QĐND Online – Đây là ý kiến của nhiều đại biểu khi phát biểu ý kiến tại hội trường ngày 22-6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành bộ luật và phạm vi sửa đổi. Riêng về tên gọi, có 3 tên gọi, đa số đại biểu đồng ý với tên Chính phủ đã dự kiến tiếp thu là: "Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi)". Nhưng cũng có ý kiến trong phiên thảo luận đề nghị lấy tên "Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015". Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) chỉ ra, dự thảo đã bổ sung 108 điều, sửa đổi 107 điều nâng số điều của dự thảo luật lên 366 trong khi luật cũ năm 2005 là 261 điều, “do đó, tôi đề nghị lấy tên là Bộ luật hàng hải năm 2015”. Đồng ý với ý kiến của đại biểu Chu Sơn Hà, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị tiếp tục nghiên cứu và xây dựng thành Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
 |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà Đặng Định Luyến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Quy định rõ ràng những vấn đề mới
Trong phiên thảo luận, Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) và nhiều đại biểu tán thành với dự thảo luật bổ sung về quy định tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động dự thảo. Tuy nhiên, đi sâu vào nghiên cứu, có ý kiến chỉ ra, dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về nội dung tàu ngầm dân sự, ụ nổi, các kết cấu nổi, kho chứa nổi và giàn di động. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, đây là những phương tiện có tính chất đặc thù với nước ta, mới xuất hiện, gặp nhiều vướng mắc trong việc đăng ký, đăng kiểm và hoạt động, đặc biệt là các loại tàu ngầm, tàu lặn dân sự. Đại biểu Nhiên cho rằng, trong tương lai không xa, nhu cầu sử dụng phương tiện này sẽ gia tăng, nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, dịch vụ du lịch và hoạt động dân sự khác, nếu không có các quy định cụ thể, thống nhất để điều chỉnh, quản lý hoạt động đối với các phương tiện này, sẽ phát sinh nhiều vướng mắc khó khăn. Vì vậy, đại biểu Nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về vấn đề đăng kiểm, cấp phép hoạt động, quản lý các loại phương tiện thiết bị đặc thù, kết cấu nổi chuyên dùng. Vì nhóm đối tượng này có những đặc thù về hoạt động, các đặc tính không giống như các tàu biển thông thường, nên việc áp dụng các quy định dành cho các tàu biển sẽ không phù hợp.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tiêu chí xác định cảng biển (Điều 137) vì cho rằng vẫn chưa phân biệt được giữa cảng biển và bến thủy nội địa. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên góp ý, thực tế cho thấy, phần lớn các cảng biển của Việt Nam nằm sâu trong vùng nước đất liền, điều này không đúng với vị trí là cảng biển, “theo tôi hiểu cảng biển phải nằm ở phần biển”. Quy định trong khoản 1, Điều 137 của dự thảo là ở vùng nước nối liền với biển, như vậy, không khuyến khích đưa cảng ra biển, mà sẽ tập trung làm cảng ở trong vùng nước đất liền, đỡ tốn về kinh phí hơn, nhưng hoạt động kinh tế thì kém hiệu quả và không đảm bảo an ninh đối với các tàu nước ngoài.
Cùng quan điểm với đại biểu Nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị quy định chi tiết, chính xác cảng biển. Quy định rõ đối với khu vực vừa có thể xây dựng được cảng biển, vừa có thể xây dựng được cảng thủy nội địa thì ưu tiên xây dựng cảng biển nhằm phát huy lợi thế của cảng biển và đạt được kết quả tối ưu trong phát triển giao thông tại khu vực.
Cho rằng quy định này còn chung chung, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) lo lắng “nếu như không có các hệ thống tiêu chí kỹ thuật khắt khe hơn và chiến lược quy hoạch rõ nét hơn sẽ dẫn đến hiệu quả hệ thống các cảng biển Việt Nam tiếp tục chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng, thiếu cơ sở hạ tầng trên đất liền và công trình phụ trợ khác. Hệ thống cảng phân tán, thiếu hiệu quả, lãng phí, đặc biệt là tình trạng dư thừa công suất dẫn đến sự cạnh tranh gắt gao về giá làm suy giảm tính bền vững tài chính của hệ thống cảng cũ và kể cả cảng mới”.
Có nên thành lập ban quản lý khai thác cảng?
Điều 142 dự thảo quy định, Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển và được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Một số ý kiến cho rằng, cơ sở pháp lý cũng như tiêu chí, điều kiện để thành lập ở điều này là không rõ ràng. Hơn nữa, hiện nay việc quản lý cảng biển giao cho rất nhiều cơ quan, tùy theo chức năng, nhiệm vụ đã giao cho Chính phủ, Bộ giao thông vận tải, Cục Hàng hải, cảng vụ cũng như một số cơ quan khác tham gia để thực hiện quản lý nhà nước như hải quan, thuế, an ninh, kiểm dịch, văn hóa, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.... Từ thực tế này, đại biểu Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: “Nếu thành lập thêm Ban quản lý khai thác cảng biển thì sẽ chồng chéo với chức năng của các cơ quan hiện đang giao thực hiện hoạt động kinh doanh ở đây”. Đại biểu kiến nghị nên có cách khác để chúng ta kiện toàn bộ máy tổ chức ở đây. Vì nếu thành lập thêm Ban quản lý và khai thác cảng thì vô hình chung dẫn tới làm tăng thêm bộ máy và tăng thêm biên chế, đội ngũ cán bộ cũng như những người làm việc ở đây.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng: “Quy định này có khả năng gây chồng chéo hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước chúng ta và làm giảm sự phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo cảng và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và Trung ương”. Đại biểu Khánh đề nghị cần nghiên cứu ý kiến của đại biểu Đặng Đình Luyến để quy định nội dung này cho phù hợp.
XUÂN DŨNG