LTS:
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của đồng chí Lê Quang Đạo (1999-2009), Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng Hồng Cư về cuốn sách Lê Quang Đạo-Tuyển tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia mới xuất bản tháng 2-2009 gồm những bài nói và viết chọn lọc của đồng chí Lê Quang Đạo trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng của đồng chí trên nhiều lĩnh vực công tác như: Công tác Đảng, Công tác chính trị trong quân đội, Quốc hội, Mặt trận...
*
* *
Tiếp theo những cuốn sách: Trường Chinh tuyển tập, Lê Duẩn tuyển tập, Phạm Văn Đồng tuyển tập và một số tuyển tập khác, vào dịp đầu xuân Kỷ Sửu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã hoàn thành việc sưu tầm, tuyển chọn, trích lược và xuất bản sách Lê Quang Đạo-Tuyển tập.
Tôi và các đồng chí Lê Hai, Đoàn Chương, những người đã có nhiều năm làm việc với anh Lê Quang Đạo, được mời tham gia Hội đồng biên soạn. Chúng tôi phụ trách phần Quân đội. Chúng tôi được chị Nguyệt Tú, vợ anh Lê Quang Đạo và các cơ quan trong quân đội, nhất là Văn phòng Tổng cục Chính trị, Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là Quốc phòng toàn dân), Báo Quân đội nhân dân, giúp sưu tầm các bài nói và viết của anh Đạo trong suốt thời gian 30 năm anh công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhưng anh Đạo không chỉ phục vụ trong quân đội. Anh còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiều thời kỳ, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã phối hợp với các cơ quan hữu quan sưu tầm, tuyển chọn các bài nói và viết của anh Đạo trên các mặt công tác.
Cuốn sách dày 838 trang, bìa trang nhã, in đẹp, khổ 15cmx22cm. Nội dung gồm năm phần, mỗi phần tương ứng với một giai đoạn công tác của anh Đạo.
Người thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng
Phần một cuốn sách với nhan đề trên, gồm những bài nói và viết của Lê Quang Đạo liên quan đến những hoạt động cách mạng của anh từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) cho tới Cách mạng Tháng Tám 1945 và thời kỳ đầu của cuộc Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.
Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8 tháng 8 năm 1921 tại Đình Bảng (Bắc Ninh). Bài viết Đình Bảng một căn cứ cách mạng nói lên niềm tự hào của một người con Bắc Ninh đối với truyền thống vẻ vang của quê hương Kinh Bắc, nhất là đối với làng Đình Bảng có Đền Đô thờ Tám vị vua đời Lý. Đình Bảng cũng là một an toàn khu, một căn cứ cách mạng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 năm 1940. Nguyễn Đức Nguyện lúc đó được chọn để tham gia bảo vệ Hội nghị.
Nguyễn Đức Nguyện có những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian anh học ở trường Thăng Long (Hà Nội). Anh được các thầy giáo yêu nước hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp) vừa dạy học vừa khơi dậy tinh thần yêu nước của học sinh. Nguyễn Đức Nguyện tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ ở trường. Bài Nhớ lại hồi học ở trường Thăng Long là hồi ức về một thời để nhớ.
Tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1941, anh thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng, lấy tên là Lê Quang Đạo. Anh được gặp và làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Cuối năm 1941, Lê Quang Đạo được cử làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; từ năm 1942 đến 1943, là Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Xứ ủy viên Bắc kỳ; từ tháng 5-1943 đến tháng 10-1944, là Xứ ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng thời là biên tập viên các báo Cứu quốc và Cờ giải phóng.
Thời kỳ 1939 đến 1943, phong trào cách mạng ở Hà Nội bị khủng bố liên tiếp. Lê Quang Đạo được cử về củng cố lại phong trào.
Những hoạt động cách mạng của anh trong thời kỳ này được phản ánh trong các bài viết: Cuộc họp phổ biến Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 về thành lập Mặt trận Việt Minh ở làng Dương Húc (Tiên Sơn-Bắc Ninh) năm 1941; Quá trình làm báo với anh Trường Chinh; Bị bắt hụt ở phố Phó Đức Chính mùa hè 1944.
Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Lê Quang Đạo làm chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang và tham gia cướp chính quyền Bắc Giang. Anh đã viết các bài báo Phải kịp thời chấn chỉnh và mở rộng các đội Tự vệ; Việt Minh muốn tiến phải bỏ tính ỷ lại đăng trên báo Cứu quốc trước tháng 8-1945.
