cho người dân hai bên bờ sông và đối với khu vực giáp ranh, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Trong đó, tiếp tục tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải và UBND một số tỉnh, thành phố liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và việc triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm là cát để đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế, gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không thực hiện nghĩa vụ thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản...
 |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã xử lý nhanh các khoản nợ xấu. |
Ngân hàng đã và đang nỗ lực giải quyết nợ xấu
Vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thời gian qua đã tham gia tích cực vào xử lý nợ xấu. Trước đây các tổ chức tín dụng thường che giấu nợ xấu, ít trích lập dự phòng rủi ro để có thêm nguồn tiền chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhưng trong 3 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát việc làm này, thanh tra giám sát chặt. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập rất lớn dự phòng rủi ro, trung bình mỗi năm 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, phần lớn các tổ chức tín dụng không chia cổ tức, dành luôn nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ, nâng cao hơn năng lực tài chính. “Trong 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Loại trừ 86.000 tỷ đồng được xử lý qua công ty VAMC, số còn lại được xử lý bằng việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng. Đến hết tháng 7-2014, số dự phòng các tổ chức tín dụng đã trích lập đạt 78.000 tỷ đồng”-Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Về phương hướng tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg.
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu về VAMC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay: VAMC mới hoạt động được một năm. Ngay từ đầu, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nước ngoài. Trong bối cảnh không có tiền ngân sách nhưng VAMC đã tạo ra được cơ chế tháo gỡ khó khăn, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định. “Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho VAMC từ mức 500 tỷ đồng hiện nay lên 2000 tỷ đồng”-Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông tin.
Sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu và cử tri về thị trường tài chính-tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, trong 3 năm qua, mục tiêu lớn nhất Quốc hội đặt ra cho nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô qua các năm dần đi vào ổn định và chiều hướng ngày càng vững chắc hơn; lạm phát được kiểm soát ngày càng ổn định và bài bản hơn. Điều này được thể hiện qua các chỉ số các năm gần đây. Về thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, Thống đốc khẳng định: “Ngày càng ổn định và theo chiều hướng vững chắc hơn. Từ chỗ hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản nghiêm trọng, mặt bằng lãi suất dâng cao, nay đã bảo đảm được thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế, tạo ra các nguồn vốn để tiếp tục phát triển kinh tế đất nước. Mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh, đến nay đã giảm về mức của năm 2006 trở về trước và còn đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh”.
Về tỷ giá, Thống đốc cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường tiền tệ ổn định. Tỷ giá luôn nằm trong định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và luôn biến động trong phạm vi cho phép. Thực tế, “chúng ta đã không phải can thiệp thị trường tỷ giá trong suốt thời gian qua. Nếu có can thiệp, chỉ là những biện pháp chủ động của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng xuất khẩu của đất nước”-Thống đốc nhấn mạnh.
Về tín dụng ngân hàng, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến hết tháng 9-2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã xấp xỉ đạt 7%, cao hơn mức 6,87% của tháng 9-2013. Do đó, “khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch năm 2014 từ 12-14% là hoàn toàn có thể”-Thống đốc khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với những sai phạm của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trong thời gian vừa qua, Thống đốc khẳng định: Tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, xảy ra thời điểm nào cũng thuộc về trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông tin thêm, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và cụ thể công tác kiểm tra giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm tốt công tác này.
Bài và ảnh: PHÚ QUÝ-KIỀU LINH