QĐND - Chẳng quản đường sá xa xôi, ở cái tuổi 87, sức yếu, ông vẫn lặn lội từ thủ đô Hà Nội về với vùng ATK của Quảng Ngãi dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Ba Tơ. Gặp chúng tôi, những đồng nghiệp trẻ, ông say sưa kể về cuộc đời binh nghiệp của mình và những kỷ niệm sâu sắc một thời làm phóng viên Tạp chí Xung Phong, trụ sở “Tòa soạn đỉnh Cao Muôn” của Đội du kích Ba Tơ năm xưa...
Phóng viên Tạp chí Xung Phong
Trong buổi gặp mặt các đội viên Đội du kích Ba Tơ chiều 10-3-2015, tôi ấn tượng về một cụ già dáng vẻ nhanh nhẹn, linh hoạt, mái tóc bạc trắng như cước. Lân la trò chuyện, tôi mới biết đó là cụ Thân Hoạt, đội viên Đội du kích Ba Tơ, nguyên phóng viên Tạp chí Xung Phong của đội du kích Ba Tơ năm xưa. Gặp chúng tôi, những đồng nghiệp trẻ, cụ Thân Hoạt say sưa kể chuyện về những ngày làm phóng viên của Tạp chí Xung Phong.
 |
Cụ Thân Hoạt kể chuyện với tác giả. Ảnh do tác giả cung cấp.
|
Tôi đã đọc sử sách viết về Đội du kích Ba Tơ, về cuộc khởi nghĩa này và cũng biết về Tạp chí Xung Phong, nghe tên cụ Thân Hoạt. Thế nhưng hôm nay đứng trước cụ-người phóng viên trụ cột của tờ Tạp chí Xung Phong thời ấy với tư cách là một phóng viên trò chuyện, khai thác tư liệu viết bài về cụ, sao tôi cứ lúng túng khó tả. Sự chân thực trong từng câu chuyện, khiêm nhường trong giao tiếp của cụ và cách làm “nghề” khá chuyên nghiệp của phóng viên Tạp chí Xung Phong kiêm kỹ thuật viên in ấn tờ tạp chí này cách đây 70 năm làm cho tôi bị cuốn hút vào bao điều thú vị.
Cụ Thân Hoạt cho biết: “Năm nay tôi 87 tuổi, quê ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cách đây 70 năm, khi tròn 17 tuổi, tôi vinh dự được gia nhập Đội du kích Ba Tơ. Sau một thời gian trực tiếp chiến đấu, tôi được các đồng chí lãnh đạo đội giao nhiệm vụ phụ trách viết tin, bài, in ấn xuất bản Tạp chí Xung Phong để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho toàn đội. Nghề làm báo đến thật tình cờ với tôi là như thế. Nó như “giây phút đầu tiên của một người làm cách mạng”. Ngày 1-7-1945, tạp chí xuất bản số đầu tiên, niềm vui không sao tả hết…".
Gọi là tạp chí nhưng vì thực hiện mục tiêu tuyên truyền cho đội viên Đội du kích Ba Tơ nên khổ rất nhỏ, chỉ vừa vặn đút vào túi áo ngực. Cụ Hoạt nhớ như in: “Trang bìa ghi rất đầy đủ các thông tin về tạp chí. Trên cùng là tiêu đề “Đội du kích Ba Tơ"; dưới đề "Tạp chí Xung Phong". Phía dưới cùng của trang là hai câu: Tòa soạn đỉnh Cao Muôn, Nhà in Ba Đình xuất bản”.
Như để làm rõ thêm, cụ Thân Hoạt giải thích: “Kỳ thực tạp chí được in ấn tại xã Đức Tân (Mộ Đức-Quảng Ngãi), còn ghi “Tòa soạn đỉnh Cao Muôn” là để động viên khí thế anh em trong đội dâng cao ngọn cờ khởi nghĩa vì núi Cao Muôn là ngọn núi hùng vĩ của huyện Ba Tơ, và “Nhà in Ba Đình xuất bản” không phải là in ở nhà in Ba Đình, Hà Nội ngày nay, mà Ba Đình là tên của một cuộc khởi nghĩa vang dội ở Thanh Hóa. Đại ý cũng là để làm dâng cao hơn nữa tinh thần cách mạng của toàn đội những ngày sục sôi khí thế ấy. Riêng về công nghệ in cũng rất độc đáo. Chúng tôi lấy rau xu xoa, một loại rong biển, mang về nấu lên làm mực in. Nhiều người cùng tham gia tạp chí này, trong đó có cả anh Nguyễn Đôn và Nguyễn Chánh. Chính anh Nguyễn Đôn là người hướng dẫn cách in cho tôi”.
