 |
Các đồng chí hộ lý ngày đêm tận tình chăm sóc thương binh ngoài hỏa tuyến Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Nét đặc sắc của đường lối chiến tranh nhân dân (Phần 1)
Nét đặc sắc của đường lối chiến tranh nhân dân (Phần 2)Nhưng khi bước vào chiến đấu, nhất là từ lúc chiến dịch chuyển sang giai đoạn 2, bộ đội đào chiến hào đánh lấn dưới hỏa lực phi pháo ác liệt của địch, việc bảo đảm sinh hoạt tại trận địa gặp nhiều khó khăn. Bếp nấu ăn đặt xa chiến hào của bộ đội, khi mang cơm phải đi theo giao thông hào, gặp nhiều trở ngại và dễ ùn tắc nên bộ đội thường phải ăn cơm nguội, uống nước lạnh. Có đơn vị phải ăn bánh chưng thay cơm. Những hôm trời mưa, chiến hào lầy lội, hầm và công sự chiến đấu ẩm ướt, không bảo đảm vệ sinh, ăn uống thất thường, sinh hoạt kham khổ, chiến đấu căng thẳng, kéo dài làm cho sức khoẻ bộ đội giảm sút. Hậu cần chiến dịch và hậu cần các đơn vị đã tìm nhiều biện pháp khắc phục, cố gắng đưa mức sinh hoạt của bộ đội ở trận địa trở lại bình thường, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh. Nhiều đơn vị đào bếp Hoàng Cầm ở tại trận địa, không để lộ khói lửa, bảo đảm cho bộ đội được ăn nóng, uống nóng. Nhiều hầm chiến đấu có dự trữ gạo, thực phẩm, nước ăn, củi khô, có đơn vị đào giếng nước ngay tại trận địa. Công sự chiến đấu và hầm của bộ đội được tu sửa. Hầm của tiểu đội ba người và tiểu đội xung quanh lát ván gỗ, trần hầm có dù che, bảo đảm cho bộ đội có chỗ ngủ, nghỉ thoải mái, khô ráo. Các hầm, công sự đều có nhà vệ sinh. Giữa các đợt chiến đấu, bộ đội được luân phiên về phía sau tắm giặt. Với sự chi viện của hậu phương và những cố gắng cải thiện điều kiện sinh hoạt ở trận địa, sức khoẻ bộ đội được khôi phục, bảo đảm chiến đấu lâu dài.
Cuộc chiến đấu ác liệt ở mặt trận và trên các tuyến đường ra mặt trận làm cho số thương binh nhiều gấp hai lần so với dự kiến ban đầu. Thời kỳ chuẩn bị chiến đấu ở Lai Châu và Thượng Lào có 1.234 thương binh, đợt 1 nhiều hơn gấp đôi 2.262 người. Đợt 2 ác liệt và dài ngày nhất lên tới 3.478 người và đợt 3 là 1.818 người. Như vậy, trong toàn mặt trận, số thương binh là 9.692 người. Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ là 8.458 người. Ngành Quân y đã huy động lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y) và 4 đội điều trị đại đoàn, trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hỏa tuyến. Đội điều trị 1 tổ chức thành tổ chuyên điều trị thương binh nặng, Đội điều trị 2 chuyên điều trị thương binh nhẹ và Đội điều trị 4 chuyên điều trị bệnh binh. Nhiều giáo viên và sinh viên Trường đại học Y Dược được Chính phủ điều động lên phục vụ mặt trận. Các thầy thuốc nổi tiếng như bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng tham gia chiến dịch, trực tiếp cứu chữa thương binh ở bệnh viện mặt trận.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do số thương binh quá lớn và điều kiện phương tiện thiếu thốn, việc cứu chữa và chăm sóc thương binh vẫn có một số thiếu sót. Ngày 18-4-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng mặt trận gửi thư động viên cán bộ, nhân viên quân y dân công làm hộ lý và cấp dưỡng phục vụ thương binh, bệnh binh. Trong thư có đoạn: “Gửi lời khen ngợi toàn thể các đồng chí và thân ái hỏi thăm toàn thể các đồng chí, nhất là các đồng chí vì tận tụy phục vụ mà bị yếu mệt”. Đại tướng nêu rõ: “Từ nay đến lúc tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Các đồng chí cần tiếp tục nêu cao tinh thần dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ phục vụ cứu chữa anh em thương binh cho chu đáo”.
Cán bộ, nhân viên quân y đã tổ chức học tập, rút kinh nghiệm phát huy các ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, cải tiến công tác điều trị, hộ lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh. Thương bệnh binh phải điều trị dài ngày được chuyển về các bệnh viện hậu phương. Tuyến chuyển thương binh đường dài được tổ chức ngay trong quá trình chiến dịch, 3.460 thương bệnh binh được chuyển về các bệnh viện hậu phương điều trị. Nhưng cho đến khi chiến dịch kết thúc, vẫn còn tới 6.044 thương binh, bệnh binh ở mặt trận. Tổng cục Cung cấp đã thành lập Ban chỉ huy chuyển thương, giao nhiệm vụ có lực lượng vận tải phải ưu tiên chuyển thương binh về hậu phương. Tuyến chuyển thương binh bằng cơ giới tổ chức 9 trạm nghỉ dọc đường. Mỗi xe ô tô là 1 bệnh xá lưu động, 680 thương binh nặng không chuyển được bằng xe ôtô đã được cáng bằng đường bộ, qua 22 trạm nghỉ. Đến ngày 5-6 toàn bộ số thương binh trong chiến dịch đã được đưa về các bệnh viện hậu phương điều trị, được các đơn vị và nhân dân chăm sóc chu đáo.
