Tuy nhiên, đến hôm qua (25-2), giá vàng ngay lập tức quay đầu giảm giá, về mức mua vào là 46,2 triệu đồng/lượng, bán ra là 47,2 triệu đồng/lượng. Trước bối cảnh giá vàng tăng, giảm với biên độ bất thường, người dân cần thận trọng, tránh đầu tư theo cảm tính để rồi bị thiệt hại.

Giá vàng dao động mạnh

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho hay, tại châu Á, sáng 24-2, vàng tăng thêm 27USD/ounce, tiến sát mốc 1.670USD/ounce. Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng mạnh thể hiện sự lo ngại đối với việc dịch Covid-19 đang lây lan sang nhiều nước ngoài Trung Quốc. Giá vàng miếng và cả vàng trang sức, vàng ép vỉ đều tăng theo nhịp của giá vàng thế giới.

Khách hàng giao dịch tại một cửa hàng vàng bạc đá quý DOJI.

Tại Việt Nam, trong ngày 24-2, toàn hệ thống của DOJI đã xuất bán ra hơn 3.500 lượng vàng bao gồm cả vàng miếng SJC và nữ trang, trong khi đó lượng mua vào hầu như không có. Giá vàng trong nước tính tới chiều 24-2 đã tăng hơn 3 triệu đồng một lượng so với đầu giờ sáng. Đây cũng là mức tăng trong một ngày lớn nhất từ trước tới nay, vượt xa cả các biến động của năm 2011.

Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, phiên sáng 25-2, giá vàng thế giới đã giảm, giao dịch ở ngưỡng 1.654USD/ounce, tương đương 46,53 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 46,4-47,4 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 750.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên chiều 24-2. Thời điểm 9 giờ ngày 25-2, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty Cổ phần SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 46,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,82 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1.300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1.180.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều 24-2.

Chiều 25-2, chúng tôi có mặt tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội)-khu phố tập trung nhiều cửa hàng vàng-để khảo sát về tình hình lượng khách đến giao dịch tại các cửa hàng. Theo quan sát của phóng viên, không khí giao dịch tại các cửa hàng vàng ở nơi đây khá ảm đạm, nhiều cửa hàng vàng thậm chí không có khách hàng đến giao dịch. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đào Ngọc Anh (ở phố Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh mang vàng đi bán vì mua vàng từ cuối năm ngoái với giá 37 triệu đồng/lượng. Hiện nay, với giá vàng đang lên, đã có lãi nên mang đi bán để kiếm lời. Trước đây, anh dùng khoản tiền nhàn rỗi để mua vàng, nhưng hiện tại không có ý định đầu tư vào vàng nữa vì thời điểm này rất rủi ro.

Nhiều rủi ro nếu đầu tư vào vàng

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu thực tế về vàng hiện nay không cao, nhưng trước những biến động từ thị trường vàng thế giới thì một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước có thể đẩy giá lên. Nếu người dân không tỉnh táo sẽ bị thiệt hại khi mua vàng trong thời điểm này. Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới nhưng không cùng biên độ vì nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế do không được nhập khẩu vàng. Thông thường khi có một nhịp độ biến động bất thường tăng rất mạnh thì khoảng cách giá vàng phải giãn dần ra để người kinh doanh vàng được an toàn bởi vì bất cứ lúc nào họ mua vào, giá vàng đều có thể quay đầu và ngược lại. Do vậy, không ngạc nhiên khi có lúc giá vàng trong nước chênh lệch tới 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, giá vàng trong nước chịu tác động bởi giá vàng thế giới. Vì tác động của dịch Covid-19 nên nhà đầu tư trên thế giới tìm nơi trú ẩn an toàn từ vàng. Người mua vàng cần lưu ý khi vàng tăng giá thì có cơ hội nhưng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Do đó, tuyệt đối không bao giờ đầu tư vàng từ các nguồn tiền lương hay thu nhập từ kinh doanh để tránh ảnh hưởng đến đời sống. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tiền đầu tư vào vàng phải là nguồn tiền nhàn rỗi và chỉ nên chiếm 1/3 khoản tiền đó, còn lại thì nên gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào bất động sản, chứng khoán.

Theo đại diện của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, trong bối cảnh giá vàng tăng sốc như hiện nay, kể cả nhà đầu tư lớn lẫn người dân đều cần hết sức cẩn trọng và cần phải có “cái đầu lạnh”. Thực tế thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư, kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã phải chịu thua lỗ. Bài học kinh nghiệm từ giai đoạn 2011-2012 cho thấy các nhà đầu tư đã lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đầu tư vàng luôn là vấn đề lớn, đòi hỏi các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực, kinh nghiệm, có đủ chiến lược để trụ được khi giá lên, giá xuống. Trong danh mục của các quỹ này có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau để san sẻ rủi ro, thậm chí chờ từ 6 tháng đến một năm trong chiến lược kinh doanh của mình. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì khi giá lên xuống 1-2 triệu đồng là đã bị khủng khoảng tinh thần muốn mua bán ngay nên thường nắm phần thua thiệt. Người dân không nên "bỏ hết trứng vào cùng một giỏ", nếu có tiền nên phân bổ vào các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu có mua vàng thì không nên "lướt sóng" mà hãy mua tích lũy trong thời gian dài, ít nhất 3-6 tháng trở lên.    

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp khi cần thiết

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Trong đó, giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi. Với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp vào thị trường vàng khi cần thiết”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT