Với kết quả chiến đấu, kìm chân địch đến ngày 5-2-1947 (50 ngày đêm), quân, dân Thừa Thiên - Huế đã viết nên những trang sử hào hùng về lòng dũng cảm, chí khí kiên cường, tình đoàn kết trong những ngày Toàn quốc kháng chiến.
Đúng 2 giờ 30 phút ngày 20-12-1946, sau hàng loạt phát đại bác bắn vào các vị trí tiền tiêu của địch ở Mo-rin, chiến dịch Huế mở màn. Quân ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các cứ điểm địch; Nhà máy Điện Huế bị điểm hỏa, toàn bộ điện thị xã Huế bị cắt, bọn Pháp chìm trong bóng tối cố thủ. Các mũi tiến công của ta chia cắt địch không cho chúng co cụm đối phó. Phía Bắc cầu Trường Tiền, cầu Giả Viên bị phong tỏa, cắt đứt; phía Tây và Tây Nam cầu Ga, cầu Bến Ngự, Phú Cam, Lò Rèn, An Cựu... bị khóa chặt. Toàn bộ quân Pháp bị nhốt lại ở khu Tam Giác (Nam sông Hương).
2 giờ 30 phút ngày 20-12-1946, khẩu sơn pháo 75 ly nhả đạn, báo hiệu cho cuộc tấn công, bao vây quân Pháp tại Huế. Nguồn: tapchisonghuong.com.vn .
Nhiều trận kịch chiến giữa ta và địch diễn ra ở khách sạn Morin, Trường Thiên Hữu, nhà máy điện, miếu Đại Càng (An Cựu). Quân ta phải giành giật với địch từng tầng nhà, từng góc phố. Trong ngày 20-12, quân ta tổ chức nhiều đợt tập kích áp sát vị trí quân địch, dùng mã tấu, đại đao, bom xăng, bom ba càng, lựu đạn, cảm tử xông thẳng vào cứ điểm địch, đánh lui các đợt phản kích của kẻ thù. Nhiều trận đánh quyết liệt như khách sạn Mo-rin, cảm tử quân chiếm được tầng 1, địch ở tầng 2 cố thủ các lối lên xuống. Ta dùng cả hỏa công có hơi cay ớt hun, bao vây, kìm chân địch.
Bị vây hãm, cắt đứt điện nước và tiếp tế từ bên ngoài vào trong thời gian dài, quân Pháp lâm vào cảnh thiếu lương thực, đạn dược, thuốc men, xác chết, bị thương không được đưa đi chôn cất, cứu chữa... tinh thần hoang mang, đêm ngày trông đợi viện binh.
Phối hợp với mặt trận ở Huế, ở tuyến sau, bên cạnh công tác hậu cần tiếp tế, Đảng bộ địa phương chỉ đạo nhân dân xây dựng hầm hào, công sự, dựng chướng ngại vật, phá cầu cống, đường sá ngăn chặn tiếp tế và cản bước tiến của quân địch. Nhân dân thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, phá những nơi địch có thể lợi dụng để xây dựng đóng đồn bốt hoặc đóng quân như nhà gạch, đình, chùa. Mọi phương tiện, lương thực, thực phẩm đều bị cất giấu hoặc phá bỏ, thực hiện triệt để chiến lược “vườn không nhà trống”.
Ngày 28-1-1947, quân Pháp từ Đà Nẵng đánh ra, chúng dùng 8 ca nô đổ bộ vào khu vực Lăng Cô. Ngày 29-1-1947, địch tấn công Truồi, đổ bộ cửa Tư Hiền. Quân và dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy phối hợp với Tiểu đoàn 18 của Chi đội Trần Cao Vân chặn đánh địch quyết liệt, không cho chúng giải vây cho quân Pháp ở Huế. Trong 16 ngày hành quân, trên đoạn đường chưa đầy 60km, hàng trăm tên địch bị ta tiêu diệt thì quân Pháp mới đến được Huế để giải vây đồng bọn.
Ngày 5-2-1947, địch từ ba mặt Thuận An, Thanh Thủy, Bãng Lãng đánh vào Huế. Quân địch từ bên trong đánh ra cung An Định, trường Việt An, ga Huế. Ngày 6-2-1947, quân địch bên ngoài và bên trong gặp nhau.
Căn cứ vào tình hình tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể của, Bộ tư lệnh mặt trận Thừa Thiên - Huế quyết định rút toàn bộ lực lượng ra ngoài để tiến hành kháng chiến lâu dài.
Tính đến ngày 5-2-1947, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã bao vây địch suốt 50 ngày đêm trong thành phố Huế. Năm mươi ngày đêm quân và dân Huế chiến đấu anh dũng ngoan cường và tiêu diệt hàng trăm tên, tịch thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Hai lần quân địch phải thả dù quân tăng viện và tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân của chúng ở Huế. Điều đó nói lên tình trạng nguy khốn của địch và kết quả tiêu hao, tiêu diệt địch của quân dân ta. (Còn nữa).
MẠNH THẮNG (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo: Mở đầu toàn quốc kháng chiến