QĐND - Ở An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, nhiều người biết đến cựu chiến binh (CCB) Hoàng Luận, dân tộc Tày, năm nay ngoài 70 tuổi. Rời quân ngũ trở về địa phương, gần 30 năm ông tham gia công tác ở xã, hoàn thành tốt trọng trách “công bộc” của dân, đồng thời còn là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết, ký sự, thơ, truyện ngắn… ca ngợi quê hương, đồng bào các dân tộc Định Hóa và tình đoàn kết quân dân. Điểm lại những thành quả đạt được, ông vẫn luôn tự hào: “Mình là Bộ đội Cụ Hồ…”.
Người cán bộ “công bộc” của dân
Ông Hoàng Luận quê ở xã Định Biên, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là xã Anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây còn được ví như một “doanh trại lớn” của Quân đội ta từ đầu năm 1947 với nhiều cơ quan, đơn vị từng đóng quân, làm việc trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến.
Hoàng Luận nhập ngũ năm 1966, xuất ngũ năm 1972. Về địa phương, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Kế toán trưởng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp suốt 12 năm; làm phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm HTX trong 6 năm tiếp theo; rồi liên tục từ năm 1989 đến 2000 đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy xã Định Biên.
Nhiều người yêu thích văn học, nghệ thuật (VHNT) biết đến Hoàng Luận tuy là một cây bút nghiệp dư nhưng dồi dào bút lực, rất say mê, nhiệt huyết, đã hoàn thành hàng chục cuốn sách, gồm: Tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, ghi chép và thơ…, được các nhà xuất bản ở địa phương, Trung ương in ấn, phát hành, phục vụ bạn đọc gần xa thuộc nhiều lứa tuổi. Từ khi còn học ở trường làng đến khi vào bộ đội, Hoàng Luận đã có thơ và tin, bài được đăng trên các báo, tạp chí của Tổng cục Hậu cần, của Hội VHNT Việt Bắc và tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 1967, ông đã là cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân. Khi rời quân ngũ về công tác tại địa phương, vừa làm việc, vừa sáng tác, “vườn hoa báo chí, nghệ thuật” của ông thêm nở rộ và rồi ông sớm trở thành hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên... Ông còn được nhiều đồng nghiệp, bạn đọc quý mến, gọi với cái tên thân mật “Nhà văn Hoàng Luận” từ hơn 30 năm nay.
 |
Một lớp phục dựng, truyền giảng hát then-đàn tính của xã Định Biên, do cựu chiến binh Hoàng Luận (hàng sau, thứ hai từ phải sang) truyền giảng. |
“Vào đề” một lát về chuyện văn chương, tôi xin tạm cắt ngang câu chuyện để tìm hiểu về những ngày ông Hoàng Luận gắn bó với HTX nông nghiệp, về việc ông chỉ đạo sản xuất, làm kinh tế, lãnh đạo xã nhà… Ông vui vẻ tiếp lời:
- À, chuyện là thế này: Mấy tháng sau khi xuất ngũ, tôi được bà con bầu làm Kế toán trưởng HTX. Chả là hồi ấy ở Định Biên, người có trình độ văn hóa cao còn ít lắm. Tôi vốn hiền lành, gần gũi với bà con, lại đã qua quân ngũ nên được xã viên tin tưởng, giao cho việc quản lý “cơm áo gạo tiền” của tập thể. 12 năm sau, tôi được bầu làm Phó chủ nhiệm HTX, nhưng vẫn phải kiêm cả “chân” tài vụ; khi 40 tuổi, tôi được bầu làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Định Biên.
Rồi ông hạ giọng, nói như tâm sự: "Thú thật, hồi đó cả huyện Định Hóa chứ không riêng xã Định Biên, việc quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập. Cán bộ thì trẻ, lại không có bằng cấp, kinh nghiệm; rồi xuất hiện tư tưởng bè phái, trì trệ, gây thất thoát tiền của, vật tư nông nghiệp… Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy Định Hóa phải tổ chức hội nghị ngay tại xã Định Biên để tìm cách khắc phục những yếu kém trên, mà trọng tâm là tìm được người có phẩm chất, năng lực để vực dậy sản xuất và các hoạt động kinh tế, xã hội khác. Sau hội nghị, đại hội toàn thể xã viên được mở ngay tại chỗ để bầu trực tiếp Chủ nhiệm HTX. Ngày đó, Định Biên có 1.500 hộ, gần 1.000 xã viên nông nghiệp. Ngay lần bỏ phiếu đầu tiên, tôi được 95% số phiếu tín nhiệm. Năm 1989, khi đương chức Chủ nhiệm HTX, tôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã".
Từ khi làm Kế toán trưởng, Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, rồi chuyển sang công tác Đảng, mọi việc Hoàng Luận đều hoàn thành tốt, hiệu quả rõ rệt, bộ mặt làng xã, đời sống nhân dân địa phương có nhiều đổi thay đáng mừng.
"Để có những chuyển biến đó, tôi luôn tự nhắc mình phải làm việc với tinh thần “chí công vô tư” như lời Bác dạy; biết gắn mình với tập thể, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của quần chúng, của xã viên, để cùng Ban Chủ nhiệm HTX, sau này là Ban Thường vụ Đảng ủy, đề ra các chủ trương, kế hoạch sát với thực tế địa phương; căn cứ vào khí hậu, đất đai, sức lao động, vật tư…, để từng bước nâng cao năng suất lao động. Đi cùng với đó là tăng cường đoàn kết, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, thỏa mãn, ỷ lại, hoặc vin vào những khó khăn khách quan để buông xuôi trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân"-ông Hoàng Luận tâm sự.
Từ suy nghĩ và cách làm thực tế đó, tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân xã Định Biên dần đi vào nền nếp. HTX nông nghiệp Định Biên được công nhận là đơn vị tiên tiến, Đảng bộ đạt TSVM nhiều năm liền. Đó là minh chứng cho những cố gắng bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, đặc biệt là những đóng góp xứng đáng, có hiệu quả của Chủ nhiệm HTX, Bí thư Đảng ủy Hoàng Luận.
“Thi sĩ” nặng tình với quê hương
Chuyển sang chuyện về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ông Hoàng Luận sôi nổi hẳn lên: “Ở bộ đội, tôi là thợ cơ khí thuộc một đơn vị của Tổng cục Hậu cần. Thấy tôi có chút năng khiếu về VHNT, thủ trưởng đơn vị giao cho tôi làm công tác tuyên truyền văn hóa. Mừng nhất là tôi được cử đi dự một trại viết văn, thời gian 3 tháng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, tôi may mắn được gặp và được các nhà văn có tên tuổi như: Lê Lựu, Trần Nhương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đức Mậu…; các nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Chính Hữu… tận tình chỉ dẫn cả lý thuyết và thực hành. Những bài “thu hoạch” của tôi ở trại viết được đánh giá tốt và đó là sự cổ vũ tôi trong nghiệp cầm bút sau này”.
Tôi thầm nghĩ, một chàng trai người Tày, văn hóa mới hết lớp 9 phổ thông, từng kinh qua nhiều công việc, trên các cương vị khác nhau, lại sống ở một vùng sơn cước, còn bao khó khăn, thiếu thốn mà vẫn hoàn thành tốt mọi công việc của một cán bộ xã và cần mẫn quan sát, ghi chép để có được những áng thơ, văn “cây nhà lá vườn”-như ông thường nói, nhằm giúp người đọc biết rõ, hiểu sâu hơn về quê hương ATK Định Hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì thật đáng nể trọng!
Ngừng một lát, ông bỗng “à” lên một tiếng, nói với tôi giọng hồ hởi:
- Chuyện về Định Biên thì dài lắm, nhân lần gặp gỡ này, tôi xin giới thiệu những tác phẩm mà tôi đã thể hiện bằng văn xuôi, bằng thơ, được in từ năm 1991 đến nay, để mọi người hiểu hơn về Định Biên quê hương tôi.
Nói rồi, Hoàng Luận với tay lên giá sách, lần lượt giới thiệu với tôi tiểu thuyết “Chóp núi”, in năm 1993, ca ngợi đất và người Định Hóa luôn tin tưởng vào cách mạng, theo Đảng đi kháng chiến đến thắng lợi; rồi tác phẩm “Bức tường xanh” khẳng định Định Hóa là ATK vững chắc của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến giữa Thủ đô gió ngàn Việt Bắc; các tác phẩm: “Nắng tím”-ánh nắng mặt trời của Đảng luôn chiếu rọi muôn nơi, mang lại niềm tin, no ấm cho mọi nhà, mọi người; “Làng một người” nói về công tác phòng gian, bảo mật của đồng bào các dân tộc Định Hóa, bảo vệ vững chắc ATK. Các tiểu thuyết: “Noọng ơi”, “Ngõ nhỏ ven rừng”, “Cây không lá”… nói về tình yêu, cuộc sống và xã hội tốt đẹp của vùng quê rừng núi ATK, nhưng tràn trề sức sống, nhiều ước mơ đẹp về tương lai. Tiếp đến là các tập ký, truyện ngắn: “Thời gian xanh”, “Đình làng Quặng”, “Kén boong”, “Núi hoa”, “Mùa nấm hương” và 3 tập thơ (có 2 tập in chung). Đó là những tập sách nói về quê hương Định Biên trong kháng chiến và xây dựng hòa bình; về mối quan hệ quân-dân thắm thiết, bởi nơi đây từng có 10 cơ quan, đơn vị quân đội, nhà máy, các cục, vụ… đóng quân, được nhân dân Định Biên giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ suốt những năm trường kỳ kháng chiến (1947-1954).
Tôi còn đặc biệt chú ý đến tập bản thảo có tựa đề “Thôn Khau Diều với bộ đội kháng chiến 1947-1954” được thể hiện dưới dạng ghi chép mà Hoàng Luận đang hoàn thành.
Xin nói thêm: Khau Diều, theo nghĩa tiếng Tày là Núi Hoa. Đây chính là nơi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chọn để in và cho ra đời những số báo Quân đội nhân dân đầu tiên. Khau Diều cũng là nơi sinh thành của Hoàng Luận. Nơi ở của gia đình ông hiện nay chỉ cách di tích lịch sử Khau Diều hơn 200m. Những ghi chép trong cuốn sách sắp xuất bản, ông muốn “đặc tả” tình cảm, việc làm của đồng bào Khau Diều với cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong việc in ấn, phát hành Báo Quân đội nhân dân cách đây đã 65 năm.
Được biết, sau khi nghỉ công tác, cùng với việc viết sách, Hoàng Luận còn tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như làm Chủ nhiệm CLB Văn hóa nghệ thuật của xã, hội viên Hội VHNT huyện Định Hóa; là tác giả của công trình nghiên cứu “Các làn điệu dân ca Tày, Nùng” (sưu tầm, biên soạn, giảng dạy); cấp có thẩm quyền đang đề nghị Nhà nước phong tặng ông danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực này.
Những thành tích trong công tác và trong lĩnh vực nghệ thuật, như ông thường nói và rất tự hào: “Mình là Bộ đội Cụ Hồ, là người con sinh ra từ mảnh đất có truyền thống cách mạng, lại được rèn luyện qua thực tế trong quân ngũ, được dân tin, dân mến mà trưởng thành”. Hoàng Luận có thể ví như “con dao pha” sắc lẹm, dùng vào nhiều việc có ích cho đời, cho cộng đồng. Thật đáng quý!
Chia tay tôi, ông vừa đệm đàn, vừa khe khẽ hát: “Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra/ Được dân mến, được dân tin muôn phần…”; rồi ông cất tiếng cười thanh thản và sảng khoái của một CCB-Bộ đội Cụ Hồ luôn hết mình vì nhân dân phục vụ.
Bài và ảnh: HỒNG KỲ - VIỆT ĐÔ