QĐND Online - Tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng từ năm 17 tuổi, bị bắt, vào tù, lại vượt ngục ra hoạt động, sẵn sàng gánh vác những công việc khó khăn nhất, ở những trận địa gian khổ nhất và ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Trong 8 năm, từ khi là một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giam ba lần, bị tù đày tra tấn dã man ở nhiều nhà lao nhưng đồng chí không bao giờ chịu khuất phục, trước sau vẫn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung. Vượt lên trên đau đớn, gian khổ, đồng chí còn tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù thành trường học cách mạng và tìm cách vượt ngục để tiếp tục hoạt động, khơi dậy phong trào. Suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng một dạ phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cộng sản, “nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước”, đồng chí sống đúng như mình đã nói: “Đời người cộng sản có gì vui hơn, quý giá hơn, cao cả hơn là phấn đấu làm cho lý tưởng của mình được thực hiện! Sống, còn lúc nào sống thì quyết tâm phụng sự chủ nghĩa, dốc lòng phục vụ Đảng, có chết đi cũng vui lòng vì đã đem cả cuộc đời mình hiến dâng cho đất nước, cho Đảng”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ buổi ban đầu cho đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội, lúc nào đồng chí cũng xông xáo, thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, gắn bó, lăn lộn với phong trào để liên tục tạo ra những bước phát triển mới, đúng như nhận xét của Bác Hồ: “Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết”. Đồng chí là hình tượng cao đẹp về người cộng sản Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần kiên quyết tấn công: “Rẽ sóng ra khơi”, “quyết chí lập công”, “ở đâu nghèo đói gọi, xung phong; ở đâu tiền tuyến kêu, anh đến!”. Đồng chí xứng đáng là hiện thân của khí phách Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh tư liệu

Từ khi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Đồng chí đã luôn đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, bảo vệ hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí đã ngày đêm suy nghĩ, trăn trở với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ mục tiêu chiến đấu: Độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ: Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử, động lực và sức mạnh của cách mạng là toàn dân, trong đó công - nông là lực lượng cơ bản. Thực hiện tư tưởng đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn chăm lo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Đồng chí đã từng hoạt động cách mạng khắp ba miền Trung - Nam - Bắc, cả trong quân đội và ngoài quân đội; dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn ra sức tăng cường đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân dân, củng cố khối liên minh công - nông - trí thức, mạnh dạn đề bạt cán bộ công - nông, cán bộ các dân tộc ít người, các địa phương, đồng thời coi trọng trí thức cách mạng.

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện; mục tiêu của cách mạng là mục tiêu chiến đấu của quân đội; lực lượng của cách mạng là nguồn gốc sức mạnh của quân đội và sức mạnh của chiến tranh cách mạng; quân đội vừa là lực lượng chính trị, vừa là lực lượng vũ trang chiến đấu. Tùy từng thời kỳ mà hoạt động của quân đội theo phương châm: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “quân sự phải phục tùng chính trị”, nhưng dù ở bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào thì “chính trị trong quân sự phải thể hiện ở đánh giặc”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Tổng Quân ủy quán triệt và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, phát động chiến tranh nhân dân, sáng tạo nghệ thuật quân sự cách mạng. Đồng chí đã cụ thể hóa những nguyên tắc xây dựng quân đội nhân dân, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, kịp thời xác định đúng thái độ chính trị của cán bộ và chiến sĩ theo quan điểm của Đảng trước mọi chuyển biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Đồng chí không chỉ là người giỏi về lý luận, có tầm nhìn xa về chiến lược, có tư duy quân sự năng động, sáng tạo mà còn là một nhà tổ chức thực tiễn xuất sắc; luôn lấy thực tiễn chiến trường để thúc đẩy phát triển nghệ thuật quân sự, sáng tạo cách đánh “không công thức cứng đờ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt vấn đề xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, coi đó là động lực để thực hiện mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Bác Hồ khẳng định: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Thực hiện lời dạy của Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhanh nhạy đề cập nhiều đến sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo đồng chí, con người mới là con người nhận thức đúng quy luật phát triển tất yếu của lịch sử và do đó, họ luôn luôn ủng hộ những nhân tố mới, những nhân tố đang nảy nở, phát triển và biết phê phán, phản đối những gì đã lỗi thời hay đang lỗi thời. Trong các bài viết: “Giương cao hơn nữa ngọn cờ lãnh đạo của Đảng” - Đăng trên Báo Quân đội nhân dân (1958), “Nhiệm vụ trọng đại của chúng ta là đào tạo nên hàng vạn, hàng triệu con người mới” - Bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1959), với cách lập luận sắc sảo, đầy hình ảnh, đồng chí chỉ rõ con người mới phải gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp, với hiện thực cách mạng Việt Nam, phải có lập trường, tư tưởng kiên định đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội; những con người đó có đủ: Giác ngộ giai cấp, tinh thần trách nhiệm, tính tập thể, tinh thần hăng say lao động, tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng... Những phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa được đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu lên thực sự có ý nghĩa tích cực trong việc bồi dưỡng phát huy tinh thần “rẽ sóng ra khơi”, “quyết chí lập công” của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tấm lòng, tình cảm tha thiết cũng như tư tưởng chỉ đạo xây dựng con người mới Việt Nam của đồng chí là những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.  

Nhận thức rõ tác hại của “giặc nội xâm” là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đầu tiên đặt vấn đề phê phán triệt để chủ nghĩa cá nhân, coi nó là tư tưởng mẹ, từ đó đẻ ra các tư tưởng sai lệch khác: Công thần, địa vị, kèn cựa, kiêu ngạo, quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí... Người xác định: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã viết một loạt bài về chống chủ nghĩa cá nhân và chính đồng chí là người đầu tiên “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội. Trong bài “Nâng cao tư tưởng xã hội chủ nghĩa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân” - Nói chuyện tại Lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp trong quân đội (1957), bằng ngôn từ thân mật, có sức truyền cảm mạnh mẽ, đồng chí đã vạch rõ nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái, tác hại và sự phát triển của nó, phân rõ ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Đồng chí cũng chỉ ra rằng cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể diễn ra gay gắt, hằng ngày, hằng giờ và đề ra phương hướng phát huy chủ nghĩa tập thể, khắc phục chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ và nhân dân ta. Đồng chí viết: “Chủ nghĩa cá nhân thể hiện ra từng nơi, từng lúc khác nhau và từng trình độ, cương vị của từng người”; “trong quân đội có khi có biểu hiện bằng tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo, địa vị, đòi hỏi hưởng thụ, v.v”; “Người cá nhân chủ nghĩa thì ngồi không yên, đứng không yên, như bị kiến đốt. Thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn. Khi chưa được đề bạt thì mong sao được đề bạt, lúc được đề bạt rồi lại chóng chán, muốn làm sao được “đổi ngôi” mau hơn nữa. Thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui, kém người cái gì đêm nằm đã phải giở mình luôn”;  “Chủ nghĩa cá nhân là một vật chướng ngại, cản bước tiến của chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nơi, có lúc tự giác hoặc không tự giác, nó phá hoại từng bộ phận của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội”; "Chủ nghĩa cá nhân tuy rất nguy hiểm và ngoan cố, nhưng nó kỵ chủ nghĩa tập thể như lửa kỵ nước. Chỉ cần mọi đồng chí chúng ta có dũng khí đứng lên phất cao ngọn cờ chủ nghĩa tập thể, nói nhiều về chủ nghĩa tập thể, nghĩ nhiều đến chủ nghĩa tập thể, gây mọi phong trào làm việc nhiều cho tập thể,... nhất định chúng ta sẽ thắng lợi! Nhất định chúng ta sẽ tạo nên một xã hội tươi đẹp nhất, huy hoàng, tráng lệ nhất trong lịch sử nước ta từ trước đến nay".

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sở dĩ có thể công khai, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và lời nói của đồng chí có sức thuyết phục vì bản thân đồng chí sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết chân thành; suốt đời nêu cao đạo đức cách mạng cao cả của Bác Hồ: Trung với Đảng, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng chí là một người: Lời nói đi đôi với việc làm, lý luận liên hệ với thực tiễn, đạo đức đi đôi với tài năng, chính trị và quân sự song toàn, là nhà chính trị - quân sự xuất sắc của Đảng, dân tộc và quân đội ta. Những bài viết và sự đóng góp của đồng chí vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cách đây hơn nửa thế kỷ đã có tiếng vang lan truyền rộng khắp, góp phần đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân và xây dựng nên một lớp người mới của chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước”, “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào thi đua; luôn coi thi đua là phương pháp vận động cách mạng, nghệ thuật lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc đi sâu, đi sát, phát hiện điển hình, phát động và tổng kết phong trào thi đua là nét đặc sắc trong phong cách lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Trên thực tế, những phong trào thi đua như “Cờ Ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp, tiếng “Trống Bắc Lý” trong giáo dục; phong trào giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”... đã động viên được sức mạnh của hàng triệu con người vào sự nghiệp cách mạng. Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

QĐND Online

(Còn nữa)

Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

* Những bài đã xuất bản:
  

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường

Chú Sáu Di là người thầy lớn

Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ

 Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”

Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh