QĐND Online – Là một luật mới nên vấn đề xây dựng thế nào để cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.  Chính vì vậy, trong phiên thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân chiều 23-6, các đại biểu đã phân tích, lập luận nêu nhiều ý kiến trái chiều nhau, đặc biệt về phạm vi và nội dung trưng cầu ý dân để cùng ban soạn thảo tìm ra những quy định phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam…

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến.

Chỉ trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước?

Thảo luận tại tổ Điều 7 về phạm vi trưng cầu ý dân có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật nhưng đề nghị cân nhắc quy định có nên trưng cầu ý dân trong cả nước đối với vấn đề của địa phương không? Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc nhưng đề nghị cần có quy định mở cho trường hợp trưng cầu ý dân ở địa phương. Chẳng hạn, trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phạm vi toàn quốc, còn những vấn đề về kinh tế vùng miền thì trưng cầu ý dân ở địa phương; quy định trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương đối với một số vấn đề ở địa phương ảnh hưởng đến cả nước.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Xuân Hòa (đoàn Quảng Ninh) đồng tình với quy định trong Điều 7 của dự thảo luật vì theo Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội,  đồng thời những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội phải là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quốc gia đưa ra để toàn dân biết đến. Trưng cầu ý dân mặc dù là hoạt động không thường xuyên nhưng tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức rất chặt chẽ, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề trưng cầu ý dân… Các đại biểu cho rằng, không nên tổ chức trưng cầu ý dân ở một địa phương hay một phạm vi nhất định, bở lẽ vấn đề quan trọng của đất nước phải được toàn dân quyết định chứ không thể một bộ phận người dân, một khu vực hay địa phương nào đó quyết định. Những vấn đề cụ thể của địa phương, khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của một số văn bản pháp luật hiện hành.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) kiến nghị chỉ nên thực hiện trên phạm vi cả nước. Còn những vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực hoặc một địa phương thì chúng ta đã có cơ chế lấy ý kiến nhân dân. Như lấy ý kiến nhân dân tham gia chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính, tham gia các dự án luật, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai chúng ta đã làm. Cơ chế này cũng rất tốt, đang phát huy rất hiệu quả quyền dân chủ của người dân.

Về quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc và cả phạm vi địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) lập luận: Chúng ta thực hiện dân chủ đại diện thì ở 4 cấp (cả nước, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), những vấn đề của dân được các đại biểu quyết định. Giờ cũng ở 4 cấp đó có những vấn đề thuộc ý chí, nguyện vọng của dân cần dân quyết định trực tiếp thì chúng ta không quy định. Đại biểu Phúc đặt câu hỏi, quy định như vậy, chỉ ở cấp Trung ương còn cấp tỉnh, huyện, xã không có, vậy ở những cấp này có dân chủ trực tiếp không? Đại biểu Phúc cho biết, nghiên cứu một số nước cũng thấy quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc, phạm vi địa phương và cơ sở. Hơn nữa, thực tiễn các nước này cho thấy, khi tiến hành trưng cầu ý dân lại chủ yếu trưng cầu ý dân ở địa phương và cơ sở.

Có nên quy định cụ thể vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân?

Điều 6, dự thảo luật quy định: “Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”. Về vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị luật cần quy định cụ thể hơn những vấn đề quan trọng để các chủ thể có quyền yêu cầu Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, như vậy thì luật sẽ có tính khả thi hơn. Loại ý kiến thứ hai đề nghị luật chỉ quy định khái quát những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định để tùy thuộc vào tình hình cụ thể cũng như những vấn đề cụ thể quan trọng trưng cầu ý dân để các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân.

Tại phiên thảo luận cũng chưa có sự thống nhất quan điểm về quy định này. Đại biểu Lê Thành Công (đoàn Vĩnh Long) và đại biểu Bùi Văn Xuyền tán thành với ý kiến thứ hai vì cho rằng, quy định cụ thể những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân trong luật sẽ không bao quát hết những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân. Như vậy, có thể sẽ “bó hẹp” những vấn đề cần trưng cầu ý dân trong thực tiễn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước, không quy định những vấn đề trưng cầu ý dân cụ thể trong luật.

Tuy nhiên, đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên-Huế) lại cho rằng, quy định như vậy là quá chung chung.  Vì “vấn đề về Hiến pháp là những vấn đề gì?”, “vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội  là những vấn đề gì?”.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Điều 6 quy định trưng cầu ý dân “về Hiến pháp” thôi chứ không phải “những vấn đề về Hiến pháp”. Vì “những vấn đề về Hiến pháp” rất nhiều. Với “những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội” thì đại biểu Phúc cho rằng quy định như vậy là thu hẹp việc trưng cầu ý dân vì có những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nhưng cũng có những vấn đề mới phát sinh mà thấy cần phải trưng cầu ý dân.

Trước nhiều luồng ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị nên lấy ý kiến nhân dân về Điều 6 để “hỏi người dân xem muốn Quốc hội lấy ý kiến vấn đề gì”.

XUÂN DŨNG