QĐND - Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23-6 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố vào ngày 30-6 vừa qua. Luật gồm 20 chương, 170 điều (tăng 5 chương và 34 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005), là công cụ pháp lý quan trọng nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đại diện cơ quan soạn thảo trước khi Luật được Quốc hội thông qua), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường 2005; bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường…; hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Vấn đề sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp cũng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Ảnh: Đình Huệ

 

Có thể nói, Luật đã quy định toàn diện, rộng khắp những nội dung liên quan để bảo vệ môi trường như: Bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường nước, đất và không khí; Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư; Quản lý chất thải; Xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường... Một trong những điểm mới quan trọng so với Luật trước đây, đó là vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường đã được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Tại buổi họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật mới đây, ông Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: “Quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh, xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đảm bảo phát triển bền vững”.

Luật Bảo vệ môi trường đã có những chế tài gắn với thực tiễn đời sống như quy định hợp lý hơn các nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; Quy định chương riêng về ứng phó biến đổi khí hậu. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đang thách thức, ảnh hưởng lớn đến toàn cầu, trong đó có nước ta. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này.

Một trong những điểm mới quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 là những chế tài liên quan đến bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Luật có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn diện của Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 50, Chương 5 (Bảo vệ môi trường biển và hải đảo) quy định rõ: “Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Còn tại Khoản 2, Điều 50, quy định: “Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dằn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải”. Tuy nhiên, chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, một trong những điểm mới thiết thực của Luật Bảo vệ môi trường là đã bổ sung các quy định về tăng trưởng xanh; cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường, nội dung này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; bổ sung các quy định về Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu; phòng thí nghiệm, kiểm soát chất độc đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất nói chung và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, thú y; bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; Luật xác định rõ: Giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu đã qua sử dụng; tái sử dụng chất thải; thời hiệu khởi kiện về môi trường…

Thời gian qua, nhiều vụ việc gây bức xúc cho người dân liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, thế nhưng không được các cơ quan chức năng thông tin đầy đủ, thậm chí ngăn chặn người dân hoặc nhà báo tiếp cận sự thật. Vì vậy, trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm công bố thông tin về môi trường, về tình trạng môi trường, trách nhiệm báo cáo công tác quản lý môi trường của cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản dưới Luật để kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và xây dựng các Thông tư, qua đó nhằm kịp thời hướng dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường ngay khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2015.

LÊ THIẾT HÙNG