Hơn 16 năm “vác tù và hàng tổng”

Tôi gặp bà Hợp vào buổi chiều tà tại thôn Giang Nam, nơi biên cương của Tổ quốc. Bà đang cố gắng xếp nốt mấy sấp ván ra bãi phơi để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt phúc hậu. Mái tóc pha sương, những nếp nhăn của thời gian cũng không che lấp được nụ cười rạng rỡ ở người phụ nữ có nghị lực phi thường và tấm lòng vì nhân dân. Nhìn vào vóc dáng ấy, ít ai biết rằng, bà đã đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn gần 16 năm.

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất biên giới này, cả đời bà Hợp chẳng mấy khi đi ra khỏi quê nhà. Năm 1993, người chồng không may qua đời, để lại cho bà một người con trai quanh năm đau ốm và một cô con gái còn thơ dại.

 Bà Nông Thị Hợp tranh thủ thời gian phơi ván để có thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. 

Năm 1995, bà Hợp bắt đầu tham gia làm công việc của một người “vác tù và hàng tổng”. Khi ấy, bà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, sau đó làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã, năm 2001, bà được nhân dân thôn Giang Nam tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và bà đảm nhiệm chức vụ đó cho đến tận bây giờ.

Ở tuổi 57, trên đôi vai người phụ nữ ấy, một bên là trách nhiệm, nghĩa vụ của người trưởng thôn, còn một bên là tình thương của một người mẹ, nặng trĩu nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ người dân thôn Giang Nam thấy bà trễ nải trong bất kỳ công việc gì.

Với 263 hộ và 986 nhân khẩu, thôn Giang Nam là địa bàn đông dân cư nhất của xã Thanh Thủy, đa phần đều là hộ nghèo, đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích đất canh tác của thôn, một phần bị thu hồi cho dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, một phần không thể canh tác được vì bom, mìn sau chiến tranh còn sót lại khá nhiều. Làm thế nào để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân là điều hết sức khó khăn đối với lãnh đạo địa phương, nhất là với một nữ trưởng thôn như bà Hợp. Theo bà chia sẻ thì khó nhất là việc vận động bà con ra khỏi hộ nghèo. Bà con người Mông trong thôn bảo nhau: “Thoát nghèo thì thoát hết, nghèo thì cùng nghèo cả, chứ bà con người Mông ta không làm thế đâu!”. Bà Hợp dùng lời lẽ mềm mỏng để vận động: “Nghèo là xấu hổ đấy. Đảng, Nhà nước đầu tư cho dân, nay đã chủ động làm ăn rồi thì phải thoát nghèo, để đầu tư cho hộ khác nữa chứ, để cả bản, cả thôn cùng phát triển kinh tế”. Nhờ sự khéo léo ấy của bà Hợp, năm 2015, thôn Giang Nam đã có 7 hộ thoát nghèo. Hiện tại, trong thôn còn 63 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo.

Mỗi người dân nơi đây từ lâu đã xem bà Hợp như người thân trong gia đình, bởi bà luôn sát cánh cùng họ trên mọi công việc, từ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, vận động con em tới trường, vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, cho đến tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân… Ở đâu có vấn đề gì khó khăn, ở đó người ta đều thấy bóng dáng của bà. Công tác trưởng thôn, việc làm thường xuyên là đi xuống thôn bản, vận động bà con trồng lúa, trồng ngô, trồng cây theo dự án được Nhà nước hỗ trợ. Bà Hợp thường xuyên vận động nhân dân chăm sóc cây theo đúng quy cách, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm; nhờ vậy, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn thôn Giang Nam không có dịch bệnh xảy ra với gia súc, gia cầm.

Dù đã 57 tuổi, nhưng đôi chân bà Hợp vẫn trèo đèo lội suối thoăn thoắt. Có hôm, đã 12 giờ đêm, trời mưa tầm tã, ở xóm Hạ Sơn xảy ra một vụ mâu thuẫn gia đình. Dân không giải quyết được, điện lên chính quyền, bà liền tức tốc cùng với cán bộ xã và công an viên đội mưa, vượt núi lên xem xét tình hình, giải quyết vụ việc. Mặc cho đường đi đá núi trơn trượt, rét mướt, thanh niên trai tráng đi còn vất vả, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn đi, chỉ với một ý nghĩ “dân đã gọi có nghĩa là dân đang cần mình, dân cần thì mình phải có mặt, phải hoàn thành chức trách của người trưởng thôn”.

Bất chợt, bà Hợp quay sang nhìn tôi giây lát, giọng chùng xuống: “Có người bảo tôi: Lương trưởng thôn ba cọc ba đồng, cho tôi cũng không làm “người vác tù và hàng tổng” đâu, việc gì cũng đến tay mà toàn những việc không tên, ở nhà đi làm thuê mấy ngày cũng bằng cả tháng lương của trưởng thôn rồi. Nghe vậy, tôi chỉ biết cười và thầm nghĩ, mình làm trưởng thôn đâu phải vì mấy đồng lương; làm là vì trách nhiệm với nhân dân, tôn trọng sự tín nhiệm và lá phiếu bầu của nhân dân. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”.

“Cánh tay đắc lực” của chính quyền, đồn biên phòng

Thôn Giang Nam là thôn đông dân nhất xã Thanh Thủy, với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, lại là thôn biên giới, nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Thôn có 10 dân tộc cùng chung sống, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Hoa, Sán Dìu, Cao Lan… Chính vì thế, mỗi khi có tranh chấp, mâu thuẫn, bà Hợp luôn phải suy nghĩ làm sao để giải quyết cho êm thấm, thấu tình đạt lý. “Làm trưởng thôn nhiều khi đi giải quyết công việc cũng khó khăn lắm, phải làm sao cho hài hòa, phải nói thế nào cho dân nghe, dân hiểu”-bà Hợp chia sẻ. Qua cách giải quyết khôn khéo, hợp lý của bà Hợp, năm 2015, trong thôn có 4 vụ tranh chấp đất đai, một vụ mâu thuẫn gia đình, nhưng chỉ có một vụ phải đưa lên xã giải quyết.

Với bà Hợp, quan trọng nhất vẫn là làm sao để hài hòa được giữa nguyện vọng của nhân dân với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, để vừa được lòng dân, vừa làm tròn trách nhiệm với Nhà nước. Địa bàn rộng, nhưng bà không ngại ngần đi thăm hỏi, tư vấn giúp đỡ bà con. Các đợt sinh hoạt chính trị, bà Hợp đều đến tận nơi vận động bà con đi họp. Nhờ sự tuyên truyền khéo léo của bà mà hầu hết người dân của thôn Giang Nam đã hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, cho biết: “So với các trưởng thôn khác trong xã, chị Hợp là người cao tuổi nhất và cũng là người nhiệt tình với nhân dân nhất. Chị luôn là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền xã, nhờ đó chúng tôi nắm rõ hơn tâm tư nguyện vọng của nhân dân và có thể đáp ứng một cách sớm nhất”. Cùng với giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của thôn, Trưởng thôn Nông Thị Hợp còn là “cánh tay đắc lực” của Bộ đội Biên phòng trong tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân, nhất là 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Những năm trước, tình trạng bà con trong thôn sang Trung Quốc làm thuê trái phép trở thành “vấn đề nóng” như ở nhiều thôn biên giới khác. Bà Hợp đi đến từng hộ gia đình, phân tích cho bà con biết đúng, sai: “Bà con muốn đi thì làm sổ đi qua đường lớn đàng hoàng; nếu trốn đi, lỡ không may có chuyện gì xảy ra thì không ai tìm và giải quyết được đâu”. Những lời lẽ vận động khéo léo, gần gũi với nhân dân, gắn lợi ích của nhân dân vào với nghĩa vụ của họ, nên bà con ở đây dần nhận thức được vấn đề. Hiện tại, hầu hết người dân thôn Giang Nam, nếu muốn sang Trung Quốc lao động đều làm sổ và có giấy thông hành rồi mới đi.

Thôn Giang Nam có đường biên dài, lại là thôn trung tâm của xã, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá phức tạp. Tuy nhiên, mọi công việc đều được bà Hợp giải quyết ổn thỏa. Bằng hành động gương mẫu và cách tuyên truyền hợp lý, bà đã cùng cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy giúp cho bà con có nhận thức đúng đắn và thấy được ý nghĩa quan trọng của chủ quyền biên giới quốc gia. Chính vì vậy, bà con đều vui vẻ, tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.

Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, cho biết: “Chị Hợp luôn là người chúng tôi nghĩ đến đầu tiên trong danh sách đề xuất khen thưởng với cấp trên về những tấm gương tiêu biểu trong công tác bảo vệ biên giới. Chị luôn là người đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là tuyên truyền cho nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ổn định dân cư; phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, từ lâu chị Hợp đã như người nhà, rất thân thiết và giàu tình cảm”.

Còn đó những trăn trở…

Gần 60 tuổi đời, hơn 16 năm lăn lộn ở cơ sở, gắn bó với nhân dân, có lẽ chính vì thế mà bà Hợp còn nhiều trăn trở: “Dân quê tôi, nhiều người còn nghèo, không có đất canh tác, phải ra cửa khẩu làm thuê, bốc vác, phơi ván..., thu nhập bấp bênh. Mong sao Nhà nước xây dựng xong khu kinh tế cửa khẩu để bà con có chỗ làm ăn, buôn bán, phát triển kinh tế”.

Bằng cái “tâm” với bà con, với công việc, bà Hợp luôn được dân bản tin yêu. Người dân thôn Giang Nam đã quen với bóng dáng lặn lội, tất tả lo toan của người phụ nữ trưởng thôn. Bà Chu Thị Niệm, người dân tộc Tày, ở thôn Giang Nam bộc bạch: “Ở trong thôn từ trước tới nay, việc gì bà Hợp giải quyết, dân chúng tôi cũng đều ưng cái bụng, không có điều gì phải lăn tăn, chê trách...”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, điều tôi cảm nhận được ở bà Hợp là sự gắn kết trách nhiệm của bà với nhân dân, vào cuộc sống đói no, vui buồn, cùng sự phát triển của dân bản. Và bà vẫn luôn đau đáu nỗi niềm: “Nếu khi nào không làm trưởng thôn nữa, nhưng xã, đồn biên phòng, nhân dân hay bất kỳ ai cần giúp đỡ, tôi vẫn sẵn sàng. Tôi làm như thế là vì trách nhiệm của một công dân sinh ra, lớn lên nơi mảnh đất biên giới còn không ít gian khổ và nghèo khó này…”.

Bài và ảnh: LÊ ĐÀO