QĐND - Hôm qua, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Từ mờ sáng, nhiều người dân, đủ mọi thành phần, lứa tuổi... từ khắp các ngả đường hướng về Hà Nội, hướng về nhà tang lễ. Họ muốn nhanh chân hơn để đến gần thêm nữa bên Đại tướng vì ít giờ nữa thôi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiễn biệt Đại tướng về với cát trắng Quảng Bình, miền Trung quê Mẹ. Lần tiễn đưa này chẳng giống với những lần tiễn đưa Đại tướng lên đường đi chiến dịch năm xưa. Một đại công thần khai quốc đã ra đi. Một vĩ nhân đã về thế giới vĩnh hằng. Bác Giáp-Anh Cả-Anh Văn không còn nữa.

Trên đường phố, nhiều đoàn người cúi đầu lặng lẽ, thoáng chốc lại òa lên tiếng khóc nghẹn ngào : “Bác ơi, Bác về với Bác Hồ để phù hộ cho dân, cho nước… Bác ơi… Bác ơi…”. Hai hàng cổ thụ bên những con phố cổ Hà Nội nghìn năm lặng phắc trang nghiêm như hai hàng tiêu binh danh dự đón người con ưu tú của đất nước, dân tộc vào lòng Tổ quốc. Những cây hoa sữa như những cây hương trời khổng lồ tích tụ hương thơm đợi ngày đón Người về đã bao lâu, mà nay đồng loạt nhả hương đặc quánh một trời tang lễ!

VÕ NGUYÊN GIÁP- ĐẠI TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN

Trong dòng người tụ về Hà Nội hôm qua có đủ các thành phần, lứa tuổi, vùng miền của Tổ quốc. Các em nhỏ được cha mẹ mang theo chắc chưa hiểu được hết đau thương trong lòng người lớn, nhưng chúng có giác quan nhạy cảm phán xét chuyện bất thường, cứ giương to cặp mắt nghiêm trang. Các cụ già tóc mây da mồi tưởng như cuộc đời đã qua quá nhiều nếm trải, nước mắt hóa thạch lặn vào trong, vậy mà họ lại khóc òa nức nở như trẻ nhỏ.

Đứng bên hàng rào bảo vệ trên đường Trần Thánh Tông từ lúc nào không rõ, 6 giờ sáng hôm qua tôi gặp cụ Bùi Hoan, 85 tuổi, nhà ở 107A, khu tập thể 51 Cầu Hội (Lò Đúc, Hà Nội) đã ở đó im phắc như một pho tượng. Cụ Hoan trước đây làm ngành giáo dục, không được vinh dự có mặt trong hàng ngũ những chiến binh của Đại tướng để thể chí trai thề sống mái với quân thù, giành lại giang sơn yêu dấu, vậy nhưng tình cảm của cụ đối với Đại tướng tự nhiên như khí trời, lớn dậy trong tim cụ từ lúc nào không hay. Hôm nay lễ viếng Đại tướng, cụ nghẹn ngào, bỗng đâu nước mắt cứ trào ra. Những giọt nước mắt nóng bỏng ứa ra từ khóe mắt người già, rồi cứ thế ướt nhòa gương mặt. Cụ bảo: “Tôi yêu kính Đại tướng vì đây là vị tướng của nhân dân. Đại tướng vâng lệnh Bác Hồ và Trung ương Đảng, cầm quân mưu lược đánh đuổi ba đế quốc hung bạo nhất thời đại cho chúng tôi được làm người. Ơn nghĩa ấy đời này, kiếp này không trả hết. Đại tướng lại mẫu mực làm theo Bác Hồ, cả đời dĩ công vi thượng, thương dân thương nước cho đến lúc chết. Vì vậy tôi là dân thường, tôi cũng kính yêu Đại tướng. Ai cũng yêu kính Người. Tình dân mênh mông lắm anh ơi… hu hu… hu…”. Cụ khóc và chúng tôi cũng khóc, già trẻ nắm tay nhau không nói thêm được câu gì.

