Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII:

Xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới gần, toàn thể nhân dân đều mong muốn lựa chọn được những người đại diện cho mình có đức, có tài; lấy lợi ích của nhân dân, đất nước làm mục đích phục vụ.

Cử tri cả nước kỳ vọng vào đại biểu Quốc hội, nhưng có nhiều việc với tư cách là một đại biểu Quốc hội tôi nhận thấy mình chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của nhân dân. Đấy là điều tôi trăn trở, suy nghĩ, mong muốn làm sao các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV tới lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Bốc dỡ hàng hóa ở cảng Khánh Hội, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VŨ QUANG THÁI 

Phải xác định rằng, đại biểu Quốc hội không đơn thuần là người chuyển đơn mà cần phải có quan điểm của mình, quyết đeo bám tới cùng, chuyển tới các cơ quan chức năng nhằm giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Như thế mới là vị đại biểu Quốc hội xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự sáng suốt của nhân dân, của các cử tri sẽ chọn được những vị đại biểu Quốc hội tiêu biểu nhất.

PHAN HUYỀN (ghi)

PGS, TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam:

Chuyển dịch cơ cấu lao động tích cực

Nhà nước chủ trương tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm mục đích nâng cao chất lượng tăng trưởng nhanh, bền vững. Việc tái cấu trúc nền kinh tế đã được một số kết quả bước đầu, hạn chế được tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, phần nào đó đã chuyển dần theo chiều sâu và có sự quan tâm về chất lượng tăng trưởng, giảm sự đóng góp của yếu tố vốn trong tăng trưởng GDP, tăng dần sự đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp. Chỉ khi tạo lập, duy trì một đội ngũ lao động có chất lượng, cơ cấu hợp lý phù hợp yêu cầu phát triển và hội nhập của nền kinh tế mới bảo đảm chất lượng tăng trưởng, ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô.

Trên thực tế, đội ngũ lao động của chúng ta đông nhưng không mạnh, cơ cấu chưa hợp lý và sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Chúng ta thiếu nghiêm trọng lao động có tay nghề kỹ thuật, chuyên nghiệp để tham gia trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ cao... Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do hệ thống giáo dục và đào tạo còn lạc hậu. Vì vậy, rất cần sự đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, xây dựng một xã hội học tập tốt hơn nữa.

HOÀNG NHƯỠNG (ghi)

Anh Hoàng Đức Thuần, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai:

Lấy chất lượng công trình làm tiêu chuẩn

Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn tồn tại tình trạng đội vốn, chất lượng công trình nhiều nơi yếu kém. Không ít công trình thi công gây phiền toái, thiệt hại về người và tài sản; nhiều tuyến đường giao thông đô thị ách tắc, quá tải…

Có thể nói, cơ sở hạ tầng là tiền đề thúc đẩy đất nước phát triển. Bởi vậy, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội và ngành giao thông vận tải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn, đặt chất lượng công trình là tiêu chí hàng đầu kết hợp với đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để giao thông tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

QUANG THÁI (ghi)

 

Ông Trần Quốc Việt, xóm 16, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình:

Nâng cao chất lượng an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, đề ra nhiều chính sách mới phù hợp với thực tiễn. Công tác an sinh xã hội ngày càng được cải thiện. Các chính sách, chế độ dành cho người có công, gia đình chính sách được chú trọng hơn, cấp phát hỗ trợ đầy đủ và đúng đối tượng. Chính sách hậu phương quân đội được chi trả kịp thời, chế độ bảo trợ xã hội cho người tàn tật cũng được triển khai có hiệu quả. Các hộ nghèo được nhận nhiều chính sách ưu đãi hơn, thông qua đó giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước là chủ trương đúng đắn. Như ở quê tôi, sau 5 năm triển khai với sự quyết tâm của nhân dân và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, xã tôi đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác bảo hiểm được nhân rộng giúp nhân dân bớt nhiều chi phí khi đến cơ sở y tế.

Mặc dù các quyết sách về an sinh xã hội đã làm thay đổi tích cực đời sống của nhân dân nhưng tôi rất mong Chính phủ, Nhà nước và các bộ, ngành tiếp tục có những quyết sách để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.

THÁI BÌNH DƯƠNG (ghi)

 

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Ứng phó với biến đổi khí hậu:

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh công bố thiên tai độ cao nhất... đều là hệ quả của biến đổi khí hậu.

Như các nhà khoa học đã dự báo, biến đổi khí hậu là một xu hướng không tránh khỏi, rất dài hạn. Chúng ta phải thích ứng với biến đổi khí hậu, “sống chung” và điều hòa nó. Thứ hai, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm phát, thải khí nhà kính bằng cách cải tiến những biện pháp kỹ thuật, có thêm nhiều phát minh mới nhằm tạo ra công cụ, phương tiện khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Sử dụng các biện pháp quan trắc, biện pháp xử lý nước, thực hiện chương trình làm nhà chống lũ...

Cần có thêm những chính sách tài chính tạo điều kiện để người dân tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách tích cực, thậm chí được hưởng lợi trong quá trình tham gia đó. Trong tăng trưởng xanh, người tiêu dùng cần sống xanh hơn, tiêu dùng thông minh hơn, thúc đẩy người sản xuất phải sản xuất sạch hơn. Bởi người tiêu dùng chính là nhân tố quyết định thái độ và hành động của nhà sản xuất. Còn nhà quản lý phải có chính sách vĩ mô phù hợp để hướng dẫn. Những vấn đề đó cần được Quốc hội khóa XIV tới đây quan tâm hơn nữa.

TRẦN THÚY (ghi)