QĐND - Những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, có người thiệt mạng trên phạm vi cả nước tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do ý thức của nhiều người sử dụng lao động và công nhân lao động còn thấp…

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), trong năm 2013 toàn quốc xảy ra 6.695 vụ TNLĐ khiến 606 người tử vong và 6.361 người bị thương, gây thiệt hại về vật chất lên tới hơn 70 tỷ đồng. So với năm 2012, mặc dù số người bị TNLĐ và số vụ TNLĐ đã giảm 1,2% nhưng số vụ tai nạn chết người lại tăng 10 vụ (tăng 1,8%) và số người chết tăng 21 người (tăng 3,5%). Đặc biệt, số vụ TNLĐ có 2 người bị thương nặng trở lên tăng tới 19%.

Mười địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đà Nẵng và Nghệ An, chiếm tổng cộng 49% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc. Những lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện, cơ khí chế tạo. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động (chiếm 59%) không chuẩn bị các thiết bị bảo đảm an toàn lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động. Cụ thể là, có 34,3% số vụ tai nạn chết người rơi vào các công ty cổ phần, 28% công ty TNHH, 18,3% doanh nghiệp nhà nước và 5,1% doanh nghiệp tư nhân. Trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 28,6%, khai thác khoáng sản chiếm 15,4%, điện chiếm 6,3%, cơ khí chế tạo chiếm 5,1%. TNLĐ do ngã từ trên cao chiếm 26,9%, điện giật 21,7%, tai nạn giao thông chiếm 11% về tổng số vụ và 10,1% về số người chết...

Bị tai nạn giao thông lúc đi làm chiếm tới 11% trong tổng số vụ tai nạn lao động, Nhiều người lao động vẫn... coi thường tai nạn. Ảnh: CHU KHÁNH.

Một điều khó hiểu là, trong năm 2013 cả nước đã xảy ra 6.695 vụ TNLĐ, nhưng chỉ có 175 bản báo cáo điều tra về TNLĐ gửi về Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH). Về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Hiện nay có hai loại báo cáo là báo cáo nhanh của cơ sở (khi xảy ra sự việc) và báo cáo định kỳ. Với báo cáo nhanh thì các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ làm chưa tốt. Còn đối với báo cáo định kỳ của các địa phương thì chưa đầy đủ, thiếu yếu tố phân tích nên tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người vẫn còn rất chậm so với quy định. Trong đó có không ít vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản của tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở của dân chưa được tiến hành điều tra, thống kê và báo cáo.

Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ và PCCN là hoạt động nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt công tác TNLĐ. Tuy vậy, hiện nay TNLĐ vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Theo các chuyên gia, để hạn chế TNLĐ thì cần tăng cường công tác thanh tra trong các doanh nghiệp, bởi lâu nay việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới chỉ có 400 thanh tra trong lĩnh vực lao động nên rất khó có thể thanh tra giám sát hết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn những vi phạm về ATVSLĐ và PCCN đều rơi vào các doanh nghiệp tư nhân, do đó giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế TNLĐ là người lao động và người sử dụng lao động cần có ý thức trong bảo hộ lao động.

Ông Hà Tất Thắng cho rằng: Bộ LĐ-TB và XH cần đề nghị các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tăng cường chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ và các chế độ bảo hộ lao động; chú trọng triển khai công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc, nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau chung sức thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, Sở LĐ-TB và XH các địa phương cần thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ chết người trong các doanh nghiệp, bảo đảm thời gian điều tra, lập biên bản các vụ TNLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

VŨ MẠNH