Chị Lê Thị Kim Loan đọc thơ viếng Đại tướng tại Vườn hoa Pastuer (Hà Nội), sáng 12-10.

Hai cụ Nguyễn Văn Cần và Nguyễn Bá Đệ theo dõi Lễ viếng Đại tướng qua màn hình tại Vườn hoa Pastuer.

Nhân dân Thủ đô tiếc thương Đại tướng, theo dõi lễ viếng qua màn hình.

Không giống cụ Hoan, xếp hàng từ 12 giờ đến 18 giờ, ông Nguyễn Công Vân (Định Công-Hà Nội) mới thỏa nguyện ước được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Vân nguyên là thầy giáo dạy Vật lý ở Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội). Tôi ấn tượng bởi ông Vân đeo ảnh Đại tướng trước ngực. Ông Vân phân trần: “Chuẩn bị đi viếng Đại tướng, tôi cuống quá, không nghĩ được gì. Mấy ông hàng xóm cứ giục. Lúc qua bưu điện Tràng Tiền, tôi mua tờ báo có in ảnh Đại tướng, dán lên ngực, để bày tỏ tình cảm của mình với tướng quân”. Đúng là Đại tướng của lòng dân, nên dân yêu kính ông theo những cách của mình.

Vị Đại tướng của lòng dân-Võ Nguyên Giáp-còn làm động lòng cả giới tu hành. Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: Thế kỷ 20 dân tộc Việt Nam làm nên những điều kì diệu. Đó là công lao của cả dân tộc, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cầm cờ, người phất cờ để nhân dân tiến, lui thích hợp làm nên thắng lợi. Có độc lập tự do, cơm no áo ấm, tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, ấy là một phần lớn công lao của Đại tướng. Khi Đại tướng lâm bệnh, không ai bảo ai, nhiều chùa chiền đã tổ chức cầu thọ cho Người. Tăng ni, phật tử yêu kính Người chỉ sau Bác Hồ. Người mất đi là một mất mát của toàn dân. Tôi khuyên tăng ni, phật tử không nên khóc nhiều mà hãy làm nhiều việc tốt cho đời, đó là cách yêu kính Người có nghĩa nhất.

VÕ NGUYÊN GIÁP - TẤM CĂN CƯỚC VĂN HÓA

6 giờ 10 phút, cổng nhà tang lễ mở rộng. Thanh niên tình nguyện đứng hai hàng dài nghiêm trang như hai hàng quân chuẩn bị nhận lệnh của Đại tướng vượt Trường Sơn năm nào. Với họ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng, là người ông hiền từ, là niềm kiêu hãnh trong hành trang hội nhập vào thế giới văn minh. Tâm sự ấy của sinh viên Bùi Đình Lâm K52, Trường Đại học Giao thông Vận tải làm tôi nhớ lại Festival 15-Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 15 tại An-giê-ri, tôi may mắn được tham dự. Festival ấy có hơn 100 đoàn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, có đoàn đông đến mấy trăm người, nhiều điều đặc biệt. Đoàn Việt Nam chỉ hơn trăm con người bé nhỏ, có phần nhút nhát, nhưng đi đến đâu cũng được tung hô như tâm điểm của liên hoan. Họ hô những gì? Không biết các đoàn, các quốc gia (nhất là châu Phi) có một sự chuẩn bị và thống nhất trước không mà chúng tôi đi đến đâu họ cũng rầm rập hô vang: “Việt Nam- Hồ Chí Minh- Võ Nguyên Giáp”. Lại có khi họ hô theo nhịp bước, điệu nhảy là: “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Giáp. Giáp. Giáp…”. Những tiếng hô ấy diễn ra ở mọi nơi, ngay cả trong những khu chợ nghèo ở thủ đô An-giê. Tôi nhớ mãi cách nói của một nhà sử học: “Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là tấm thẻ căn cước-tấm giấy thông hành cho chúng ta ra thế giới”. Điều hình dung ấy quả là sâu sắc và rất đúng với Việt Nam trong thế kỷ 20, và đúng cả trong hiện tại. Biết được điều ấy, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc nhở tuổi trẻ: Thế hệ cha anh trong thế kỷ 20 đã làm nên sự thật lịch sử dân tộc đẹp như huyền thoại. Thế hệ trẻ hãy làm sao biến ước mơ, huyền thoại thành sự thật lịch sử trong thế kỷ 21, để Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.