Từ tháng 10-1945 đến tháng 6-1946, Lê Quang Đạo là Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong tình hình thù trong giặc ngoài cực kỳ phức tạp. Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai trên miền Bắc, nơi quân Tưởng đóng quân đông và là cửa ngõ nơi hạm đội Pháp tiến vào. Đã xảy ra xung đột giữa quân Tưởng với quân Pháp.
Trong bài viết Tuổi trẻ Hải Phòng trước nguy cơ của thành phố và đất nước sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lê Quang Đạo đã ghi lại kỷ niệm và cảm xúc của anh về đất Cảng thân yêu.
Sau Hải Phòng, Trung ương Đảng điều đồng chí Lê Quang Đạo về làm Bí thư thành ủy Hà Nội và tham gia Đảng ủy Mặt trận Hà Nội trước ngày Kháng chiến toàn quốc. Đêm 20 tháng 1 năm 1947, anh Đạo cùng với anh Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương luồn gầm cầu Long Biên vượt qua vòng vây của quân Pháp vào thăm và động viên Trung đoàn Thủ Đô. Anh đã kể lại trong bài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Sau khi Trung đoàn Thủ Đô hoàn thành nhiệm vụ, được lệnh rút ra ngoài, Lê Quang Đạo vẫn ở lại với Hà Nội. Tháng 11 năm 1947, anh là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó là Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội-Hà Đông. Thời gian hoạt động địch hậu nội thành Hà Nội hồi đầu kháng chiến chống Pháp được phản ánh trong Chỉ thị về đối phó với các cuộc tấn công càn quét của địch và câu chuyện Xuân ấy, bơi vượt sông về giữa lòng dân.
Góp phần xây dựng quân đội về mặt chính trị
Tháng 9 năm 1950, Lê Quang Đạo được điều động vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh tham gia ngay chiến dịch Biên giới, làm Phó chủ nhiệm chính trị Mặt trận. Bài báo: "Bác Hồ dạy tôi bài học đầu tiên làm công tác chính trị trong quân đội" là một kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Lê Quang Đạo và những lời chỉ bảo của Bác là bài học đầu tiên về công tác chính trị trong quân đội, anh ghi nhớ mãi và làm theo lời Bác.
Chúng tôi, những cán bộ tuyên huấn trong quân đội coi Lê Quang Đạo như một người anh cả. Anh là Cục trưởng tuyên huấn đầu tiên và nhiều năm về sau, khi là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh vẫn phụ trách ngành Tuyên huấn quân đội. Các thế hệ cán bộ tuyên huấn quân đội trưởng thành và hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến là nhờ sự dìu dắt của anh Đạo. Đối với anh, chúng tôi có một lòng biết ơn, một sự ngưỡng mộ, và hơn thế nữa, một lòng yêu mến.
Lê Quang Đạo là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc. Anh có tâm và có tài. Làm nghề này là phải như thế. Anh có tính nguyên tắc cao, rất chặt chẽ về đường lối, quan điểm, nhưng tấm lòng anh rộng mở, trái tim anh thật nhân hậu. Nghiêm khắc đấy mà tình nghĩa đấy. Anh sống trung thực, không thành kiến, không áp đặt mà thuyết phục, cuốn hút mọi người bởi trí tuệ và tâm hồn anh. Anh có một lối diễn đạt trong sáng, phản ánh một tư duy khoa học. Anh chú trọng xây để chống. Anh tin con người, hiểu biết con người. Mục đích công việc anh làm không ngoài việc góp phần xây dựng con người của lực lượng vũ trang sao cho phù hợp với bản chất quân đội nhân dân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phù hợp với nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng. Anh đã để lại nhiều bài nói và viết, chúng tôi chỉ chọn lựa 12 bài đưa vào bộ Tuyển tập này.
Anh Đạo còn được Quân ủy Trung ương chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy các Mặt trận vào những thời điểm quyết liệt ở những hướng quan trọng, những chiến trường nóng bỏng. Trong Kháng chiến chống Pháp, đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là Phó chủ nhiệm chính trị Mặt trận, trực tiếp làm Chính ủy Đại đoàn 308. Trong kháng chiến chống Mỹ anh Đạo là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương đồng thời trực tiếp làm chính ủy các mặt trận Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Quảng Trị.
Anh đã viết: "Mấy bài học về công tác chính trị của bộ đội chủ lực trong chiến dịch, chiến đấu", "Bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ"; "Mấy vấn đề về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược", "Nâng cao quyết tâm kiên trì và đẩy mạnh cuộc chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng", "Nhớ mãi chiến dịch Đường 9-Khe Sanh", "Thắng lợi tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Anh đã có bài viết quan trọng về "Công tác tư tưởng và công tác tổ chức"; "Đoàn kết quân dân, nguồn sức mạnh của quân đội ta".
