Tuy nhiên hiện nay, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) trên khu vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến, Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ về vấn đề này.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến.

Phóng viên (PV): Hoạt động dự báo KTTV, quan trắc trên phạm vi rộng có ảnh hưởng đến sản phẩm dự báo cũng như việc phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong phạm vi quản lý của mình không, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến: Với chức năng quan trắc, điều tra, khảo sát KTTV, hải văn, môi trường và quan trắc định vị sét; dự báo, cảnh báo KTTV... số liệu quan trắc KTTV và các sản phẩm dự báo KTTV trên khu vực Bắc Trung Bộ có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định các phương án phòng, chống thiên tai tại các tỉnh trong khu vực. Bản tin dự báo góp phần phòng, tránh thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại về người và của cho nhân dân; làm cơ sở cho việc điều hành hoạt động các ngành kinh tế, như: Thủy lợi, thủy điện, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp… và cuộc sống hằng ngày của người dân. Đối với số liệu dự báo thu thập nhiều năm qua là cơ sở để địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; kế hoạch sản xuất nông nghiệp; tính toán điều hành thủy điện… 

Đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ giới thiệu thiết bị dự báo, cảnh báo thời tiết. Ảnh: Thái Hòa

PV: Để ra được các bản tin dự báo, cảnh báo, cán bộ, nhân viên KTTV bên cạnh trình độ chuyên môn tốt thì cần có những yếu tố đặc trưng gì khác, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến: Để ra được những bản tin dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là các bản tin về thời tiết nguy hiểm thì những cán bộ KTTV cùng với việc có trình độ chuyên môn tốt, cần thêm yếu tố kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, hậu cần cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai; cử cán bộ thường trực khi có bão, lũ xảy ra; làm tốt công tác phối hợp với địa phương khi có yêu cầu. Trong đó, sự chủ động trong xây dựng các kế hoạch, rà soát hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV, bảo đảm quan trắc và thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống cũng là yếu tố cốt yếu.

PV: Thưa ông, thực trạng chung của ngành KTTV là hệ thống các trạm, đài còn thiếu, xuống cấp... Ở Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ thì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến: Số lượng trạm khí tượng bề mặt trên khu vực Bắc Trung Bộ tương đối nhiều, tuy nhiên phân bố không đồng đều theo không gian, gây khó khăn trong công tác phục vụ dự báo khí tượng, đặc biệt là dự báo hạn dài phục vụ nông, lâm nghiệp tại khu vực nói trên. Cùng với đó, số lượng trạm thủy văn trên khu vực Bắc Trung Bộ tương đối lớn nhưng được bố trí tập trung trên các sông chính, còn các sông nhánh cấp II của các sông chính có diện tích lưu vực khá lớn thì chưa có trạm đo, hoặc đã có trạm đo trước đây nhưng giải thể từ những năm 1975-1976. 

Khu vực Bắc Trung Bộ cũng đã được đầu tư mạng lưới trạm KTTV tự động bao gồm: Mạng lưới trạm đo mưa tự động, hệ thống trạm khí tượng tự động, hệ thống trạm thủy văn tự động. Đa số các trạm này đang lắp đặt tại các trạm KTTV hiện có với mật độ còn thưa, phân bố không đồng đều. Hiện tại, ngoại trừ các trạm đo mưa tự động được đầu tư từ năm 2010, số còn lại chưa đưa vào khai thác chính thức.

Hiện nay, hầu hết các trạm KTTV trên khu vực Bắc Trung Bộ đang quan trắc, đo đạc thu thập số liệu của các yếu tố theo phương pháp thủ công truyền thống; các máy, thiết bị, phương tiện đo đều đã cũ, lạc hậu, như đo lưu lượng nước bằng máy cốc quay hoặc cánh quạt, đo mực nước bằng thước cầm tay trên hệ thống cọc hoặc trên thủy chí; đo độ ẩm, nhiệt độ, khí áp bằng máy ký… Các loại máy, thiết bị hiện đại theo công nghệ mới áp dụng vào thực tế chưa được nhiều. 

PV: Hướng khắc phục hiện trạng trên được lãnh đạo Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ đề ra như thế nào, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến: Chúng tôi sẽ xây dựng thêm mạng lưới trạm KTTV trên khu vực bằng nhiều hình thức, đó là: Sử dụng nguồn lực từ Nhà nước theo kế hoạch ngắn, trung và dài hạn đã được Chính phủ phê duyệt; phối hợp với các địa phương trong khu vực phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng; thực hiện công tác xã hội hóa trong ngành KTTV nói chung; kêu gọi nguồn đầu tư từ các tổ chức, đơn vị ngoài ngành; tăng cường công tác trao đổi thông tin, số liệu KTTV của các bộ, cơ quan, ban ngành, các địa phương có nguồn số liệu KTTV thực đo như: Các chủ hồ chứa nước, các công trình thủy điện và rừng quốc gia...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MINH DUY - HẢI HÒA (thực hiện)