HỌ VẪN LẮNG NGHE, CHỜ LỆNH ANH VĂN

Không giống như thường lệ, sân Nhà tang lễ Quốc gia hôm qua đông đúc từ rất sớm. Những lớp mái nhà tang lễ như những tầng mây vô hình đè nặng tâm can. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh sĩ quan quân đội có mặt gần như đông đủ. Giữa một khoảng sân nhà tang lễ mênh mông và giữa một sự trống trải lòng người mênh mông, ai ai cũng trở nên bình dị, khiêm nhường biết chừng nào. Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Trà; Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thanh Ngân; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu… cùng rất nhiều các vị tướng lĩnh dày dạn trận mạc, dưới cờ chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bàn chân nhỏ bé mà gan góc của họ từng giẫm nát bao chiến trường, đọ trí đọ sức với quân thù gần trọn cả thời trai trẻ, giáng sấm sét xuống đầu quân giặc, họ là những con người gang thép. Nhưng hôm nay, trước anh linh Đại tướng-Anh Văn-người Anh Cả, họ nghẹn ngào, họ lại đứng xếp hàng, nghiêm trang, tề chỉnh tựa như năm nào trong những cánh rừng, họ đứng trong hàng quân lắng nghe, đợi lệnh của Anh Văn. Trung tướng Phạm Hồng Cư cùng phu nhân đến từ rất sớm. Mắt vị tướng già long lanh ngân ngấn nước. “Bạn hỏi tâm trạng ư-Trung tướng trả lời-đứt ruột đứt gan”, rồi Trung tướng xua xua tay, cúi mặt giấu đi những giọt nước mắt.

Nhiều vị tướng già đến đây, nhiều thương binh, bệnh binh đến đây, họ không yếu mềm đâu, nhưng họ không thể nào không khóc. Có cựu chiến binh vòng qua, vòng lại xếp hàng viếng Đại tướng ở tư dinh 30 Hoàng Diệu đến 4, 5 lần. Hỏi vì sao, cụ trả lời: Viếng thay đồng đội, khóc thay đồng đội đã ngã xuống trên khắp các chiến trường! Ôi cụ ơi, sinh thời Đại tướng hay nhắc nhở các cụ cựu chiến binh là phải biết giữ gìn sức khỏe. Qua dâu bể đạn bom, bây giờ gặp được nhau đây là tốt lắm rồi, thế nên phải giữ gìn sức khỏe cho con cháu làm chỗ dựa. Nhưng có cụ vẫn vùng khỏi tay đồng đội ngửa mặt lên cao xanh: “Anh Văn! Anh Văn ơi! Nếu có thế giới bên kia thì khi chết chúng tôi lại nguyện chiến đấu dưới cờ của anh”.

VÕ NGUYÊN GIÁP- CẨM NANG VƯỢT KHÓ

Trong Lễ viếng Đại tướng, tôi gặp doanh nhân Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm. Là người “chiến sĩ thời bình trên mặt trận kinh tế” (lời Đại tướng tặng Võ Quốc Thắng), Võ Quốc Thắng luôn coi Đại tướng là thần tượng. Anh nói: “Tôi đau đớn khi bất ngờ nghe tin Đại tướng từ trần. Tôi coi Đại tướng là thần tượng. Phòng làm việc của tôi lâu nay đều treo ảnh Đại tướng. Tôi không chỉ treo để ngắm nhìn thôi đâu, tôi luôn lấy Đại tướng là tấm gương học tập, nhất là những lúc khó khăn. Anh biết đấy, thương trường nhiều bất trắc, nhiều lúc khó khăn không ai chia sẻ nổi. Những lúc ấy chỉ có mình tự quyết, nếu buông tay là hỏng hết cả, nếu quyết sai có thể phá sản, có thể lâm vào khó khăn mới… những lúc khó khăn nhất, tôi ngước nhìn lên Võ Nguyên Giáp. Đại tướng là một biểu tượng sáng tạo, vượt qua khó khăn, tự quyết, dám chịu trách nhiệm. Tôi không thông thái về lịch sử, nhưng cũng biết rõ quyết định chuyển phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” và giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ của Đại tướng là cực kỳ hệ trọng với lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ 20. Thử hỏi, đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu tốn cả 4, 5 sư đoàn chủ lực (vốn liếng của cách mạng lúc ấy chỉ có thế) mà không giành thắng lợi thì dân tộc sẽ ra sao? Khi ra trận, Bác Hồ đã trao toàn quyền cho Đại tướng với lời dặn: “Tướng quân tại ngoại”, Bác lại dặn: “Trận này rất quan trọng. Chắc thắng mới đánh”. Như vậy, chìa khóa vào Điện Biên nằm trong tay Đại tướng. Thế thì phẩm chất sáng tạo, năng lực tự quyết, dám chịu trách nhiệm của Đại tướng là mẫu mực, là kinh điển, không chỉ riêng cho lĩnh vực quân sự. Tôi treo ảnh Đại tướng trong phòng, mỗi khi khó khăn ngẩng đầu lên nghĩ về Đại tướng, như nghĩ về một cẩm nang thần kỳ giúp mình vượt qua khó khăn.

Nổi bật trong sân nhà tang lễ là một phụ nữ mặc trang phục của người Dao đỏ, đó là bà Triệu Mùi Nái, quê Quản Bạ, Hà Giang, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Bà Triệu Mùi Nái nói: “Tôi cũng như tất cả mọi người dân Việt Nam tiếc thương Đại tướng vì đây là người tài đức, văn võ song toàn, có công lao lớn với dân tộc, sống cuộc đời giản dị thanh cao. Người đồng bào Dao quê tôi cũng đang bái vọng Đại tướng. Họ nói rằng, nếu như có một thế giới tâm linh thì chắc chắn khi về thế giới ấy Đại tướng sẽ lại tập hợp binh lính làm thần hộ quốc, trấn an bờ cõi để Việt Nam mình muôn đời thanh bình, không có chiến tranh…”. Vẫn biết điều ước của đồng bào Dao quê chị Nái là điều gì đó xa mờ lắm, nhưng tôi và chị cùng đồng cảm với đồng bào vì đều kính yêu Đại tướng, đều mong muốn những điều tốt đẹp cho Tổ quốc. Chị Nái nói, mai kia về chị sẽ nói với đồng bào nhiều chuyện về tinh thần vượt mọi khó khăn của Đại tướng để đồng bào tích cực, chủ động và sáng tạo tổ chức cuộc sống, xây dựng quê hương giàu đẹp. Nếu làm gì cũng đảm bảo chắc thắng, linh hoạt sáng tạo thì chắc đồng bào không nghèo đói đâu.

 “ÔNG TIÊN” CỨ HIỆN VỀ

Ngày hôm qua, dự liệu (và đã đáp ứng) được nhu cầu của đông đảo nhân dân, tại vườn hoa Pasteur gần Nhà tang lễ Quốc gia đã được lắp đặt một màn hình rộng truyền hình trực tiếp lễ viếng Đại tướng. Rất nhiều các tầng lớp nhân dân tề tựu về đây. Trong số đông ấy, có một phụ nữ nhỏ bé trong bộ tiểu lễ phục kiểu cũ của quân đội, nước mắt tràn gương mặt khắc khổ. Đó là chị Lê Thị Kim Loan, 56 tuổi, quê ở Hòa Chanh, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội, chị đã làm nhiều người động lòng. Theo chị kể, cả hai bố mẹ đều là chiến binh của Đại tướng. Bố chị là cảm tử quân của Trung đoàn Thủ Đô, mẹ chị là dân công gánh gạo Điện Biên Phủ. Từ nhỏ, trong các bữa cơm, trong những đêm trăng sáng, bố mẹ kể chuyện kháng chiến như cổ tích, và Đại tướng hiện lên như một ông tiên. Nghe tin Đại tướng mất, chị làm liền 3 bài thơ khóc thương mấy ngày qua húp mí. Khóc thương Đại tướng cũng đồng nghĩa là thương nhớ cha mẹ, đội ơn họ đã cho chị cuộc đời, lại cho tất cả người dân một tài sản chung lớn hơn nhiều, đó là giang sơn non nước Việt. Thế nên người phụ nữ khắc khổ ấy đã trở thành “nhà thơ”. Chị ôm ảnh Đại tướng và thơ của mình, cứ thế đứng giữa vườn hoa mà đọc, mà khóc cho lòng nhẹ nhõm.

Bố mẹ tôi cũng là những chiến binh dưới cờ Đại tướng, nên tôi hiểu lòng chị, thương chị. Chị ơi, nước mắt chúng ta là nước mắt rơi chung. Cha mẹ chúng ta và Đại tướng ở trên trời linh thiêng sẽ thấu tỏ mọi điều, phù hộ cho chúng ta vượt qua tất cả khó khăn, miễn rằng chúng ta đừng quên quá khứ và dạy bảo con cháu chúng ta đời nối đời đừng quên quá khứ. Tôi khuyên chị, thôi hãy về đi, thành tâm cốt ở tấm lòng. Nước mắt rơi nhiều làm đau lòng người đã khuất.

Chị Loan đã làm những người bên vườn hoa Pasteur xúc động, nhiều người đi lại bồn chồn. Nhưng ở ghế đá bên cạnh, hai cụ Nguyễn Văn Cần, 72 tuổi, nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội, và cụ Nguyễn Bá Đệ, 71 tuổi, nhà ở Đông Lĩnh, Đông Hưng, Thái Bình râu tóc phất phơ như cước lại ngồi lặng phắc dõi mắt lên màn hình. Cụ Cần thì nhà ở gần không đáng ngại, nhưng cụ Đệ thì quả là vất vả. Cụ bảo: Đến đây từ 4 giờ sáng. Gần đây không anh em thân thích. Tối ngủ trọ. Truy điệu Đại tướng xong mới về. Tôi hỏi được biết cụ nguyên là bộ đội Đoàn 559, sau về Cục Quản lý xe máy, Đại tướng là chỗ dựa tinh thần, nên bằng mọi giá phải đến chào vĩnh biệt Người.

VÕ NGUYÊN GIÁP- THẦN TƯỢNG CỦA TUỔI TRẺ

Vừa ra khỏi nhà tang lễ, Nguyễn Văn Trường (Nguyễn Biểu-Hà Nội) đã điện thoại khoe rối rít với mẹ: “Con vào viếng Đại tướng rồi”. Đứng gần, một đồng chí công an nhắc: “Nói nhỏ thôi anh”. “Xin lỗi đồng chí… Mẹ à, mọi người chỉ được đứng gần quan tài của Đại tướng thôi. Thế là tốt rồi mẹ à. Mẹ hỏi con đói không à? Đói. Giờ con thấy rất đói”. Hỏi chuyện được biết anh Trường đang công tác ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Anh Trường tâm sự: “Mấy hôm trước tôi đã cùng gia đình xếp hàng vào viếng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu rồi. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa cảm thấy toại nguyện, vẫn còn có gì đó gợn trong tâm, thôi thúc tôi phải quyết tâm cúi lạy trước thi hài Đại tướng. Đêm nay, tôi có thể ngủ ngon giấc”.

