QĐND Online - Những năm gần đây, Lữ đoàn Phòng không 573 (Quân khu 5) có nhiều hoạt động giúp nhân dân ở địa bàn đóng quân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Đưa nước về đồng

Sau nhiều năm hoạt động, tuyến kênh chính dẫn nước từ hồ Núi Một về tưới cho đồng ruộng của Thị xã An Nhơn và một phần của huyện Tây Sơn, Bình Định bị bồi lấp, ngăn cản dòng chảy, trong khi đó, do nắng hạn, mực nước hồ Núi Một xuống rất thấp. Để bảo đảm nước chống hạn, tạo thuận lợi cho sản xuất, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nạo vét tuyến kênh này.

Nhận đề nghị của UBND thị xã An Nhơn, được sự đồng ý của Quân khu 5, Lữ đoàn Phòng không 573 điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 hành quân về xã Nhơn Tân, nơi tuyến kênh dẫn nước từ hồ Núi Một đi qua, khẩn trương bắt tay vào công việc. Khối lượng công việc lớn: Bộ đội phải hoàn thành nạo vét tuyến kênh dài gần 5km, với cả ngàn mét khối đất, cát bồi lấp, có đoạn phải nạo vét sâu từ 0,5m đến 0,8m.

Nhờ làm tốt công tác khảo sát tình hình, quán triệt nhiệm vụ, chuẩn bị đầy đủ công cụ lao động, lên phương án thi công hợp lý, 2 tiểu đoàn đã dàn quân “tiến công” từ hai đầu kênh. Bất chấp cái nắng như thiêu, như đốt từ trên dội xuống, từ dưới đất bốc lên, trong những bộ quân phục dã chiến, cán bộ, chiến sĩ làm việc không ngơi tay. Tốp đào xúc, tốp nạo vét, tốp vận chuyển đất cát... hiệp đồng ăn ý. Trên công trường, nhiều chiến sĩ xuất thân từ con em thành phố vẫn thao tác khá thuần thục công việc nhà nông. Hỏi ra mới biết, môi trường quân ngũ đã rèn cho các chiến sĩ không những chắc tay súng mà còn vững tay cuốc, huấn luyện giỏi, mà tăng gia sản xuất cũng cừ.

Binh nhất Dương Duy Thức xòe bàn tay cộm nhiều vết chai, nói: “Mấy bữa đầu tay phồng rộp bỏng rát, làm riết bây chừ không còn cảm giác đau nữa. Khối lượng công việc lớn trong khi yêu cầu tiến độ lại đòi hỏi nhanh, nên ai cũng cố gắng. Trong lòng kênh không chỉ có bùn đất, rác thải, đá sỏi, xác súc vật chết, mà còn lẫn nhiều mảnh sành, thủy tinh, sắt gỉ nên anh em vừa làm vừa nhắc nhở nhau bảo đảm an toàn”.

Cán bộ bám bộ đội, bám công trường và trực tiếp xắn tay vào cùng làm nên hầu hết các ca đều vượt tiến độ đề ra. Trung sĩ, khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Châu chia sẻ: “Lần nào đi giúp dân chúng tôi cũng phấn đấu “mỗi người làm việc bằng hai”. Thời tiết khô hạn, nếu chậm đưa nước về thì lúa và hoa màu sẽ bị thiệt hại nặng. Đó không chỉ là tài sản, mồ hôi nước mắt mà còn là nguồn sống của bà con nông dân dãi nắng dầm sương trên đồng. Cứ nghĩ thế chúng tôi lại quên hết mệt nhọc, không ngơi tay xẻng, tay cuốc”. Ngoài nạo vét tuyến kênh, cán bộ, chiến sĩ còn dọn sạch khu vực xung quanh bờ kênh, hạn chế đất cát có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.

Nhìn dòng kênh được khơi thông, ông Lê Minh Toán, Phó chủ tịch UBND Thị xã An Nhơn bộc bạch: "Chỉ có bộ đội mới lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả đến thế. Ăn ở dã ngoại trong thời tiết khắc nghiệt, cường độ làm việc cao vậy mà ai cũng nhiệt tình, trách nhiệm. Không những tham gia chống hạn, các anh còn mang luồng sinh khí mới, động viên bà con phấn khởi lao động sản xuất".