Cụ Thân Hoạt cho chúng tôi biết thêm: "Ngày xưa làm tạp chí dễ hiểu, dễ nhớ lắm. Nội dung tạp chí phản ánh kinh nghiệm đánh du kích; tuyên truyền phẩm chất, tinh thần đội viên du kích Ba Tơ; kỷ luật, kỷ cương của Đội du kích Ba Tơ. Giấy mực kém, viết không có bàn, khi thì viết trên chiếu, lúc lại viết trên tảng đá, nên khi in ra được một cuốn tạp chí thì mừng ghê lắm. 17 tuổi, trẻ nên hăng say vô cùng, nhưng khi viết tuyên truyền chính trị cứ như trong máu thịt tuôn ra, câu từ nào cũng sắc bén như dao vậy. Viết từ nào chuẩn từ ấy, chẳng phải viết đi viết lại và in đi in lại nhiều lần đâu”.
Được biết, sau khi khởi nghĩa thành công, tờ Tạp chí Xung Phong chấm dứt sứ mệnh, tướng Nguyễn Đôn đã “tuyển” Thân Hoạt làm thư ký cho mình. Sau đó Thân Hoạt lại làm thư ký cho tướng Nguyễn Chánh. Hai vị tướng nữa mà cụ Thân Hoạt được chọn làm thư ký là Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Hoàng Văn Thái. Điều đặc biệt nữa là sau này cụ Thân Hoạt còn tham gia xuất bản cuốn Từ điển Quân sự Việt Nam…
Vẫn một lòng với nghề “cầm bút”
Cả một đời phục vụ quân ngũ, cụ Thân Hoạt luôn có duyên với nghề “cầm bút”. Khi mới vào Đội du kích, cụ cầm bút phục vụ xuất bản Tạp chí Xung Phong. Khi tờ tạp chí này hoàn thành sứ mệnh, cụ lại được chọn về làm thư ký cho 4 vị tướng lĩnh của quân đội. Nghề "cầm bút" buộc cụ phải đọc, phải học và phải không ngừng rèn luyện để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ chỉn chu từ cách dùng từ, phát ngôn; nhớ lô-gic các vấn đề, sắp xếp chúng theo trình tự trước sau. Ngay cả khi trò chuyện với tôi, cụ Thân Hoạt cũng cố làm sao giúp tôi dễ hiểu, dễ nhớ câu chuyện của cụ để dễ viết bài nhất. Tất cả cách ứng xử của cụ trong cuộc trò chuyện đều là bài học bổ ích đối với người làm báo như tôi.
Trong khi đang trò chuyện, cụ Thân Hoạt quay sang tôi và “phỏng vấn” ngược lại: "Theo cháu, bài báo như thế nào là bài báo hay?". Trong khi tôi vẫn còn bối rối thì cụ Hoạt nói ngay: “Bài báo hay là bài báo có hồn. Muốn có hồn thì người viết phải có tâm. Mà cái tâm là làm theo sự mách bảo của trái tim người cầm bút. Dù văn chương bay bổng đến mấy nhưng trong đó không có hồn thì chưa thể gọi là bài báo hay được”.
Được biết, mặc dù hiện nay tuổi đã cao, nhưng cụ Hoạt vẫn cộng tác với nhiều báo, tạp chí. Bài viết của cụ chân thực như thể con người cụ, nhưng chỉn chu chứ không hề xuê xoa, dễ dãi. Trong một số sách lịch sử của Quảng Ngãi, của quân đội, cụ có nhiều bài viết ký tên Thân Hoạt được người đọc đón nhận, trân quý bởi một lẽ như thế…
THANH NHỊ