QĐND - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 / 3-2-1980), lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định tổ chức phát Thẻ đảng viên cho các đảng viên chính thức của Đảng. Với chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ viết Thẻ đảng viên dịp đó thực sự là niềm vinh dự, tự hào với nhiều kỷ niệm khó quên...

"Vạn sự khởi đầu nan"

Từ cuối quý III-1977, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị (TCCT) chính thức thành lập Bộ phận viết Thẻ đảng viên lâm thời. So với các tỉnh, thành phố thì quân đội có lực lượng viết Thẻ đảng viên hùng hậu nhất và được Ban Tổ chức Trung ương tin tưởng, coi đây là lực lượng chủ công, nòng cốt. Ngoài việc viết Thẻ đảng viên cho Đảng bộ Quân đội, lực lượng của quân đội còn đảm nhiệm viết Thẻ đảng viên cho Đảng bộ các tỉnh Tây Nguyên, miền núi, các đảng, đoàn ở nước ngoài…

Một Thẻ đảng viên được viết năm 1983.

Theo chỉ thị của TCCT, các đơn vị trong toàn quân "chọn" những cán bộ, chiến sĩ về bộ phận viết Thẻ đảng viên. Tiêu chí hàng đầu là lý lịch chính trị cơ bản, là đảng viên, có quá trình công tác tốt và chữ viết đẹp, chuẩn. Trước khi về nhận công tác ở bộ phận viết Thẻ đảng viên, các cán bộ, chiến sĩ đều phải gửi mẫu chữ viết của mình lên trên xem xét.

Hồi đó, tôi đang là hạ sĩ, nhân viên Ban Chính trị, Trung đoàn Căn cứ sân bay Vĩnh Phú (được thành lập từ Tiểu đoàn Hậu cần của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371). Một ngày đầu năm 1978, Đại úy Trần Cấu, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn gọi tôi lên gặp. Anh trao quyết định cho tôi và nói: "Cậu chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới. Rất tiếc, đơn vị định sắp tới cho cậu đi học sĩ quan, nhưng cấp trên đã quyết rồi!".

Tôi khoác ba lô về 61 Cửa Đông, Hà Nội-nơi tiếp đón khách của TCCT thì đã gần 18 giờ chiều. Phòng thường trực đã đóng cửa, vào thành thì không có giấy ra vào; người quen ở Hà Nội không có, với tôi hiểu biết về Thủ đô quả là "a-ma-tơ", đúng là người nhà quê ra phố. Chẳng biết đi đâu, tôi đeo ba lô đi bộ suốt các phố quanh khu vực thành để "giết" thời gian; đến khi chân mỏi, người đói mệt lả, cũng không biết ăn, ngủ ở đâu. Mãi khi những bóng đèn đường phố bật sáng, tôi ôm ba lô ngồi ở ngã 4 đường Trần Phú-Điện Biên Phủ và thấy một bốt gác của công an bỏ không. Tôi liền chui vào đó, ngồi bệt xuống ôm ba lô trong lòng vì sợ bị kẻ gian lấy trộm. Tiếng muỗi vo ve, đêm ấy chúng được một bữa no nê, còn trên mặt tôi chi chít những mụn đỏ tím. Rồi đêm dài cũng qua. Sáng sớm, tôi xốc ba lô, đi về 61 Cửa Đông ngồi đợi. Một chiếc xe com- măng-ca, trên xe có mấy đồng chí của Phòng Quản lý-Hành chính (tiền thân của Cục Hậu cần, TCCT) đón tôi lên Mỏ Chén (Lương Sơn, Hòa Bình).