Đại tướng không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho những người từng trải qua chiến tranh, mà cho cả thế hệ trẻ hôm nay. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói với tôi: "Đại tướng mất đi, niềm thương tiếc là không tả xiết. Tuổi trẻ chúng tôi đã có và sẽ có tiếp nữa những việc làm thiết thực học tập và làm theo Đại tướng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới".

Những vĩ nhân khi nằm xuống người ta hay lấy tình cảm, ý chí quyết tâm phấn đấu noi theo của tuổi trẻ làm thước đo mức độ ảnh hưởng. Với Võ Nguyên Giáp, điều ấy thật đặc biệt, tuổi trẻ biết đến và yêu kính Đại tướng, nguyện coi ông làm thần tượng, phấn đấu noi theo một cách tự giác, rộng rãi, sâu sắc. Như thế có nghĩa là cuộc sống Võ Nguyên Giáp còn được kéo dài vô tận, cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam ta. Cách đây nhiều năm, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã tặng Đại tướng câu đối: "Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm". Hôm qua, trong Lễ viếng Đại tướng, Giáo sư Vũ Khiêu lại tặng Đại tướng câu đối nữa: "Gương rọi đất trời, rực sáng ngàn thu nhân lại trí/ Lệ tràn sông núi, khóc thương hai Bác Võ như Hồ". Quả là câu đối của GS Vũ Khiêu đã khái quát tầm vóc và khẳng định sự sống mãi của Đại tướng trong lòng dân tộc.

Hôm nay, cả dân tộc kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng, đau thương tang tóc nhưng không hề bi lụy u hoài. Tôi thấy như tất cả dân ta từ Bắc chí Nam, từ già đến trẻ đang siết chặt tay nhau, sống thiện hơn, có ích hơn, nhân văn hơn từ việc phấn đấu noi gương Đại tướng cho đến những ổ bánh mì, những bãi gửi xe, những bình nước… miễn phí hào hiệp tự nguyện trong Lễ tang Đại tướng.

Đêm đã lên đèn, dòng người như con rồng uốn lượn, trầm ngâm dịch chuyển từng chút, từng chút chờ đến lượt vào viếng Đại tướng. Đâu đó lại có tiếng khóc thút thít trong hàng. Đêm Hà Nội, từng dòng người vẫn gắng đến nhà tang lễ, mong tìm thấy cơ may được viếng Đại tướng vào phút chót.

Ngước nhìn lá cờ rủ trên phố, mắt chạm phải dải băng đen, lại thấy đau nhói trong lòng./.

Bài và ảnh: XUÂN BỘ và HÙNG-TUẤN

 

Tin, bài liên quan:

Đông đảo các tầng lớp nhân nhân đến Nhà tang lễ Quốc gia viếng Đại tướng

Các đơn vị tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Thế giới gửi lời chia buồn tới lãnh đạo nước ta

Việt Bắc tri ân Đại tướng
Ấn tượng của một người ''bình thường'' 
Viếng Đại tướng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một ngôi sao văn hóa
Những giọt nước mắt lặng lẽ
Vị tướng lỗi lạc nhưng hết sức dung dị
Đại tướng căn dặn chúng tôi về mở đường…
LÒNG THÀNH KÍNH TRỌN VẸN
Nụ cười Đại tướng
Niềm tôn kính cùng lời thề giữ biển
Được Đại tướng ''truyền lửa''
Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của hòa bình 
Cỗ linh xa, xe ô tô và các thiết bị cần thiết khác đã đến Quảng Bình

