Người con gái xứ Huế nhỏ nhắn mang khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt long lanh, sáng ngời chia sẻ với các quan khách, những nhà khoa học trong nước, quốc tế, cùng bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo phóng viên tại buổi trao giải hết sức chân tình. Có lúc chị xúc động, nói nghẹn ngào, không thốt lên lời. Chị thổ lộ rằng, chị rất sợ thời gian. Theo chị, thực tế cho các nhà khoa học rất nhiều ý tưởng. Trong khi, các công việc cần thực hiện ở phía trước mà thời gian dành cho mỗi người trong xã hội lại chạy không ngừng nghỉ, không có cách gì níu kéo thời gian đứng yên hoặc bắt “nó” chạy chậm lại được!      

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thị Hoài (thứ hai từ phải sang) nhận Giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học 2017”.

PGS, TS Nguyễn Thị Hoài được vinh danh vì đã tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu y học dân tộc cổ truyền; nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới nhằm hỗ trợ giảm cân, điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già. Điều đặc biệt đáng trân trọng hơn ở chị là nghị lực vượt qua sợ hãi, luôn quyết tâm khắc phục khó khăn để nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học. PGS, TS Nguyễn Thị Hoài kể lại câu chuyện xảy ra với mình mà khiến nhiều người cảm thông và càng khâm phục tinh thần vươn lên của chị. Năm 2007, khi con đầu lòng được 2 tuổi thì cũng là thời điểm chị phát hiện mình bị K tuyến giáp. “Khi đó, đất như sụp dưới chân, nhưng ý chí vẫn tự nhủ mình phải mạnh mẽ để làm càng nhiều việc càng tốt”, chị nói. Từ đó, chị lao vào nghiên cứu nhiều công trình khoa học. Thấu hiểu quyết tâm của chị, chồng và những người thân trong gia đình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chị toàn tâm toàn ý với “giấc mơ khoa học” của mình. Chị phải cân đối thời gian, công việc, chủ động lên lịch công tác giảng dạy, nghiên cứu, chăm sóc gia đình sao cho hợp lý nhất. Càng gần đến ngày báo cáo đề tài, chị càng phải thức đêm nhiều hơn để bắt câu chữ và các con số khô khan cho ra một đáp số chính xác.

Vượt qua tất cả những khó khăn và những tháng ngày “mò kim đáy bể”, tính đến thời điểm trước khi được nhận giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học 2017”, PGS, TS Nguyễn Thị Hoài đã làm chủ nhiệm một đề tài NAFOSTED, một đề tài cấp Bộ Y tế, 4 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều đề tài cấp cơ sở. Chị là tác giả và đồng tác giả của 20 bài báo quốc tế, 4 báo cáo tại hội nghị quốc tế và 60 bài báo khoa học trong nước. Trong gần 20 năm công tác, trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và truyền lửa cho thế hệ trẻ, chị còn đảm nhiệm hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh và 13 đề tài cao học.

Trong số các đề tài nghiên cứu khoa học mà PGS, TS Nguyễn Thị Hoài làm chủ nhiệm, có đề tài cấp bộ tiêu biểu là “Nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư”. Để thực hiện đề tài này, chị và các cộng sự đã phải cùng ăn, cùng ở nhiều ngày với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi khu vực miền Trung. Vì không biết tiếng đồng bào dân tộc nên công việc điều tra, thu thập mẫu khoa học của chị hết sức khó khăn. Trước hết, vì tập quán sinh hoạt, vì cả lời thề với “Giàng” nên không dễ để đồng bào Pa Cô, Vân Kiều chỉ cho “bí kíp” tìm ra các cây thuốc. Tiếp đó là do cây thuốc mà đồng bào sử dụng đều khai thác trong rừng, ở những nơi hết sức hiểm trở, hẻo lánh, vì thế, chị đã phải nhờ đến cán bộ xã, bộ đội biên phòng cùng vận động, thuyết phục thì bà con giúp đỡ.

Sau những tháng ngày cùng ăn, cùng ở với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở dãy Trường Sơn, PGS, TS Nguyễn Thị Hoài dành cả năm trời kiên trì trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu, phân tích, sàng lọc các mẫu dịch chiết dược liệu. Chị chia sẻ, một tháng có 30 ngày thì đủ 30 ngày chị có mặt ở phòng thí nghiệm. Gần Tết, mọi người rục rịch mua sắm, nghỉ ngơi, nhưng chị vẫn làm việc đến khuya ngày 29 Tết mới trở về nhà. Chị tâm sự: “Những người phụ nữ khác thích đi mua sắm, ngồi cà phê thì tôi lại dồn tất cả sở thích, niềm vui đó cho đam mê nghiên cứu khoa học”.

Sau khi tách chiết thành phẩm, chị gửi hàng chục mẫu đến cơ quan khoa học chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam để đánh giá. Đây là thời điểm khó khăn nhất với chị. Lúc này, mâu thuẫn giữa tâm huyết, công sức và kỳ vọng vào kết quả còn hơn cả người nông dân trông đoán thời tiết khi lúa và hoa màu ở thời kỳ thụ phấn. Chị hiểu rằng, chỉ một thiếu sót nhỏ trong quy trình; chỉ cần một sự đãng trí nho nhỏ trong chuyên môn để các số liệu khoa học thiếu chính xác cũng đủ làm cho tất cả hy vọng của chị sau bao ngày lăn lộn với núi rừng, bao đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm trở về “con số không”. “Khi nhận được email trả lời kết quả, loại thuốc này có thể ức chế được 70 tế bào ung thư, tôi đã khóc như một đứa trẻ”, PGS, TS Nguyễn Thị Hoài kể lại. Trong nghiên cứu này, chị đã xác định được 2 cây thuốc có hoạt tính mạnh nhất là cây Bù dẻ tía với hoạt tính diệt tế bào ung thư và cây Mán đỉa với hoạt tính chống oxy hóa. Kết quả chung là chị đã phân loại được 30 cây thuốc của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở miền Trung theo hướng liên quan đến tác dụng chống ung thư và chống oxy hóa; xây dựng bộ dữ liệu 14 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống ung thư; xây dựng bộ dữ liệu 16 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống oxy hóa; sàng lọc tác dụng chống oxy hóa và diệt tế bào ung thư.

Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục nghiên cứu đề tài: “Xây dựng quy trình sản xuất glucomannan trong củ nưa trồng tại Thừa Thiên-Huế”. Đề tài của PGS, TS Nguyễn Thị Hoài đã mở ra nhiều triển vọng trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao... Một đề tài khoa học cấp bộ khác của chị cũng được đánh giá rất cao, đó là nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ cà phê có ở Việt Nam. Kết quả, chị đã nghiên cứu, tìm ra tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư ở cây An điền nón từ 30 loài thuộc họ cà phê có ở Việt Nam. Theo chị, chi Hedyotis đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây và được phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư ở thị trường Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam thì chưa có nhà khoa học nào thực hiện.

Với những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, chị mong muốn sẽ tạo được sản phẩm điều trị ung thư hiệu quả, giúp người bệnh chống lại căn bệnh quái ác, qua đó giúp đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở Tây Nguyên có điều kiện để sản xuất dược liệu, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Với PGS, TS Nguyễn Thị Hoài, nghiên cứu khoa học là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tấm gương vượt khó và niềm đam mê, tâm huyết trong lao động nghiên cứu khoa học của PGS, TS Nguyễn Thị Hoài thật đáng trân trọng.

Bài và ảnh: THẢO TRANG