Chiến đấu với “giặc lửa” giữ rừng

Sáng 9-8-2014, tại núi Bà Hỏa (tổ 17, khu vực 4, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xảy ra cháy rừng, gặp gió lớn đã bùng lên và lan nhanh ra khu vực xung quanh. Địa hình đồi dốc cao, hiểm trở, có nhiều cỏ và bụi cây khô nên lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường, xe chữa cháy không vào được nơi xảy ra cháy. Thời tiết nắng nóng, hanh khô cộng với gió nam thổi mạnh, khiến khói và tàn tro bao phủ nhiều tuyến phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động gần 140 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 573 phối hợp với LLVT tỉnh Bình Định, cảnh sát PCCC khẩn trương tham gia chữa cháy.

 Bộ đội Lữ đoàn Phòng không 573 chữa cháy rừng trên núi Bà Hỏa tháng 8-2014.

Từ đầu năm đến nay, Lữ đoàn đã 4 lần cơ động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng; tham gia dập hàng chục vụ cháy nhỏ trên địa bàn đóng quân. Xác định phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, hằng năm đơn vị đều kiện toàn biên chế Đội phản ứng nhanh phòng chống cháy, nổ với 22 quân nhân, thường xuyên bổ sung, tổ chức luyện tập và phối hợp với Hạt kiểm lâm Thị xã An Nhơn luyện tập các phương án. Nhờ vậy đơn vị luôn nhanh chóng cơ động, có mặt sớm tại nơi xảy ra cháy.

Thượng tá Nguyễn Phúc Trứ, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 573 cho biết: “Phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ, đơn vị chia thành các “cánh quân” bao vây, khoanh vùng các khu vực cháy. Bất chấp đêm tối, lửa táp ráp mặt, bằng những dụng cụ thủ công như rựa, vỉ dập lửa, cành cây, bộ đội bình tĩnh phát đường băng cản lửa, khống chế, ngăn đám cháy lan sang khu vực khác”.

Vừa hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới, lần đầu tiên tham gia chữa cháy rừng, Binh nhì Phạm Xuân Dương (Đại đội 9 Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 573) bộc bạch: “Hàng chục héc-ta rừng trồng cây keo, bạch đàn đứng trước nguy cơ bị thiêu rụi, nên chúng tôi ai cũng cố gắng tăng tốc, làm việc thật hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại cho người dân”. Áo đẫm mồ hồ, mặt nhem nhuốc khói bụi, nhưng vẫn tác nghiệp không ngơi tay, Binh nhất Lê Thanh Hiền (Đại đội 1 Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 573) tâm sự: “Ngày thường đơn vị luôn duy trì hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thân thể, khi thực hiện nhiệm vụ, cùng mới thấm thía giá trị của những buổi tập đó. Nhờ có sức khỏe tốt, chúng tôi luôn hết mình trong cuộc chiến với lửa”.

Chỉ huy một cánh quân xung kích ở vị trí đầu đám cháy, Trung tá Trương Văn Lâu, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 573 khẳng định: “Núi Bà Hỏa nằm ngay trong lòng thành phố Quy Nhơn, nơi dân cư đông đúc. Vì thế, chúng tôi quyết tâm phải dập tắt đám cháy nhanh nhất để không ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Kinh nghiệm của đơn vị là bố trí đội hình chữa cháy đứng lùi về trước, song song với hướng đám cháy đang lan đến, với một khoảng cách mà sức nóng không ảnh hướng lớn đến những người chữa cháy, triển khai phát cây tạo dải phân cách, ngăn lửa trước đầu hướng gió. Điều này giúp việc khống chế các khu vực cháy nhanh gọn hơn”. Đối mặt với khói bụi, sức nóng tỏa ra hừng hực, bộ đội Lữ đoàn 573 đã hiệp đồng ăn ý với đơn vị bạn, dập lửa dứt điểm từng khu vực. Đến 5 giờ sáng ngày 10-8, đám cháy trên núi Bà Hỏa đã được dập tắt hoàn toàn.

Đại tá Trần Quốc Dũng, Lữ đoàn trưởng khẳng định: Việc phòng chống cháy rừng hiện là nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách. Cùng với các giải pháp của địa phương, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn trong tâm thế “Người sẵn sàng, phương tiện sẵn sàng”, có lệnh là lên đường ngay, sớm vô hiệu hỏa “giặc lửa”, bảo vệ rừng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP