QĐND - Phí, lệ phí thu từ dịch vụ công chỉ dùng để chi trả cho các hoạt động phục vụ của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, không thể đặt vấn đề thu lợi nhuận. Cùng với đó, cần phân biệt rõ phí với lệ phí; làm rõ vấn đề phí, lệ phí có chức năng quản lý hay không khi một số nơi dùng phí, lệ phí để điều tiết việc sử dụng dịch vụ, phương tiện… Những vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí sáng 18-6 cho thấy, để có cách hiểu thống nhất về khái niệm trong dự án luật này không hề đơn giản…

Không thể đánh đồng xã hội hóa với dịch vụ công

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề, hiện tại, tiền lương của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công vẫn từ ngân sách. Tiền của ngân sách là tiền của dân, nên người dân chỉ cần phải trả các khoản tiền để bù đắp chi phí hợp lý là đủ. Do vậy, việc xác định “người dân phải trả thêm một khoản tiền nữa gọi là mức lợi nhuận phù hợp cho cơ quan Nhà nước như quy định tại Điều 7 (dự thảo luật) là điều hết sức vô lý”.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phân tích, với cách xác định mức thu phí nhằm bảo đảm bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp, phí phần nào đã chuyển sang bản chất của giá. Điều đó sẽ dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng khác nhau và dễ bị lạm dụng trong quá trình thực hiện. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội, nên giao cho các doanh nghiệp xã hội, các doanh nghiệp phi lợi nhuận đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp đứng ra làm dịch vụ công. Một số loại hình dịch vụ có thể chuyển cho tổ chức, cá nhân đầu tư thu phí, tính toán trên cơ sở chi phí và được hưởng một khoản lợi nhuận định mức hợp lý. Một số nữa nên chuyển sang cơ chế giá dịch vụ có sự kiểm soát của Nhà nước. Xã hội hóa như vậy sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng phí, lệ phí cho xã hội và người dân, đáp ứng tinh thần Kết luận số 37-TB/TW ngày 26-5-2011 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng tình với đại biểu Trần Quốc Tuấn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phân tích, dịch vụ công có tính đến lợi nhuận, nhưng các khoản thu từ phí, lệ phí do cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thu, theo quy định tại Điều 10, Điều 11 dự thảo luật, lại không phải đóng thuế. Suy ra, lợi nhuận thu được từ phí, lệ phí cũng không phải đóng thuế. Nhưng theo quy định hiện hành, đã phát sinh lợi nhuận là phải đóng thuế. Như vậy là có sự mâu thuẫn. Vì thế, không thể đưa lợi nhuận vào dịch vụ công.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: SGGP

Tương tự như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị: “Không được tính đến lợi nhuận khi Nhà nước cung cấp dịch vụ công cho người dân. Nếu chúng ta muốn xã hội hóa thì tách ra, không nên nhập nhằng điều này, rất phản cảm và người dân hoàn toàn không đồng tình về vấn đề này”.

Phí cũng có chức năng quản lý?

 “Tôi thấy, chúng ta quên rằng phí còn là một công cụ để quản lý, không phải chỉ là vấn đề thu tiền”, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kết thúc bài phát biểu của mình bằng vấn đề còn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu này. Cụ thể, theo đại biểu, các đô thị thường dùng phí như một công cụ quản lý đô thị. Nhưng dự thảo luật không nêu rõ vấn đề này, mà chỉ có một loại quy định dùng chung cho tất cả, “giống như một loại lưới bắt tất cả cá từ sông đến đại dương thì không được”. Vì thế, đại biểu đề nghị chỉnh lại dự án luật “theo hướng gắn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng như phần của Trung ương, phần của địa phương rất rõ và bản chất từng loại cho rõ”.

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cũng nhắc tới vấn đề này khi nêu câu hỏi: Lệ phí có phải chi trả cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước hay không, hay còn là công cụ quản lý Nhà nước? Đại biểu lấy ví dụ, Hà Nội cho phép thu thật cao các loại lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông để hạn chế phương tiện vào Thủ đô. Trong khi ở các nơi khác, mức thu này thấp hơn. “Vậy, trong khái niệm này, chúng ta có đặt vấn đề đó hay không, hay chỉ có (dùng lệ phí) bù đắp chi phí quản lý?”, đại biểu hỏi.

Cần rõ ràng phí, lệ phí

Dự thảo luật nêu khái niệm, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (hoặc tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao) cung cấp dịch vụ; lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính Nhà nước phục vụ công việc quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa nhất trí cao với cách định nghĩa này, vì cho rằng như thế vẫn chưa phân biệt được rõ ràng phí và lệ phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thắc mắc, thủ tục có tên gọi và nội dung tương tự, nhưng khoản tiền phải nộp thì nơi gọi là phí, nơi gọi là lệ phí. Ví dụ, bay qua vùng trời thì gọi là phí bay qua vùng trời, nhưng đi qua vùng đất, vùng biển, ra vào cảng lại gọi là lệ phí. Tiền nộp để thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ thì gọi là phí, tiền nộp để thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ và các chi phí tố tụng khác lại gọi là lệ phí. Xin cấp mã vạch, mã số phải nộp phí, nhưng xin cấp biển số nhà lại phải nộp lệ phí… Do vậy, đại biểu đề xuất viết lại Điều 6 dự thảo luật theo hướng: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cung cấp dịch vụ, trong luật này là dịch vụ công. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả cho những chi phí thực hiện thủ tục hành chính”.

Chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá, cả khái niệm phí và lệ phí đều chưa rõ ràng. Theo đại biểu, cần xác định rõ, lệ phí gắn với dịch vụ hành chính công, còn phí gắn với dịch vụ công. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hơn các khái niệm về phí, lệ phí, giá dịch vụ theo đúng bản chất quản lý kinh tế. Khi đó mới có căn cứ để phân định danh mục phí, lệ phí chính xác, phù hợp, đặc biệt là giúp người dân có thể hiểu được và thực hiện được…

Trước đó, đầu giờ sáng 18-6, với 87,47% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Chiều cùng ngày, sau khi họp riêng để thực hiện các bước thủ tục, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội).

Ngày 19-6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và thống kê đầy đủ để khi ban hành luật, mọi cơ quan, tổ chức không phải đóng thêm một khoản phí, lệ phí nào nữa”-Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế). 

“Cần quy định các nguyên tắc cơ bản để thống nhất áp dụng công khai với nhà đầu tư, với người sử dụng dịch vụ làm cơ sở để thanh-kiểm tra và không tạo khe hở để nhà đầu tư định mức quá cao, tạo gánh nặng cho người sử dụng dịch vụ, điển hình như phí qua trạm BOT giao thông hiện nay, gây bức xúc cho người tham gia giao thông",
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang).

 CHIẾN THẮNG