Dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm

Vừa bẻ từng thân cây sen kéo ra những sợi tơ mỏng mảnh, bé xíu, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận-người nổi tiếng với sản phẩm tơ tằm tự dệt thuộc xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội-vừa giải thích: "Trông nó mỏng mảnh vậy thôi nhưng khi xe, dệt thành vải lại vô cùng bền chắc và rất đẹp đấy!". Bà Thuận kể: "Từ ngày tham dự hội chợ OCOP đầu tiên ở Quảng Ninh, các sản phẩm vải, lụa dâu tằm Mỹ Đức được nhiều người trong nước, quốc tế biết tới. Đặc biệt, từ khi chúng tôi tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, sản phẩm lụa, vải có tơ tằm, sợi sen được tiêu thụ tốt hơn. Sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, Trung Đông...".

leftcenterrightdel
 Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (ngoài cùng bên phải). 

Việc triển khai Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả tốt. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm khoảng 20-21% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước (gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao, 534 sản phẩm 3 sao). Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất. Thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Xúc tiến thương mại trên nền tảng số

Nếu giai đoạn 2018-2020, Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội tập trung vào đánh giá, phân hạng sản phẩm thì đến giai đoạn 2021-2025, xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số được coi là nét đặc trưng phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Thành phố Hà Nội đã tổ chức quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số như: Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây” vào tối thứ 6 hằng tuần trên nền tảng Facebook, thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP. Đặc biệt, ngày 31-8-2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác chiến lược với TikTok giúp các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: Giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop và TikTok LIVE, tạo kênh tiêu thụ bền vững cho các chủ thể OCOP. Đến năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sản phẩm OCOP.

Theo ông Phương Đình Anh, Phó chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương, dư địa phát triển sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội hiện còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, sản phẩm OCOP Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm OCOP hiện vẫn chủ yếu từ các làng nghề truyền thống; những sản phẩm mới mang tính sáng tạo còn ít, thiếu các câu chuyện về sản phẩm, gắn với sản phẩm... Do vậy, để sản phẩm OCOP của Thủ đô tiếp tục phát triển, mang hiệu quả kinh tế ngày càng cao, rất cần được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm hơn nữa. Bên cạnh yêu cầu phải chuẩn hóa các sản phẩm (mẫu mã, bao bì, chất lượng) thì những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm mới cần phải chú trọng. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức của các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các ý tưởng để sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; việc tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP trước khi đưa ra thị trường cũng là điều rất cần thiết hiện nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM