QĐND - Với những thành tựu nổi bật về văn học, nghệ thuật, thủ đô Pra-ha của Cộng hòa Séc đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố văn chương”.

Theo các chuyên gia văn hóa của UNESCO, ngoài những thành tựu nổi bật liên quan đến các hoạt động văn học, nghệ thuật, Pra-ha có một thư viện cực kỳ độc đáo. Đó là thư viện công cộng ngoài trời trên Quảng trường Tự Do. Thư viện này là một tòa nhà lớn bằng thủy tinh. Những người dân đều có thể đặt vào đó cuốn sách mà họ đã đọc hoặc không cần đến nữa. Những người có nhu cầu mượn sách mang về đọc, sau đó đem trả lại chỗ cũ.

Thư viện công cộng tại Quảng trường Tự Do. Ảnh: pikoblog

 

Pra-ha có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, được coi là “viên ngọc quý” của kiến trúc nguyên bản châu Âu. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Pra-ha là nơi hội tụ nhiều phong cách nghệ thuật và kiến trúc độc đáo, từ Rô-man, Gô-tích đến Phục hưng, Ba-rốc... Hầu hết các công trình kiến trúc đều được xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc công phu, nghệ thuật. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố này được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đến hiện tại, Pra-ha vẫn luôn tự hào với những quần thể kiến trúc ấn tượng và rất nhiều ngôi nhà cổ kính tuyệt đẹp, đường phố uốn lượn cùng các điểm ngoạn cảnh nổi tiếng. Trong đó, nổi tiếng nhất là Quảng trường Ven-xê-lát. Quảng trường này được bao bọc bởi những đền đài, nhà thờ, khách sạn mà mặt tiền được trùng tu theo phong cách Ba-rốc. Tòa thị chính được xây dựng năm 1338, là công trình kiến trúc đẹp nhất của quảng trường này. Trên tháp tòa thị chính có chiếc đồng hồ mà trong suốt hơn 500 năm qua, cứ tròn 1 giờ, chú gà trống trên nóc đồng hồ cất tiếng gáy, rồi 12 vị thánh tông đồ tượng trưng cho 12 tháng trong năm lần lượt xuất hiện.

Pra-ha cũng là thành phố luôn sôi động với những hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ, phim ảnh, kịch nghệ. Những điều thú vị này đã biến Pra-ha trở thành một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi thư giãn vào cuối tuần và trải nghiệm cuộc sống phong phú về đêm.

Danh hiệu “Thành phố văn chương” được UNESCO khởi xướng từ năm 2004, nhằm trao tặng cho những thành phố nổi bật về các thành tựu liên quan đến các hoạt động văn học, nghệ thuật. Đến nay, tổng cộng đã có 8 thành phố nhận được danh hiệu này. Ngoài Pra-ha là: Ê-đin-buốc (Xcốt-len); Men-bơn (Ô-xtrây-li-a); I-ô-oa (Mỹ); Đắp-lin, Ri-ki-a-vích (Ai-len);

Noóc-uých (Anh) và Cra-cốp (Ba Lan). Việc một thành phố được trao tặng danh hiệu này luôn góp phần thu hút thêm khách du lịch, đặc biệt là giới trí thức.

HOÀNG LAN