Sau khi sang Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc có mặt ở cơ quan chỉ đạo chỉ huy của ta trong các chiến dịch từ Biên Giới đến Điện Biên Phủ. Hầu hết các chiến dịch đều giành thắng lợi, có chiến dịch thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra, như chiến dịch Biên Giới, nhưng cũng có chiến dịch không đạt yêu cầu chiến lược, như ba chiến dịch đầu năm 1951. Riêng chiến dịch Hòa Bình, các cố vấn Trung Quốc không tham gia mà tập trung ở vùng Ba Bể (Bắc Cạn) để chỉnh huấn chính trị. Trong các chiến dịch nói trên, phía Việt Nam, từ Bộ Tổng tư lệnh đến các đại đoàn đều trân trọng nghiên cứu ý kiến của bạn, nhất là những kinh nghiệm về cách đánh công sự vững chắc. Nhưng đồng thời Quân ủy Trung ương và riêng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng luôn căn cứ vào thực tế trình độ tác chiến của bộ đội ta mà vận dụng những ý kiến và kinh nghiệm của bạn cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhằm bảo đảm chắc thắng đồng thời hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất. Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ.

Một dẫn chứng nổi bật là việc chọn hướng tiến công chiến lược mùa khô năm 1951, ngay sau mấy chiến dịch không thành công ở trung du và đồng bằng. Do đánh giá không đúng so sánh lực lượng sau chiến thắng Biên Giới nên ta mở liền ba chiến dịch trên địa hình bằng phẳng (ở Vĩnh Yên, Đường 18 và Hà Nam Ninh) là địa bàn cho phép địch phát huy được tính năng kỹ thuật của máy bay, pháo binh và khả năng cơ động ứng cứu.

Sau kết quả hạn chế của ba chiến dịch nói trên, khó khăn của ta khi bước vào mùa khô năm 1951 là chọn hướng tiến công chiến lược. Lúc này Bộ chỉ huy Pháp đã tập trung quân thành lập các binh đoàn cơ động (GM – groupement mobile) và thành lập vành đai công sự boong-ke bao quanh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong khi quân ta chưa có máy bay lại không có cả vũ khí phòng không, chiến đấu ở trung du và đồng bằng không đủ sức đối phó với máy bay, pháo binh và quân cơ động tăng viện nhanh của địch. Trong khi đó, đoàn cố vấn lại nhận định rằng khó khăn nhất của ta là số lượng bộ đội chủ lực quá ít, không đủ đáp ứng yêu cầu tác chiến chiến lược. Là người trong cuộc, ta thấy rất rõ một thực tế là, với dân số chừng ba chục triệu, với nền kinh tế tiểu nông, đóng góp để nuôi 7 đại đoàn chủ lực và hàng triệu bộ đội địa phương thoát ly sản xuất đã là quá nặng đối với sức dân. Nền kinh tế kháng chiến không cho phép phát triển thêm bộ đội chủ lực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh (bên trái) và hai đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh và La Quý Ba.

Ít ngày sau khi Trưởng đoàn cố vấn trở về Bắc Kinh, ta nhận được thư của bạn khuyên “tốt nhất là nên quay về chiến tranh du kích, tiến hành chiến tranh nhân dân thật rộng rãi để hạn chế chỗ mạnh của địch. Bộ đội Việt Nam cần trang bị thật gọn nhẹ để tăng cường tính cơ động. Đại đoàn công pháo 351 nên chuyển sang Trung Quốc để huấn luyện, khi cần tới sẽ đưa về. Ta không chấp nhận ý kiến đó vì khẳng định chiến tranh du kích có vị trí chiến lược rất quan trọng trong chiến tranh nhân dân nhưng không phải là phương thức tác chiến có thể tiêu diệt được sinh lực địch ở tầm chiến lược để giải quyết chiến tranh.