Thời gian này, Bộ phận viết Thẻ đảng viên lâm thời vẫn chưa đủ người. Tạm thời, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ củng cố hồ sơ đảng viên và tranh thủ tập viết chữ. Tuy nhiên, do chưa có mẫu chữ thống nhất, nên việc tập viết tự mình là chính, hoặc "học mót" nhau về kiểu cách để bổ sung thêm vào "vốn chữ" của mình. Thủ trưởng Cục Tổ chức giao Đại úy Nguyễn Văn Tuấn nghiên cứu hướng dẫn trực tiếp cho anh em viết Thẻ đảng viên. Qua thảo luận của anh em và định hướng của lãnh đạo Cục về kiểu chữ viết trên Thẻ đảng viên, mọi người đều thống nhất lấy kiểu chữ đứng, theo đúng mẫu của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định trong các nhà trường. Cục Tổ chức còn mượn một số mẫu thẻ mà Ban Tổ chức Trung ương đang cân nhắc để tham khảo. Anh em có sáng kiến đo chiều cao cỡ chữ, chiều dài của dòng, rồi cắt khung trên bìa cứng để tập viết cho thống nhất. Khoảng cách giữa chữ với chữ, độ rộng của mỗi nét chữ đều phải thống nhất cao. Đây là những đóng góp không nhỏ của đoàn quân đội cho Ban Tổ chức Trung ương, làm cơ sở cho việc tập huấn lớp viết Thẻ đảng viên toàn quốc vào tháng 6-1978, tại Trường Đảng Lê Hồng Phong (Hà Nội). Tại lớp tập huấn, Ban Tổ chức Trung ương biểu dương các sáng kiến của đoàn quân đội và kết luận viết chữ theo đề xuất của đoàn quân đội; thống nhất trong toàn Đảng về nội dung tờ khai làm thẻ của đảng viên, quy trình nhận hồ sơ từ cơ sở, đối chiếu, thẩm định qua các cấp trước khi đưa về Bộ phận viết Thẻ đảng viên; thống nhất quy trình viết thẻ, đóng dấu, giao nhận thẻ...

Sau lớp tập huấn, anh Bùi Tuyên Án (sau này anh chuyển ra Vụ Thẻ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) liên hệ mượn được một khu nhà kho ở Viên Ngoại (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, anh em bộ phận viết Thẻ đảng viên chúng tôi được địa phương bố trí cho ở trọ nhà dân, còn nhà kho là nơi ăn cơm và hội họp tập thể. Nghe tin các chú bộ đội về ở, bà con Viên Ngoại rất vui, có gia đình còn tặng rau xanh, cà muối… để anh em cải thiện bữa ăn. Không ít người thắc mắc: “Không thấy các chú tập luyện gì, chỉ thấy tập viết!”.

Tháng 8-1978, tình hình biên giới Tây Nam bắt đầu căng thẳng, biên giới phía Bắc cũng có những dấu hiệu không bình thường. Tổng cục Chính trị chủ trương cho các anh em là hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên Bộ phận viết Thẻ đảng viên đi học sĩ quan chính trị. Đây là lớp ngắn hạn, thời gian 3 tháng, mở cho các đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên trong toàn quân. Lớp chỉ học những môn chính, khi ra trường đảm nhiệm được chức trách chính trị viên đại đội. Chúng tôi được quán triệt học xong sẽ đi đơn vị chiến đấu, khi nào triển khai viết Thẻ đảng viên, Thủ trưởng TCCT có thể sẽ triệu tập về; các đồng chí còn lại tiếp tục tập luyện và làm các công việc chuẩn bị, hoặc làm nhiệm vụ khác do Thủ trưởng Cục Tổ chức giao. Học xong, chúng tôi mỗi người một ngả, người ngược lên phía Bắc, người vào phía Nam. Tôi và anh Đinh Hồng Tuy (trước khi nghỉ hưu, anh công tác ở Cục Cán bộ) cùng về nhận công tác ở Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, rồi tham gia Quân tình nguyện giúp bạn Cam-pu-chia.