Tích cực thúc đẩy công cuộc Đổi mới
Năm 1978, anh Lê Quang Đạo rời khỏi quân đội. Năm 1982 là Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.
Vào thập niên 1980, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội rất nghiêm trọng. Anh Đạo và Ban Khoa giáo Trung ương đã mời các nhà khoa học, các trí thức có tâm huyết đến Ban Khoa giáo để tham khảo ý kiến. Anh chân thành nói rõ yêu cầu của Đảng, mong mọi người thực sự tự do tư tưởng, giải phóng tư tưởng, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, thẳng thắn đề xuất với Trung ương Đảng những ý kiến, những đề nghị, những phương sách để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Ban Khoa giáo chủ trương đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, tư duy lý luận, phân tích rõ nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức. Anh Đạo đã trực tiếp báo cáo với Tổng bí thư Trường Chinh. Nhiều ý kiến của Ban Khoa giáo được thể hiện trong Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước được Đại hội Đảng lần thứ VI thông qua tháng 12 năm 1986.
Trong việc tích cực đóng góp thúc đẩy công cuộc Đổi mới, anh Đạo đã nhiều lần trực tiếp trình bày hoặc viết thư góp ý kiến với Tổng bí thư và Bộ Chính trị. Trong tuyển tập chọn lọc 17 bài, tiêu biểu như các bài: Ý kiến đối với dự thảo báo cáo một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay;Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; Thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tham gia đổi mới hoạt động của Quốc hội
Tháng 6 năm 1987, tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII, anh Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam. Trên cương vị mới, anh Đạo đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp 1992 phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới. Trong việc xây dựng pháp luật, Quốc hội khóa VIII và Hội đồng Nhà nước đã thông qua 20 luật và 30 pháp lệnh. Anh Đạo đã góp phần tích cực trong việc đổi mới hoạt động của Quốc hội thực hiện các chức năng đại diện cho dân quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Việc thảo luận dân chủ, chất vấn các thành viên Chính phủ đã phát huy trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Trong tuyển tập này, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia đã giới thiệu 34 bài nói và viết của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, có những cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí, những lời phát biểu tại các cuộc họp các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, những lời khai mạc và bế mạc các kỳ họp Quốc hội, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VIII, góp ý kiến vào các dự án luật; giải thích những thay đổi cơ bản và toàn diện của Hiến pháp 1992.
Kế thừa và phát huy sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ III tháng 11 năm 1988 đã bầu anh Lê Quang Đạo vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1993, anh Đạo thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, chuyên trách công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng ủy, ủy viên Đoàn Chủ tịch. Tháng 8 năm 1994, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV bầu Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cống hiến của anh Đạo trong giai đoạn này được ghi nhận ở 3 việc quan trọng sau đây:
Một là, tham mưu cho Đảng ra Nghị quyết 07 ngày 17-11-1993 của Bộ chính trị Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới nêu bật quan điểm: Đảng vừa lãnh đạo Mặt trận vừa là thành viên của Mặt trận, phát huy vai trò của Mặt trận thực chất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nghị quyết này đã tạo điều kiện cho việc tập hợp lực lượng toàn dân trong công cuộc Đổi mới, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài.
Hai là, xây dựng Luật Mặt trận. Luật này được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 3 tháng 5 năm 1995.
Ba là, Mặt trận tổ chức cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", tăng cường công tác Mặt trận hướng về cơ sở. Nhiều khu dân cư trong cả nước hiện nay đã trở thành "Khu dân cư văn hóa".
Anh Lê Quang Đạo đang chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ V thì lâm bệnh. Tại bệnh viện, anh vẫn tiếp tục suy nghĩ về nội dung báo cáo, về nhân sự, và tổ chức Đại hội. Nhưng trái tim anh đã ngừng đập lúc 14 giờ 25 phút ngày 24 tháng 7 năm 1999, trước khi Đại hội V của Mặt trận khai mạc ít ngày.
Phần V của Tuyển tập là phần tuyển chọn và giới thiệu nhiều văn kiện nhất của anh Đạo (43 bài nói và viết), cũng là những lời tâm huyết và trí tuệ, sáng tạo của một chiến sĩ cách mạng chân chính, thiết tha yêu nước, yêu dân, tin yêu gắn bó với Đảng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng.
Trung tướng HỒNG CƯ