Trong lúc ta đang suy nghĩ về chọn hướng tiến công chiến lược (trung du - đồng bằng hay rừng núi và cách đánh tập trung phân tán thế nào) thì địch phạm một sai lầm là đem quân thoát ly phòng tuyến boong-ke, tiến công ra chiếm Hòa Bình, một chiến trường rừng núi, một địa hình phù hợp với cách đánh sở trường của bộ đội chủ lực của ta. Tổng quân ủy chủ trương chớp thời cơ, khoét sâu sai lầm của địch, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng Hòa Bình. Bạn không nhất trí, không cử cố vấn đi tham gia chiến dịch. Kết quả là trong chiến dịch Hòa Bình, không những ta giành thắng lợi lớn trên mặt trận phía trước (Hòa Bình, sông Đà, đường số 6) mà còn đưa hai đại đoàn luồn sâu vào vùng sau lưng địch, phát động chiến tranh du kích rộng rãi cả ở trung du và vùng châu thổ sông Hồng, buộc địch phải phân tán đối phó và tổn thất trên cả hai hướng, cuối cùng phải rút chạy khỏi Hòa Bình.

Một ví dụ điển hình là việc chọn cách đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh cũng thừa nhận việc Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chấp nhận cách đánh mạo hiểm, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc tiến chắc là đúng đắn và trên thực tế quyết định đó đã đem lại thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sử gia Pháp George Boudarel đã có lý khi nói rằng tướng Võ Nguyên Giáp “suýt thua” ở Điện Biên Phủ nếu ông chấp nhận cách đánh không phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta khẳng định và đánh giá đúng sự giúp đỡ quý báu của bạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là kinh nghiệm sử dụng và phát huy có hiệu quả hỏa lực pháo binh (24 khẩu lựu pháo 105mm -- của Trung Quốc -- và trung đoàn cao xạ pháo 37mm -- của Liên Xô -- đều lần đầu xuất trận) và kinh nghiệm đào hào vây lấn, xây dựng trận địa, theo kinh nghiệm của Chí nguyện quân Trung Quốc ở Triều Tiên (kinh nghiệm Thượng Cam Lĩnh).

Về viện trợ vật tư quân sự, trong hơn 4 năm, từ năm 1950 đến năm 1954, Việt Nam nhận của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác 21.517 tấn hàng, trị giá 34 triệu rúp-đôla (theo thời giá và cách tính hồi đó), chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 20% tổng số vật tư mà bộ đội chủ lực Việt Nam dùng mỗi năm. Trong số vật tư trên đây, ô-tô vận tải Môlôtôva, pháo cao xạ 37mm, hoả tiễn 6 nòng Kachiusa, tiểu liên K50 là của Liên Xô và các nước Đông Âu; vũ khí bộ binh, lựu pháo 105mm, sơn pháo 75mm, quân trang và lương thực là của Trung Quốc viện trợ.

Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, số gạo Trung Quốc viện trợ là 1.700 tấn, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch. Số đạn lựu pháo 105mm dùng trong chiến dịch là khoảng 20.700 viên, trong đó số đạn do Trung Quốc viện trợ là 3.600 viên, chiếm 17% tổng số đạn lựu pháo tiêu thụ trong chiến dịch. Số còn lại gồm khoảng 11.700 viên đạn pháo chiến lợi phẩm thu trong chiến dịch Biên Giới, 400 viên thu trong chiến dịch Trung Lào, khoảng 5.000 viên đạn pháo chiến lợi phẩm do đoạt dù của địch ném xuống cánh đồng Mường Thanh ngay trong quá trình diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra cần tính cả số 7.400 viên đạn lựu pháo 105mm của Trung Quốc viện trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng đến giữa tháng 5 năm 1954 mới chuyển tới biên giới Việt Trung, khi chiến dịch đã kết thúc.

Rõ ràng là những con số trên đây đã chứng minh phương châm chiến lược của Đảng ta tự lực cánh sinh là chính, viện trợ là quan trọng, cũng như phương châm chiến đấu mang tính truyền thống của bộ đội ta cướp súng giặc giết giặc, vừa đánh giặc vừa tự vũ trang là hoàn toàn đúng đắn. Thực tế mấy năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng như trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này chứng minh sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà trực tiếp là Liên Xô và Trung Quốc cả về kinh nghiệm và về vật tư quân sự là to lớn, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
TRẦN TRỌNG TRUNG
Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (phần 1)