Cuối năm 1979, Ban Tổ chức Trung ương quyết định tiếp tục triển khai việc phát Thẻ đảng viên. Đợt 1 tổ chức trong dịp 3-2-1980, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng; đợt 2 vào ngày 19-5; đợt 3 là ngày 2-9 và đợt 4 vào ngày 7-11-1980. Chúng tôi lần lượt được TCCT điều trở lại Bộ phận viết Thẻ đảng viên. Nửa đêm, tôi về tới Gia Lâm, sau hơn một năm xa cách, mấy anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, cả đêm không ai ngủ được. Sáng hôm sau, chúng tôi được “biên chế” vào một nhóm tập luyện "đặc biệt", do các anh trong tốp viết chuẩn, đẹp nhất (gồm Lê Đình Xoan, Phạm Văn Phiếm, Ngô Duy Phi, Trần Tuấn Ngọc...) hướng dẫn. Trước khi anh em bước vào công việc thầm lặng này, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm TCCT đến thăm chúng tôi ở An Đà. Ông rất quan tâm đến việc sinh hoạt, ăn uống, luyện tập viết chữ của anh em.         

Nhiệm vụ thầm lặng

Suốt ngày, anh em chúng tôi chỉ tập viết chữ để các cỡ, kiểu, nét chữ phải đẹp, chuẩn và thống nhất. Anh Lê Đình Xoan, quê Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh-một trong những người viết chữ đẹp nhất được Cục Tổ chức giao thêm nhiệm vụ tham mưu cho Cục trong tổ chức quy trình viết thẻ. Anh em có sáng kiến dựa vào mẫu thẻ của Ban Tổ chức Trung ương trong đợt tập huấn làm chuẩn để tập luyện, khi viết vào thẻ chính thức sẽ không bỡ ngỡ. Khi bắt đầu viết thẻ, TCCT cấp cho mỗi người một đèn bàn, một hộp bút bằng gỗ. Quy trình bắt đầu từ việc kiểm tra giao nhận thẻ do các đơn vị trực tiếp nộp lên và lập biên bản. Bộ phận nhận hồ sơ lại giao và lập biên bản cho bộ phận viết thẻ và dán ảnh. Thẻ viết xong được giao cho bộ phận đóng dấu (dấu nổi vào ảnh và dấu của Quân ủy Trung ương). Thẻ đóng dấu xong được giao lại cho tổ hồ sơ kiểm tra lần cuối trước khi bàn giao cho đơn vị. Quy trình như một guồng máy cứ lặng lẽ vận hành, hết sức thận trọng từ khâu giao nhận đến đóng dấu, chỉ cần lơ là một chút là có thể dẫn đến sai, hỏng. Các thẻ viết sai, hỏng đều phải lập biên bản, chuyển Ban Tổ chức Trung ương đổi, quá tỷ lệ 0,5% thì bị phê bình, kiểm điểm. Sau khi hoàn thành việc viết Thẻ đảng viên đợt 3-2 và chuẩn bị cho đợt 19-5, đầu năm 1980, do yêu cầu công tác, tôi chuyển về nhận công tác tại Phòng Cán bộ, TCCT; các đồng chí khác tiếp tục viết Thẻ đảng viên các đợt 2-9 và 7-11-1980. Đến 19-5-2004, việc viết Thẻ đảng viên bằng tay chấm dứt. Sau đó, Thẻ đảng viên được làm với kích thức nhỏ gọn hơn và in trên máy như hiện nay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ viết Thẻ đảng viên, phần lớn anh em chúng tôi được điều động nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT và Bộ Quốc phòng, số còn lại về các đơn vị, nhà trường, hoặc trở lại đơn vị cũ, xuất ngũ, về hưu... Anh em vẫn ước mong có dịp gặp mặt, nhưng vẫn chưa thực hiện được. 35 năm đã qua, nhưng kỷ niệm một thời về viết Thẻ đảng viên vẫn in đậm mãi trong tôi.

LÊ QUÝ HOÀNG