Gần 30 năm qua, dù nay sức khoẻ không còn được như xưa, ông vẫn mải miết khám chữa bệnh miễn phí cho những ai tìm đến ông hoặc ông biết đến….
Trong căn nhà nhỏ rộng chừng 15m2 - cũng là nơi tiếp các bệnh nhân của mình hằng ngày - ông tâm sự: Hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, được cử đi học chuyên sâu ngành y và gắn bó với nghề này từ đó. Dấu chân của ông đã in khắp các chiến trường Tây Bắc trong các chiến dịch Điện Biên Phủ và cả ở nước bạn Lào, chữa trị cho thương bệnh binh, bộ đội và nhân dân bản làng đơn vị đóng quân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời gian làm Chủ nhiệm quân y tại Công an vũ trang tỉnh Sơn La những năm 1970, ông đã được nghe nhiều về những bài thuốc dân gian có hiệu quả điều trị cao. Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu các bài thuốc dân gian dùng kết hợp với thuốc tây y cho hiệu quả chữa bệnh cao, nhất là đối với những ca bệnh khó. Ông bảo, thuốc nam dễ dùng, lại dễ trồng nên về lâu dài sẽ có lợi cho người dân! Đã có nhiều ca bệnh, ông phải vẽ phác đồ điều trị để theo dõi dài ngày như dịch lỵ, bệnh viêm gan, nhiễm sán dây, u bướu hay trầm cảm…cho hiệu quả tốt. Cũng trong thời gian này, hai đề tài y học là tẩy sán dây bằng rễ cây hạt lựu và hạt cau; chữa bệnh cổ vai gáy và cột sống lưng được ông nghiên cứu thành công.
Bác sĩ Đặng Cát điều trị cho bệnh nhân bị đau cột sống dài ngày.
Về hưu năm 1989, không lựa chọn cuộc sống an nhàn bên gia đình, con cháu, ông bắt đầu khám bệnh miễn phí cho mọi người. Ông quan niệm, sức khoẻ là vốn quý nhất của cuộc đời mà không tiền bạc nào có thể mua được nên đã quyết định mang những kiến thức mình có được để giúp đỡ mọi người. Bệnh nhân của ông lúc đầu là bà con lối xóm. Sau dần thấy ông “mát tay”, chữa hiệu quả, lại ân cần, chu đáo, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài cũng tìm đến ông để được nghe ông tư vấn, chữa bệnh…. Khi gặp những bệnh nhân quá nghèo, ông còn bỏ tiền túi để mua thuốc giúp họ. Có khi đi khám cho bệnh nhân có hoàn cảnh quá quá khó khăn, ông tất tả đạp xe cả chục cây số về “vét” lương hưu để mua thuốc điều trị cho họ…. Khi hỏi, vất vả như thế, sao ông không lấy một ít tiền công khám mà trang trải phần nào chi phí đi lại, ông liền “vặn” lại: “Lấy làm gì? Tiền lương hưu của tôi là đủ tiêu rồi!” Rồi ông lại nhắc đến người nghèo: “Còn người nghèo khổ nhất là khi bị bệnh vì không có tiền bạc thì không biết khám, chữa bệnh ra sao. Bệnh viện, phòng khám rất nhiều, nhưng nơi đó nhiều khi là “nỗi sợ” với họ bởi không có tiền thì sao họ dám đến những nơi này. Tôi tâm niệm, còn sống được ngày nào thì còn phải tiếp tục làm từ thiện khám bệnh cứu người!”
Tận tình với người nghèo là thế, nhưng ngay cả những bệnh nhân có điều kiện khá giả tìm đến ông cũng được ông khám chữa bệnh miễn phí. Ông bảo, đã theo ngành y thì cứu người chẳng thể từ nan, bất kể là ai, chỉ cần người bệnh khoẻ lại là ông vui rồi. Có nhiều gia đình muốn biếu quà, tiền mặt hay hiện vật để cảm ơn công chữa khỏi bệnh nhưng ông đều lắc đầu từ chối với lý do “người ta cần thì mình giúp” chứ không cần trả ơn. Có lần, ông chỉ nhận một hộp kẹo sô-cô-la để mang tặng những đứa con của bệnh nhân nghèo, vì thấy chúng nghèo quá, chưa biết đến mùi vị của kẹo sô-cô-la bao giờ…
Có những bệnh nhân nặng ở xa cần tới ông, thế là, với chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ, một túi vải đựng thuốc, dụng cụ khám bệnh, ông tìm đến, bất kể trời mưa, nắng, bão bùng, giá rét… Cứ thế, mỗi ngày, ông khám bệnh cho khoảng 10-20 người… Nếu biết bệnh nặng cần phẫu thuật hay dùng phương tiện hiện đại điều trị, ông lại tư vấn, hướng dẫn và có khi còn cùng gia đình bệnh nhân đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị.
Theo chân bác sĩ Cát tìm đến nhà bà Ngô Thị Hồng (73 tuổi), bị đau lưng do di chứng tai nạn, nằm bẹp đã nhiều ngày, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến cách ông ân cần thăm khám cho bệnh nhân. “Quý nhất là đêm hôm, nắng mưa, ông Cát đều đi chữa trị cho bệnh nhân, tiếp xúc với người bệnh lại rất chân thành, chu đáo. Nếu không có bác sĩ Cát thì tôi không biết xoay xở thế nào. Đã nhiều lần bị ngã, không thể đứng lên đi lại được, vậy mà, được bác sĩ Cát đến tận nhà chữa trị chu đáo, tôi đã khoẻ hơn nhiều. Bác sĩ Cát là ân nhân của gia đình chúng tôi, tôi và gia đình mang ơn bác sĩ Cát vô cùng!”
Bà Hồng chỉ là một trong số vô vàn bệnh nhân đã được vị bác sĩ già khám, chữa bệnh miễn phí. Tấm lòng nhân ái của ông ngày càng vang xa, nhiều bệnh nhân tận TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quảng Ngãi hay các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình… đều lặn lội đến tìm ông. Không chỉ khám và điều trị những căn bệnh thông thường, bác sĩ Cát còn điều trị rất hiệu quả nhiều căn bệnh khó như nấm, hẹp van tim, thiểu năng tuần hoàn não... Nhiều người đã đi khám, chữa ở nhiều nơi không khỏi, các bệnh viện cũng “lắc đầu” nhưng về gặp ông thì hết bệnh mà lại…không tốn một đồng nào. Bên cạnh đó, từ những năm về nghỉ hưu, ông bắt đầu nghiên cứu về u bướu. Tính đến nay đã có hơn 100 ca u phổi, u tuyến giáp, u dạ dày, u đại tràng… được ông điều trị khỏi, cho kết quả tốt.
Là chủ nhiệm quân y Công an vũ trang tỉnh Sơn La, rồi chủ nhiệm quân y Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), ông từng được giới chuyên môn đánh giá là bác sĩ chuyên khoa ngoại và chuyên khoa truyền nhiễm hàng đầu của ngành y trong quân đội.
Hạnh phúc lớn nhất của ông là mỗi ngày đến thăm bệnh nhân, nhìn thấy họ hồi phục. Ông bảo: “Cuộc sống của tôi đến nay coi như đã ổn định, 3 con đều đã trưởng thành. Bà nhà cũng rất cảm thông, chia sẻ với mình. Tôi vốn thích cuộc sống giản dị như thời còn trong quân ngũ, chẳng tiêu xài gì, ngày hai bữa cơm nên lương hưu cũng đủ sống. Trời còn cho sống được ngày nào thì tôi còn tiếp tục khám chữa bệnh từ thiện cho mọi người!” Đến nay đã gần 80 tuổi, nhưng trong tim vị bác sĩ này vẫn chưa lúc nào tắt ngọn lửa chữa bệnh cứu người. Ông vẫn đều đặn thăm khám và miệt mài nghiên cứu bệnh án để tìm cách chữa trị cho bệnh nhân. Ở đời, vẫn cần nhiều lắm những tấm lòng như thế!
Bài, ảnh: THẢO NGUYỄN