QĐND Online - Ngày 23-6, trong phiên thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ý kiến các đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi này, vì đây là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cũng thể hiện bước tiến mới về dân chủ, pháp quyền của nhà nước ta. Tuy nhiên, về nội dung thẩm quyền giải quyết của tòa án và trao thẩm quyền cho tòa án cấp huyện, cấp tỉnh thế nào, được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến và vẫn còn có những luồng ý kiến chưa thống nhất…

Mở rộng thẩm quyền giải quyết với quyết định hành chính mang tính nội bộ?

Đóng góp về Điều 32, có một số quan điểm đề nghị mở rộng hơn nữa thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với việc giải quyết các khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức hoặc hệ thống cơ quan, tổ chức. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, nên quy định trong luật, tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức, kể cả quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Vì như vậy, sẽ đề cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động nhiệm vụ công vụ. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Công Lý (đoàn Bình Định) cho rằng, những quyết định mang tính nội bộ của cơ quan nhà nước đều đã có cơ chế xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Do vậy, dự thảo luật không quy định những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là nhằm đảm bảo cho việc khởi kiện không tràn lan.

Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành và cho rằng: Đối tượng của quyết định hành chính, hành vi hành chính nội bộ là rộng, can thiệp sâu vào công tác quản lý hành chính nhà nước, nội bộ của cơ quan, tổ chức, làm ảnh hưởng đến tính hoạt động độc lập, tự chủ, tự quản của cơ quan tổ chức này.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) lại cho rằng, cần phải quy định thẩm quyền của tòa án đối với các khởi kiện của người cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với loại việc này. Bởi vì, các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bội không đơn thuần là chỉ đạo, điều hành mà rất nhiều quyết định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nếu cứ để theo cơ chế hiện nay giải quyết theo con đường khiếu nại, sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Làm gì để xét xử bảo đảm được tính độc lập, khách quan?

Thực tiễn cho thấy có nhiều vướng mắc về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện về hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Do vậy, nhiều đại biểu đồng tình với việc mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại giao thẩm quyền này cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Theo đại biểu Nghĩa, Quốc hội Khóa XII thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010, được khẳng định là bước tiến quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp, đáp ứng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế. Thực tiễn qua 4 năm thực hiện luật cho thấy đã từng bước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật, thể hiện sự bình đẳng của công dân với các cơ quan hành chính nhà nước. Nay cho rằng, năng lực của các thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ án bị hủy cao hơn, nên cần sửa đổi Điều 29, 30 Luật tố tụng hành chính hiện hành là không có tính thuyết phục, đi ngược lại lộ trình cải cách tư pháp đã được định hướng tại các Nghị quyết, văn kiện của Đảng.

Đại biểu Nghĩa nhận định, việc án hành chính bị hủy theo thủ tục giám đốc chiếm tỷ lệ cao, so với các loại án khác như giải trình của Ban soạn thảo là do một số thẩm phán cấp huyện, cấp tỉnh, thiếu năng lực chứ không phải chỉ do thẩm phán cấp huyện lo sợ, né tránh.

Đồng ý với đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng: “Chúng ta đang tăng cường thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây chỉ cho xét xử đến 2 năm tù giam, sau cải cách chúng ta nâng dần lên 5 năm, 7 năm, bây giờ Tòa án nhân dân cấp huyện được xét xử đến 15 năm tù. Không có một lý do gì nói là trình độ cán bộ cấp huyện yếu, bởi vì họ đã làm được những vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ngày trước làm”.

Đồng tình với quan điểm đại biểu Nghĩa, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) lập luận: Tòa án nhân dân tối cao quản lý từ tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, đề bạt cất nhắc, nâng lương, khen thưởng kỷ luật, tuyển chọn bổ nhiệm thẩm phán, cơ sở vật chất. Trước đây, chúng ta có Hội đồng tuyển chọn thẩm phán cấp tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân làm Chủ tịch, các thành viên khác làm thành viên để chúng ta xét, tuyển chọn thẩm phán thì còn có lý do chúng ta nói là phụ thuộc vào địa phương, nhưng bây giờ hoàn toàn do Hội đồng thẩm phán tối cao đảm nhiệm, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia đảm nhiệm việc này. Vậy làm sao lại nói tòa án không được độc lập? “Tôi khẳng định chưa bao giờ tòa án độc lập như bây giờ”.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, “Tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính (tức là dân kiện quan, thường yếu thế hơn). Rõ ràng thực tế chỉ ra nguyên nhân chính mà án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do ngại va chạm với chính quyền, đấy là thực tế trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp nhiều năm chỉ ra như vậy”.

Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng: Như dân gian nói ở đây là "con kiến kiện củ khoai". Để nhân dân tin tưởng hơn vào công lý thì chúng ta cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa những chế định đúng theo quy định của Hiến pháp. Đại biểu Minh khẳng định, không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém mà thực tiễn có nhiều sức ép khiến việc xét xử khó khăn.

Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) góp ý: “Trong trường hợp Quốc hội còn băn khoăn, trăn trở, tôi đề nghị Quốc hội nên để cho người dân được quyền lựa chọn tòa án để giải quyết”.

XUÂN DŨNG