Khẩn trương chuẩn bị Lễ an táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người “chép sử” Đại tướng bằng ảnh
BCHQS tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch hoạt động phục vụ Lễ viếng và Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lữ đoàn 82: Luôn “rèn cán, chỉnh quân” theo lời Đại tướng
Tưởng nhớ và tri ân Đại tướng, quân và dân Tây Bắc quyết tâm xây dựng LLVT Quân khu 2 vững mạnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vĩ nhân của thời đại
Biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của quân đội ta 
Tấm lòng cựu chiến binh các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Phóng viên Mỹ: Tướng Giáp là một người kiệt xuất 

Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng 
Đại tướng đã truyền lại tinh thần và sức mạnh 
Bộ đội Hải quân noi gương Đại tướng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 
Đoàn kết cán binh là bài học lớn từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà riêng của Đại tướng mở cửa thông trưa đón nhân dân 
Bữa tiệc trưa giữa hai vị Tướng từng là đối thủ 
Chuẩn bị vị trí an táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Anh hùng Đặc công Hải quân khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng 
Những quyết định vô cùng quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giáo dục 
Đảng Cộng sản Pháp tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris
Bài học quân sự từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hà Nội: Lựa chọn tuyến đường mang tên Võ Nguyên Giáp 
Ba lần gặp Đại tướng 
Thế giới gửi lời chia buồn tới lãnh đạo nước ta trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
CHIẾN BINH CỦA ĐẠI TƯỚNG 
Anh Văn - đại anh hùng dân tộc, người anh lớn trong suốt cuộc đời tôi!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với... chiến dịch ba ngày 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Lực lượng Công an nhân dân 
Vị tướng nghĩa tình, nhân văn 
Thế giới ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Bệnh viện 103 quyết tâm học và làm theo Đại tướng
Người dân Lệ Thủy tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Vị tướng chiến đấu vì hòa bình, danh tướng có học thức uyên bác 
Người TP Điện Biên Phủ hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Quân và dân Trường Sa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Quân ủy Trung ương họp triển khai kế hoạch chuẩn bị tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Tiếp nối những dòng người Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xem clip) 
CCB tỉnh Điện Biên và giáo viên, học sinh tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người “truyền lửa” cho sự nghiệp giáo dục 
Tiếc thương Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 càng vững tay súngĐại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế 
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế
Nhà sử học người Mỹ: “Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất” 
Đại tướng gặp nhân dân, nhân dân gặp Đại tướng
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông báo lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Những hình ảnh xúc động về vị “Đại tướng của nhân dân”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - một đời người
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam
Nguyên Giáp – Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 
Vị tướng của hòa bình 
Chúng tôi chăm sóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng trách nhiệm và tình cảm kính trọng thiêng liêng nhất 
Nhà chính trị đi trước nhà quân sự 
Anh Văn vẫn sống mãi trong lòng chúng ta" 
Đồng bào Điện Biên nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Chuyện của một bác sĩ bốn lần được gặp Đại tướng
Những giọt nước mắt tiếc thương Đại tướng (xem clip) 
Tầm vóc của con người làm nên lịch sử 
Dòng người dài về Thủ đô tri ân Đại tướng (xem clip) 
Nghẹn ngào khi nghe tin Đại tướng từ trần 
Cựu Đại sứ Pháp hồi tưởng về kỷ niệm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Tình yêu nước đã tạo nên một Đại tướng huyền thoại
TRONG KHOẢNG LẶNG CỦA MUÔN DÂN 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự
Anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất trong thời đại Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà sử học làm nên lịch sử
Kỳ II: Vị Tổng Tư lệnh giản dị nhưng vô cùng uyên bác
Một huyền thoại lịch sử
Đại tướng trong trái tim nhân dân 
Nhớ một lần được chụp ảnh với Đại tướng
1.559 ngày chăm sóc sức khỏe Đại tướng
Hai lần nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đồng bào Điện Biên nhớ về Đại tướng
Người dân Cần Thơ thương tiếc Đại tướng
Quê hương Lệ Thủy hướng về Đại tướng
Chủ tịch Raul Castro: Nhân dân Cuba sẽ giữ mãi hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp