Đã có gần trăm cuốn sách của các tác giả trong nước và nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chỉ riêng thơ cũng đã có nhiều tập của nhiều tác giả. Nhưng thể loại trường ca thì đến nay cuốn “Tướng Giáp-Người anh cả của toàn quân” của Hoàng Bình Trọng là tập trường ca đầu tiên. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 12-2009, kỷ niệm 65 năm thành lập QĐND Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người đậm chất huyền thoại. Huyền thoại ấy được kể bằng chất thơ dân dã, nồng ấm của nhà văn quê hương Quảng Bình. Viết trường ca về nhân vật đương đại tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vô cùng khó, nên nhà văn phải tự nâng tầm của mình lên mới nắm bắt được cái hồn của nhân vật. Mở đầu chương I, Hoàng Bình Trọng “Tâm sự với thơ”, cũng là nhận thức đầu tiên về hình tượng thơ Võ Nguyên Giáp: “Vì người ấy trí tuệ uyên thâm, hồn thơ phải tự nâng cao tầm vóc/ Vì người ấy rất mực sáng trong, hồn thơ phải lánh xa nơi phàm tục/ Vì người ấy độ lượng khoan dung, hồn thơ không có quyền bé nhỏ thấp hèn…”.
 |
Tâm sự với thơ như thế, kêu gọi hồn thơ “muốn xứng đáng với người/ hãy chấp cánh bay lên!”, nhưng nhà thơ lại nhận ra một điều: Đại tướng là con người vô cùng giản dị. Những suy nghĩ, nhận thức về hình tượng Võ Nguyên Giáp như vậy đã giúp Hoàng Bình Trọng xây dựng được ngôn ngữ và giọng điệu thơ riêng. Câu chuyện được kể theo thứ tự thời gian rất sinh động, từ tuổi thiếu thời của “cậu Văn” cho đến khi trở thành Đại tướng, Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam. Từng chương một, Hoàng Bình Trọng đã dựng nên vóc dáng lịch sử của một anh hùng dân tộc, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hóa lớn của đất nước và một con người biết khóc, cười, yêu ghét… như mọi người.
Trong trường ca, có nhiều đoạn thơ, câu thơ tác giả viết rất xúc động. Về quê hương của Đại tướng, tác giả đúc kết được bản chất con người nơi đây: “Anh sinh ra trên đất Quảng Bình/ Đất của ma Hời, Ô châu ác địa…/Nhưng dù có phải đổi bát cơm bằng máu, mồ hôi nước mắt/ Con người ở đây vẫn sống với nhau yêu thương chân thật/ Biết tôn sư trọng đạo, biết nâng niu từng trang sách Thánh hiền/ Dẫu thua ai bát gạo đồng tiền/ Vẫn cố bằng người biết dăm ba chữ…”. Hoặc như đoạn nhận được tin cha mất, Võ Nguyên Giáp đã khóc: “Giữa bốn bề đồng đội, Anh để mặc cho nước mắt rơi/Không che giấu nỗi đau-mà cần chi che giấu”.
Võ Nguyên Giáp là vị tướng có triết lý đánh giặc vô cùng nhân văn: Làm sao thắng lớn nhưng thương vong ít nhất. Đại tướng tiếc từng giọt máu của bộ đội. Trong chiến dịch Thu Đông: “Để có nhiều chiến công to lớn mà đồng đội ít hao tổn máu xương/ Đêm nay người Anh Cả của toàn quân hoàn toàn thức trắng”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đối mặt với đội quân xâm lược tinh nhuệ, Đại tướng “đứng gập mình giữa quầng sáng ánh bạch lạp/ Trước mắt là tấm bản đồ Điện Biên trải kín mặt bàn: Bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm/ “Giải quyết nhanh ư?”… quân chủ lực của ta phải hy sinh hết các sư đoàn…”. Từng chi tiết thực trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng được Hoàng Bình Trọng tái hiện đúng không khí ngổn ngang chiến trận, lại rất đời mà rất hồn.
Nhà văn Hoàng Bình Trọng khởi viết trường ca này từ đầu năm 2007 ở Đồng Hới, khi anh còn làm hợp đồng biên tập viên Tạp chí Nhật Lệ. Một mình cơm niêu nước lọ, cặm cụi viết đêm ngày. Khi không còn làm hợp đồng cho tạp chí nữa, trở về quê nhà ốm đau liên tục, lại không có lương hưu, anh vẫn thức đêm viết. Tháng 8-2009, viết xong bản thảo, anh đạp xe vào Đồng Hới đọc cho bạn văn nghệ nghe. Mọi người thấy trường ca viết chân mộc mà có hồn liền tìm cách giúp đỡ “móc nối” với NXB Kim Đồng. Thế là chỉ 3 tháng sau, tập trường ca được ra mắt độc giả nhỏ tuổi. Trong trường ca, được sự giúp đỡ của TTXVN và gia đình Đại tướng, đã chọn giới thiệu hơn 20 bức ảnh quý, trong đó có nhiều bức ảnh lần đầu tiên được công bố, như: Võ Nguyên Giáp năm 1930; Võ Nguyên Giáp khi còn dạy học ở trường Thăng Long-Hà Nội; Bác Hồ và Võ Nguyên Giáp tháng 9-1945 ở Hà Nội; Võ Nguyên Giáp cưỡi ngựa đi chiến dịch Biên giới năm 1950; Võ Nguyên Giáp mắc võng nghỉ trên đường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước v.v… Đó là những hình ảnh góp phần bổ sung cho tập trường ca thêm sinh động, hấp dẫn và chân thực.
Ngô Minh