QĐND Online - Thượng tá Đỗ Thanh Hồng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng thông tin mới: Trung đoàn sắp được vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân khu vực Quần đảo Trường Sa – DK1. Cùng với niềm vui được trên ghi nhận, ký ức về những chuyến bay tìm kiếm cứu nạn cứ dài ra trong anh trên hành trình nối đất liền với biển đảo quê hương…
Cho đến giờ, Thượng tá Đỗ Thanh Hồng không nhớ rõ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến bay tìm kiếm mục tiêu trên biển, thả hàng cứu trợ hay chuyên chở cấp cứu các bệnh nhân nặng trên các điểm đảo về đất liền nữa. Nhưng ký ức của anh về những chuyến bay ấy thì vẫn vẹn nguyên…
 |
Tổ bay Mi 171 số hiệu 8431 chuyển bệnh nhân từ Đảo Trường Sa Lớn về TP Hồ Chí Minh an toàn, ngày 21-10-2014.
|
Năm 2009, anh thực hiện chuyến bay đầu tiên ra đảo Trường Sa. Ấy là vào cuối dịp cuối năm. 22 giờ ngày 24-11, đồng chí Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho tổ bay Mi 171 chuẩn bị cấp cứu một sĩ quan Hải quân trên đảo Đá Lát bị tràn dịch màng phổi. Trước đó, Trung đoàn đã từng có những chuyến bay ra đảo nhưng vào mùa sóng yên, biển lặng, điều kiện thời tiết không đến nỗi phức tạp. Nguyên là phi công chiến đấu trên máy bay Mi 24 nhưng anh chưa từng bay xa trên biển như thế bao giờ. Nhận nhiệm vụ, dù không khỏi lo lắng nhưng quyết tâm cứu đồng đội của tổ bay còn lớn hơn nhiều. Sáng hôm sau, Quân chủng cho lệnh cất cánh sớm. Bay hàng giờ trong mây, sau 3 giờ 15 phút, máy bay hạ cánh trên đảo Trường Sa. Trong khi chờ tiếp dầu, tranh thủ bữa lót dạ chóng vánh, máy bay lại cất cánh trở về đất liền ngay. Lúc bay ra đã khó, nhưng tổ bay vẫn có thể tránh được những rủi ro của thời tiết bằng cách thay đổi độ cao, có thể vượt lên hoặc chui dưới tầng mây. Khi về, khó khăn tăng bội phần, máy bay chở bệnh nhân, không thể lên quá cao vì sự chênh lệch áp suất, bắt buộc phải bay xuyên mây...
Đã từng bay trong điều kiện thời tiết xấu nhưng Thượng tá Đỗ Thanh Hồng lại chưa từng thực hiện chuyến bay nào kéo dài đến gần 7 giờ đồng hồ như thế. Mệt mỏi vì phải đối diện với tình trạng thời tiết, khí tượng quá phức tạp và nguy hiểm cận kề song khi vừa hạ cánh xuống Trường Sa, nghe đồng chí đảo trưởng nói thì anh rất cảm động và mọi mệt mỏi vụt tan biến. Đồng chí đó bảo: Các anh ra đến đây, chúng tôi mừng lắm. Vậy là từ đây, khi anh em trên đảo ốm nặng cần cấp cứu, chúng tôi yên tâm rồi. Thượng tá Đỗ Thanh Hồng hiểu, anh không chỉ cứu được tính mạng của một quân nhân, mà hơn thế nữa, đã làm an lòng những cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng. Với họ, biển đảo đã gần hơn với đất liền...
Những chuyến bay như thế cứ được nối dài theo thời gian. Sự phức tạp của thời tiết càng tăng lên thì nhiệm vụ ngày một nhiều thêm với những chuyến bay cấp cứu quân, dân trên đảo, bay thả hàng cứu trợ, bay tìm kiếm… Ngay như năm 2014 này, đúng 4 giờ sáng ngày 30 Tết, tổ bay Mi 171 mang số hiệu SAR-02 của anh cũng được lệnh cấp cứu một quân nhân ở Vùng 5 Hải quân (đảo Phú Quốc) bị tai biến. Vừa nhận nhiệm vụ lúc 3 giờ thì 1 tiếng sau cất cánh. Còn cách đây hơn 1 tháng, ngày 21-11, trên máy bay Mi 171 mang số hiệu 8431, Thượng tá Đỗ Thanh Hồng là phi công lái chính trong chuyến bay cấp cứu ngư dân Lê Quang Minh, 20 tuổi, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm nghề đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa bị suy phổi cấp về chữa trị tại bệnh viện 175…
Anh tâm sự, ra Trường Sa từ hơn chục năm trước, giờ chứng kiến sự thay da, đổi thịt và ngày một xích lại gần hơn với đất liền của mảnh đất nơi đầu sóng, đó vừa là niềm vui, vừa là nguồn sức mạnh cho anh và đồng đội.
Kể lại với chúng tôi một vài chuyến bay trong những lần cất cánh cùng đồng đội tham gia cứu hộ, cứu nạn, anh Hồng chia sẻ, không phải riêng anh mà ở Trung đoàn 917, phi công nào cũng vậy... Những cái tên như Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng; Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Chính ủy Trung đoàn; Đại tá Lê Quang Vinh, Phó trung đoàn trưởng Quân sự; Thượng tá Ngô Vy Sơn, Chủ nhiệm bay… đã trở nên quen thuộc với mỗi chuyến bay cứu hộ, cứu nạn. Từ năm 2009 đến nay, Trung đoàn đã thực hiện 136 giờ 35 phút bay, với hơn 140 lượt phi công, 1.274 thành phần khác, huy động 35 máy bay và hơn 900 phương tiện khác tham gia tìm kiếm cấp cứu, ứng cứu bão lụt. Một trong những đợt tìm kiếm dài ngày nhất của Trung đoàn 917 là đợt tham gia tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích. Với 17 lượt chuyến, tổng số 34 giờ 5 phút, các chuyến bay của Trung đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.
Thường thì ai vào vùng nguy hiểm cũng có chút đắn đo. Còn với những phi công Trung đoàn 917, bề dày trong thực hiện nhiệm vụ đã tôi luyện cho họ bản lĩnh; có lệnh là đi, nhận nhiệm vụ là lên đường, không chút toan tính, suy tư, dù trong bất kể thời gian nào. Với họ, bản chất Bộ đội Cụ Hồ luôn thường trực, có dịp là tỏa sáng.
Bài, ảnh: HỒNG LINH