Hơn 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng

Các quốc gia thu hút đầu tư FDI với kỳ vọng, những tập đoàn đa quốc gia (MNE) sẽ đem lại công nghệ mới, nâng cấp kỹ năng quản lý, mở ra những cơ hội thị trường mới và tạo tác động lan tỏa ra các DN trong nước. Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm, nhưng chưa rõ ràng trong việc hình thành kết nối với nền kinh tế trong nước. Các chuyên gia của WB đánh giá, nhiều quốc gia đã thành công trong việc thu hút FDI, nhưng để tận dụng tác động lan tỏa thì không phải quốc gia nào cũng như nhau. Mặc dù là quốc gia tiếp nhận nguồn vốn FDI ở mức tương đối lớn, nhưng liên kết giữa các DN của Việt Nam với DN FDI còn yếu kém do khả năng hấp thụ của các DN trong nước, môi trường thể chế và chính sách kinh doanh của quốc gia. Các DN trong nước phần lớn là DNNVV chủ yếu tập trung ở các ngành phụ trợ cấp thấp, tham gia sản xuất đầu vào hoặc các phụ tùng, linh kiện đơn giản đem lại giá trị gia tăng thấp như cung cấp bao bì, vật liệu đơn giản, mang tính thâm dụng lao động.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Theo tính toán, hiện chỉ có khoảng 300 DN trong nước đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI, nhưng cũng chỉ có thể cung ứng các phụ tùng thay thế, chưa tham gia vào các sản phẩm chính. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 600.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động thì DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các DNNVV là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các DN FDI với các DN trong nước còn rất hạn chế. Điều đáng quan ngại là rất ít DN tư nhân kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn.

Làm gì để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cho thấy, nhiều DN trong nước cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này vươn lên trong chuỗi giá trị. Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu như không có những thay đổi thì có thể rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp” và làm sao để thoát khỏi “bẫy” này là điều đáng lưu tâm. Để DN trong nước tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng thì việc tăng cường liên kết giữa DNNVV với các DN FDI là điều hết sức quan trọng. Quá trình liên kết không chỉ giúp DN trong nước hấp thụ được công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ các DN FDI mà ngược lại, DN FDI tìm được các nhà cung ứng trong nước, từ đó làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, các DN FDI đầu tư vào nước ta, ngoài việc cần thị trường, lao động giá rẻ, thì điều quan trọng khác mà DN hướng đến là tìm nguồn cung ứng. Tuy nhiên, để các DN Việt Nam có thể cung ứng được cho các DN FDI thì không chỉ là câu chuyện về năng lực của DN mà còn phụ thuộc rất lớn vào quy mô thị trường công nghiệp. Ví như một doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện, cung cấp dây điện cho một DN FDI trong ngành công nghiệp ô tô thì DN này chỉ có thể cung cấp được 5% sản lượng làm ra, còn lại 95% phải xuất khẩu đi nước ngoài. Như vậy, rõ ràng nhu cầu của DN FDI không thể đáp ứng được so với công suất hoạt động của doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện này. Đây cũng chính là vấn đề mà ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phải đối mặt. Quy mô thị trường công nghiệp ô tô ở Việt Nam quá phân tán, bởi có hàng chục DN FDI trong ngành này nên các DN phụ trợ của Việt Nam không thể đủ khả năng cung ứng cho nhiều hãng ô tô với rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Các chuyên gia của WB khuyến cáo, với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các DN đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bà Phạm Thị Thu Hằng đánh giá, kết nối quan trọng nhất trong ngành công nghiệp hỗ trợ chính là kết nối trong các khu công nghiệp. Cần phải có chính sách đặc thù để các khu công nghiệp trở thành những trung tâm kết nối. Các DN lớn “đầu đàn” đóng vai trò dẫn dắt, kết nối các DNNVV để tạo ra chuỗi giá trị.

Từ nhiều năm nay, khung chính sách, chiến lược thu hút DN FDI của nước ta đã có rất nhiều, nhưng vẫn không thể kết nối được DN trong nước với DN FDI. Các quốc gia khác đã có nhiều chính sách để tăng cường kết nối 2 khu vực DN này, ví dụ như miễn thuế cho các dự án làm chung. Tuy nhiên, các DN FDI cũng có những chiến lược của mình trong quá trình đầu tư, vì vậy chính sách đưa ra phải rất cụ thể để DN FDI thực sự quan tâm. Với nước ta, hiện các chính sách hỗ trợ còn rất manh mún; các bộ, ngành “mạnh ai nấy làm”, hỗ trợ theo tiêu chí của bộ, ngành mình chứ không phải theo nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của DN. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, đủ tiêu chí để có thể đáp ứng được yêu cầu của DN FDI. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng được cơ sở dữ liệu trực tuyến chất lượng cao về các DN cung ứng trong nước (tập trung vào các ngành ưu tiên) và tập trung phát triển DN cung ứng theo nhu cầu, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho rằng, để đưa sản phẩm của DN trong nước vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI cần những hành động hết sức cụ thể và mang tính thương mại. Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội đóng vai trò là cầu nối; cần thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN FDI có nhu cầu sử dụng sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ, xác định các tiêu chuẩn của DN FDI để kết nối với các DN trong nước có đủ năng lực tham gia. Đã đến lúc cần phải xây dựng văn hóa và thói quen tiêu dùng, đặt chất lượng của hàng nội bằng, thậm chí cao hơn hàng ngoại để khi hàng hóa trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không còn là trở ngại.

MINH MẠNH