QĐND - Tiếp theo đoạn tuyến dài gần 27km từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng, ngày 2-3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức thông xe đoạn 26km qua địa phần tỉnh Lào Cai của tuyến đường này. Tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam này đang tiến dần về đích, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho khu vực rộng lớn nơi "phên giậu" của đất nước.

 

Rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian

Đường cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Lào Cai được xác định có vai trò chiến lược trong việc nối liền thủ đô Hà Nội  với vùng Tây Bắc của Tổ quốc, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt - Trung. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là một trong ba cửa khẩu quan trọng nhất trong giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, với kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm hàng tỷ USD. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vẫn là một trong những điểm nghẽn của Lào Cai nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung. Hiện nay, việc đi lại từ Lào Cai về các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ chủ yếu thông qua Quốc lộ 4E và Quốc lộ 70, trong đó Quốc lộ 70 đã quá tải và đang xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định, việc đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Bắc, mang tư duy chiến lược, tạo điều kiện để Lào Cai phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là khai thác kinh tế của khẩu. Đường Nội Bài - Lào Cai hình thành đang dần hiện thực hóa niềm mong mỏi của người dân Tây Bắc có thêm nhiều cơ hội, động lực mới, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của khu vực này.

Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Lào Cai, giáp biên giới Trung Quốc của dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa chính thức thông xe.

 

Đoạn tuyến vừa được thông xe dài hơn 26km thuộc gói thầu A8 (lý trình từ Km 218+040 đến Km 244+155) đi qua địa bàn 4 xã của huyện Bảo Thắng và 1 phường của TP Lào Cai. Gói thầu do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công. Đây là gói thầu nằm ở vị trí cuối cùng trong số 8 gói thầu xây lắp trên toàn tuyến đường dài 245km. Đoạn tuyến này cũng khởi đầu cho tuyến kết nối hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC (chủ đầu tư dự án), các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ tiết kiệm tối đa thời gian và nhiên liệu, tính an toàn cao do tuyến đường được thiết kế một chiều riêng biệt, không có các điểm giao cắt với các đường khác. Tốc độ được phép lưu thông tối đa trên đường cao tốc đoạn thuộc gói thầu A8 là 80km/giờ, tối thiểu là 60km/giờ. Ngay khi đưa vào khai thác, VEC bố trí lực lượng vận hành (bao gồm cảnh sát giao thông, nhân viên vận hành, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế) trực 24/24 giờ tiếp nhận giải quyết mọi tình huống khi có sự cố. Trong giai đoạn khai thác ban đầu, chủ đầu tư chưa tiến hành thu phí, tạo điều kiện cho phương tiện tham gia lưu thông.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Arto Ahonen, Chuyên gia giao thông của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, nghiên cứu của ADB cho thấy tính khả thi kinh tế của dự án rất cao, khi hoàn thành đường cao tốc sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước. Người dân có thể đi du lịch giữa Hà Nội, Lào Cai và Côn Minh (Trung Quốc) trong một ngày. “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là xây dựng đường cao tốc là rất cần thiết để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường cũng như điều kiện đi lại cho người dân”, ông Arto Ahonen đánh giá.

Hoàn thành toàn tuyến trong năm 2014

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, gồm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma và Trung Quốc; góp phần thực hiện thành công thỏa thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc Bộ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 245km đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp. Tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

 

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ có thể phát huy hết hiệu quả khai thác nếu được thông xe toàn tuyến. Mốc tiến độ đưa dự án cán đích đã được ấn định trong năm 2014. Trong đó, gói thầu A2, A3 và A7 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý I-2014, toàn tuyến hoàn thành vào cuối quý II-2014. Hiện nay, VEC cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công phối hợp với chính quyền địa phương đang tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành những đoạn tuyến còn lại. Công trường đang bước vào giai đoạn nước rút. Tại hạng mục thi công hầm xuyên núi trên địa phận tỉnh Yên Bái, thuộc gói thầu A6, nhà thầu Doosan (Hàn Quốc) đang khẩn trương hoàn thiện để kịp thời gian thông xe. Gói thầu A4, một trong những đường găng tiến độ của dự án, hiện đã đạt 55% khối lượng, nhà thầu đang hoàn tất công tác nền, chuẩn bị thảm bê tông nhựa.

Hiện nay, tại một số điểm trên tuyến, công tác giải phóng mặt bằng vẫn vướng mắc, vẫn còn tình trạng người dân địa phương cản trở thi công, yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành đường gom dân sinh rồi mới được làm chính tuyến. Trong một thời gian dài, tiến độ dự án cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi năng lực tài chính của nhà thầu. Nhà thầu chính chậm thanh toán cho nhà thầu phụ, dẫn đến công việc bị đình trệ. Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng như sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư, khúc mắc này đã được giải quyết, tiến độ nhờ vậy được đẩy nhanh hơn.

Trực tiếp kiểm tra công trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị tham gia dự án phải tập trung lực lượng, thiết bị, tài chính để kịp thời hoàn thành tuyến đường bởi thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn. “Đơn vị tư vấn giám sát phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ, không vì tiến độ mà hy sinh chất lượng, khi khai thác vận hành phải bảo đảm đồng bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của quá trình thi công càng phải chú ý bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị địa phương vừa tích cực tuyên truyền, vận động người dân, vừa phải có biện pháp bảo vệ thi công. Khi những vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ, dự án có đủ điều kiện cần thiết để về đích đúng hẹn.

Bộ GTVT cũng đang lên phương án xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các tỉnh Lai Châu và Hà Giang. Khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng sẽ có tác động lớn đối với giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa khu vực Tây Bắc. Hiện tại, Lai Châu và Hà Giang đã có sự kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các phương án được đưa ra nhằm nâng quy mô, cấp đường để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức độ cao hơn, tăng hiệu quả kinh tế và đáp ứng được nhu cầu của từng địa phương. Với những định hướng đó, mạng lưới giao thông đường bộ khu vực phía Bắc đang dần định hình đồng bộ, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

 Bài, ảnh: ĐỖ MẠNH HƯNG