Quân y chiến dịch còn tổ chức tốt việc cứu chữa cho 1.487 sĩ quan, binh lính địch bị thương. Cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ, đối xử nhân đạo khoan hồng. Một số thầy thuốc, nhân viên quân y của địch bị ta bắt, được sử dụng cứu chữa cho đồng đội bị thương, một thời gian sau, ta đã cho phép phía Pháp dùng máy bay đưa số thương binh này về.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, hệ thống cung cấp vẫn tiếp tục nhiệm vụ, giải quyết hậu quả chiến tranh: Chuyển thương bệnh binh về các bệnh viện hậu phương, tìm thi hài liệt sĩ, thu dọn tẩy uế chiến trường, xử lý chôn xác giặc rải rác khắp nơi, cứu chữa binh lính giặc bị thương bỏ lại, bảo đảm ăn uống và đưa tù binh về trại. Đồng thời, bảo đảm cho bộ đội rút quân và giúp nhân dân khôi phục sản xuất, đời sống. Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân các dân tộc Tây Bắc mặc dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn đã đóng góp rất lớn nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ chỉ huy chiến dịch, lãnh đạo Tổng cục Cung cấp tiền phương và chỉ huy căn cứ cung cấp thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã giao lại toàn bộ số gạo, muối chưa sử dụng hết cho địa phương, đồng thời kết hợp các chuyến xe lên chở thóc giống, gạo, muối, nông cụ và những mặt hàng thiết yếu khác cho nhân dân Tây Bắc.
Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất và là chiến thắng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngành Hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm chiến dịch. Do việc thay đổi phương châm tác chiến, thời gian chuẩn bị và thời gian chiến đấu của bộ đội ta kéo dài, lực lượng tăng dần trong quá trình chiến dịch, hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 và dân công là 33.000 người. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Để có gần 17.000 tấn lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội và dân công, hậu phương huy động từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra hơn 26.000 tấn. Nhân dân các bộ tộc Lào góp 300 tấn. Trung Quốc viện trợ theo đường Ba Nậm Cúm 1.700 tấn.
 |
Đoàn dân công mang ngụy trang, gánh gạo ra tiền tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh tư liệu |
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” cả hậu phương đã đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, làm mọi việc cần thiết để phục vụ cho chiến dịch. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn đã mang cả thóc giống của gia đình ra xay, giã ủng hộ bộ đội. Nhân dân các tỉnh Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 vừa huy động lớn vật chất, vừa hăng hái đi dân công, người mang quang gánh, người mang xe đạp, thuyền nan phục vụ bộ đội đánh giặc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, nhân dân ta đã đóng góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội giết giặc. Trên mặt trận chính ở Điện Biên Phủ, vấn đề là phải cung cấp lương thực, đạn dược cho một binh lực lớn, ở xa hậu phương hàng 500-700km trong một thời gian dài và trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, quân địch không ngừng đánh phá các tuyến cung cấp của ta. Lại còn thời tiết nữa, một trận mưa có thể gây ra trở ngại nhiều hơn một trận bom địch.
Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhu cầu cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu. Chính vì việc cung cấp khó khăn như vậy, cho nên đối phương không thể tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Na-va cũng phải thán phục “Người ta chỉ có thể thừa nhận nỗ lực phi thường của nhân dân phục vụ bộ đội và nghiêng mình trước hiệu quả mà Bộ Chính trị và Chính phủ (Việt Nam) đã biết cách tạo được”.
Đông Xuân 1953-1954, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Hậu cần đã có sự tiến bộ phi thường cả về tư tưởng tổ chức chiến lược cũng như chiến thuật tổ chức bảo đảm hậu cần, xây dựng được cơ sở vững chắc về tổ chức, quan điểm phục vụ và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho các chiến trường, cho cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn. Kinh nghiệm kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần địa phương, hậu cần nhân dân, thông qua tổ chức Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và các cấp, huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là bài học kinh nghiệm vô giá, được đẩy lên tới đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức, bảo đảm hậu cần trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kinh nghiệm phân tuyến bảo đảm giữa hậu phương và hậu cần chiến lược với chiến dịch, giữa hậu cần chiến dịch và chiến đấu, kinh nghiệm bố trí lực lượng hậu cần chiến dịch thành các tuyến từ phía sau ra phía trước trên hướng chủ yếu và tổ chức các tuyến hậu cần trên các hướng khác, bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu đánh địch trên nhiều hướng cũng được vận dụng và phát triển. Ở tuyến chiến thuật, hậu cần bảo đảm cho các hình thức tiến công trận địa, tiếp tế bổ sung cho bộ đội đánh lấn, cải thiện và bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội dưới hầm hào, việc cấp cứu thương binh ở hỏa tuyến, chuyển thương binh về tuyến chiến dịch và hậu phương được thực hiện có kết quả. Nhiều kinh nghiệm chỉ huy, chỉ đạo, bảo đảm hậu cần trong chiến dịch, chiến đấu đã được tổng kết, làm tài liệu học tập cho cán bộ làm công tác hậu cần. Đặc biệt là Học viện Hậu cần nơi đào tạo những cán bộ lãnh đạo, quản lý hậu cần quân đội, góp phần xây dựng ngành Hậu cần quân đội ngày càng trưởng thành, sẵn sàng đáp ứng trong mọi điều kiện, tình huống của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện tại và tương lai.
LÊ MÃ LƯƠNG